Truy cập hiện tại

Đang có 73 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Công an xã Ô Lâm đưa chuyển đổi số đến gần hơn với bà con nơi phum sóc

(TUAG)- Là huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Tây tỉnh An Giang, Tri Tôn có đến 9/12 xã, thị trấn có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống – những con người quanh năm bám phum sóc với chăn nuôi và nương rẫy và giấy tờ tùy thân là những chuyện rất ít khi được quan tâm. Chính vì vậy việc tuyên truyền đưa chuyển đổi số đến gần với người dân nơi đây cần sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn từ cán bộ, chiến sĩ làm công tác này. Xã Ô Lâm của huyện Tri Tôn là một điển hình như thế!
 

Trung tá Thái Thanh Bình - Trưởng Công an xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn) trao căn cước cho người dân và tuyên truyền về những tiện ích khi tích hợp thông tin

Ô Lâm có trên 3.180 hộ với trên 10.390 nhân khẩu. Trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm tỷ lệ hơn 95%. Trình độ dân trí của bà con tương đối thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, các giấy tờ tùy thân thì hầu như khi đụng tới quyền lợi thì họ mới đi làm! Những câu chuyện tưởng chừng như đơn giản như khai sanh, khai tử thì đối với người dân nơi đây cũng là cả vấn đề nan giải! Điều này đã đặt ra những thách thức rất lớn cho lực lượng công an cơ sở trong công cuộc chạy đua với 02 dự án và Đề án 06 - Chuyển đổi số quốc gia!

Thật vậy, lửa thử vàng, gian nan thử sức! Huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị của xã (công chức tư pháp hộ tịch, công chức văn hóa xã hội, thanh niên, phụ nữ,...), trong đó lực lượng Công an xã làm nồng cốt, thế là luân phiên nhau đi từng ngõ, gõ từng nhà, hỗ trợ người dân hoàn thiện các trường thông tin bị thiếu và sai sót, tổ chức và làm căn cước tận nhà cho bà con có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tuyên truyền hướng dẫn cho bà con về những lợi ích của công nghệ số, hỗ trợ người dân cài đặt và tích hợp thông tin.


Lực lượng Công an xã và chính quyền đoàn thể đến thăm và trao căn cước cho bà Neáng Sê

Gia đình đơn chiếc, con cái  ở xa, vợ chồng ông Chau Nhung và bà Neáng Sê (cư trú ấp Phước Lộc, xã Ô Lâm) lại tuổi cao sức yếu! Được lực lượng Công an xã quan tâm hỗ trợ làm căn cước tại nhà, ông vui mừng chia sẻ: “Bà nhà tôi bị tật ở chân, tôi già yếu rồi đâu có chở đi làm giấy được! May mà có mấy chú Công an xã nhiệt tình xuống tới nhà đã hỗ trợ để vợ tôi được làm căn cước, tôi rất cám ơn!”

Hay trường hợp của bà Néang Phương (ấp Phước Lộc, xã Ô Lâm) - là một trong những người hiếm hoi còn lưu giữ công thức của chiếc bành Kà tum truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer nên mỗi ngày, đôi tay thoăn thoắt, tất bật định hình chiếc bánh nhỏ xinh để kịp cho những đơn hàng gần như chiếm hết thời gian của bà. Được tổ căn cước hỗ trợ làm giấy tờ tại nhà và tuyên truyền về những tiện ích khi tích hợp thông tin, bà vô cùng phấn khởi: “Nhờ anh em xuống tận nhà chứ cô cũng bận quá  không có điều kiện đi làm! Mai mốt con cô về sắm cho cái điện thoại để tích hợp thông tin để mình muốn đi đâu, đi khám bệnh cũng dễ, không cần đem giấy tờ lu bu như trước nữa, chỉ cần đem căn cước này thôi!
 

Hỗ trợ, hướng dẫn người dân cà đặt VNEID

Trao đổi với phóng viên, Trung tá Thái Thanh Bình - Trưởng Công an xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn cho biết thêm: “Khó khăn, áp lực nhưng anh em đều rất đồng lòng, vượt khó vì nhiệm vụ chung. Bên cạnh đó, vào các ngày lễ, Tết trong vùng đồng bào dân tộc, biết bà con đi làm ăn xa sẽ tựu về, chúng tôi phối hợp với các ngành, đoàn thể tranh thủ xuống tiếp xúc với các chức sắc, tôn giáo, đặc biệt là các sư sãi, à cha ở các chùa để thông qua dịp tổ chức lễ hội, nhờ Sư cả tuyên truyền vận động bà con mình ai chưa làm căn cước thì đi làm, khó khăn liên hệ Công an xã. Bên cạnh đó tuyên truyền về những tiện ích của căn cước công dân và định danh điện tử để bà con nắm, biết và tự giác đi làm.”

Thật vậy!Trọng dân, gần dân, biết dựa vào dân để hoàn thành nhiệm, lực lượng công cơ sở nơi huyện miền núi Tri Tôn nói chung và Công an xã Ô Lâm nói riêng đã và đang phát huy tối đa vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc, góp sức cùng lực lượng công an trong công tác tuyên truyền, vận động, giúp người dân nắm bắt kịp thời, hiểu rõ những tính năng, tác dụng của việc chuyển đổi công nghệ số, từ đó tạo nên sự tin tưởng, đồng thuận cao trong Nhân dân, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của Chính phủ số trong thời gian tới!

Bích Trâm, Mai Phương
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40859777