Kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022)
Khí thế cách mạng trong những ngày tháng tư lịch sử ở An Giang
- Được đăng: Chủ nhật, 26 Tháng 4 2015 05:48
- Lượt xem: 7609
(TGAG)- Cách đây 40 năm, dưới sự lãnh đạo thiên tài, đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy” mùa Xuân năm 1975 lịch sử, với 55 ngày đêm, bắt đầu từ ngày 4/3/1975 bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định kết thúc vào ngày 30/4/1975. Qua gần 2 tháng chiến đấu với sức mạnh áp đảo về chính trị và quân sự, quân và dân ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn, kết thúc 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc. Nhân dân ta đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất đất nước; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội.
Hòa chung với các chiến dịch tiến công và nổi dậy của toàn miền Nam, trong những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 1975, Đảng bộ, quân và dân An Giang đã nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang của mình, đã lãnh đạo chiến dịch giải phóng các huyện, thị xã (thuộc tỉnh An Giang) trên địa bàn hai tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hà.
- Ở Long Châu Hà, ngay từ đầu tháng 4/1975, Tỉnh ủy chủ trương giao nhiệm vụ cho các huyện, thị xã đứng lên khởi nghĩa vũ trang, tự giải phóng địa phương mình. Nhiệm vụ chung của lực lượng vũ trang là đánh tiêu diệt từng phân chi khu địch để mở rộng vùng giải phóng tại chỗ, làm nòng cốt cho quần chúng tấn công ba mũi bao vây, bức rút, bức hàng đồn bót địch, phá tề giành chính quyền cơ sở.
Trong 10 ngày đầu tháng 4/1975, lực lượng 3 mũi của Tri Tôn, Tịnh Biên liên tục bao vây tấn công tiêu diệt đồn bót xã Lê Trì, Lương Phi, Châu Lăng, Cô Tô, Ba Chúc, Lạc Qưới, Vĩnh Gia… Lực lượng vũ trang Châu Thành, Huệ Đức tuyên truyền ra tận Vĩnh Hanh, Phú Hòa. Đội biệt động Long Xuyên tăng lên 12 chiến sĩ, thường xuyên cho người vào nội ô nắm tình hình địch. Đưa nhiều cán bộ vào nội ô Long Xuyên, Châu Đốc trực tiếp chỉ đạo phong trào, vạch kế hoạch đánh chiếm các công sở địch… Về mũi binh vận, chính trị, ta tuyên truyền vận động gia đình binh sĩ kêu gọi chồng, con, em rã ngũ về với nhân dân, xây dựng lực lượng nội tuyến trong dân vệ, phòng vệ dân sự chờ thời cơ nổi dậy.
Ngày 19/4/1975, bộ đội tỉnh (A11), lực lượng Huệ Đức, Châu Thành, Long Xuyên phối hợp lực lượng tại chỗ đánh diệt đồn Hai Trân, diệt phân khu Phú Nhuận, bứt rút đồn Cản Dừa, đánh địch phản kích giữ vững trận địa, đến ngày 23/4/2015 lực lượng ta rút quân về căn cứ vùng Huệ Đức.
Ngày 28/4/1975, Quân khu 9 chỉ đạo tỉnh Long Châu Hà đưa lực lượng vũ trang của tỉnh về giải phóng Hà Tiên là nơi yếu nhất của địch. Khi lực lượng giải phóng hành quân đến Nam Thái Sơn thì được tin Dương Văn Minh đầu hàng, Tỉnh ủy quyết định chia lực lượng ra làm hai: Một cánh tiếp tục tiến về Hà Tiên; cánh thứ hai quay lại giải giáp Ba Thê, tiến về về Long Xuyên phối hợp với lực lượng vũ trang Long Xuyên, cùng lực lượng hợp pháp trong nội ô tiến hành khởi nghĩa.
Tại Long Xuyên, trưa ngày 30/4/1975, cả thị xã bao trùm một bầu không khí hoang mang, hỗn loạn. Chiều 30/4/1975, Tỉnh trưởng An Giang chạy mất. Tỉnh đoàn trưởng Bảo an và Tổng đoàn trưởng Bảo an quân Hòa Hảo đã đưa lực lượng chiếm giữ dinh Tỉnh trưởng và một số cơ quan, chốt chặn các ngã ra vào, ra lệnh giới nghiêm, kêu gọi “tử thủ”.
Lực lượng cách mạng nội ô đã nhanh chóng chiếm giữ các cơ sở quan trọng, như: Đài Viễn thông, Ty Ngân khố, Ty Điền địa... bảo vệ, không cho “Bảo an quân Hòa Hảo” cướp phá. Trong lúc đó, các xã vùng ven phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền cơ sở. Đến 16 giờ ngày 01/5/1975, đại đội chủ lực của Trung đoàn 101 từ hướng Cần Thơ chi viện, kết hợp lực lượng của tỉnh và thị xã giải phóng hoàn toàn thị xã Long Xuyên vào lúc 18 giờ 30. Lực lượng “Bảo an quân Hòa Hảo” bỏ chạy về Chợ Mới.
Tại Châu Đốc, từ sáng ngày 30/4, số tàn quân địch chạy về đây ngày càng nhiều. Chỉ huy “Bảo an quân Hòa Hảo” tuyên bố “tử thủ”, ép Tỉnh trưởng giao chính quyền. Thời cơ này, bộ phận lãnh đạo nội ô quyết định phát động khởi nghĩa bằng lực lượng tại chỗ. Sáng ngày 01/5, lực lượng cách mạng chiếm các công sở chính trong nội ô. Trưa ngày 01/5, lực lượng thị xã bên ngoài vào phối hợp giải phóng hoàn toàn tỉnh lỵ.
Đến chiều ngày 02/5, các huyện, thị trên địa bàn tỉnh Long Châu Hà như: Châu Thành, Châu Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên được hoàn toàn giải phóng.
- Cũng trong tình hình đó, từ ngày 18/4/1975 tỉnh Long Châu Tiền đã đưa bộ đội tỉnh giải phóng các xã vùng ven hậu Thanh Bình, bao vây Chi khu, khống chế lộ 30. Trưa ngày 30/4, chiếm chi khu Hồng Ngự. Sáng 01/5, giải phóng hoàn toàn Tân Châu.
Ở Phú Tân, từ trưa ngày 30/4, số ác ôn, ngoan cố cùng với Bảo an quân Hòa Hảo (khoảng 2.000 tên) lập các phòng tuyến “tử thủ”, lấy chiêu bài “Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo” ra Thông cáo số 1, tự tuyên bố tỉnh Châu Đốc và An Giang (Long Xuyên) thuộc quyền quản lý của quân đội Hòa Hảo và đang có “200.000 Bảo an quân tử thủ”. Lực lượng cách mạng tại chỗ vừa trực tiếp vận động thuyết phục, được sự đồng tình của Tổ đình, vừa liên lạc đón lực lượng bên ngoài vào hỗ trợ. Sáng ngày 03/5, ta tiếp quản trụ sở Trung ương Giáo hội của Lương Trọng Tường, sào huyệt phản kháng của bọn phản động với rất nhiều vũ khí chôn giấu…
Tại Chợ Mới, từ sáng ngày 30/4/1975, một số sỹ quan cấp cao và các phần tử phản động trong các tổ chức chính trị, tôn giáo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cùng với binh lính, tề địch tại chỗ tụ tập tại Tây An Cổ Tự (Long Kiến) vạch kế hoạch chiếm giữ cứ điểm các tỉnh miền Tây.
Từ chiều 30/4 đến ngày 02/5, bộ đội từ hướng Mỹ An Hưng (Sa Đéc) lần lượt đánh tan các tuyến phòng ngự của địch ở Hội An, Hòa Bình, An Thạnh Trung, chiếm chi khu Chợ Mới.
Chiều ngày 03/5, lực lượng Quân khu 8 chi viện lần lượt đánh chiếm tuyến Long Điền - Bà Vệ, kêu gọi binh lính địch đầu hàng. Ngày 04/5, hàng ngàn “Bảo an quân Hòa Hảo” ra hàng, nhưng vẫn còn trên 3.000 tên bị bọn đầu sỏ khống chế vẫn tiếp tục tử thủ. Lực lượng giải phóng bao vây, tấn công các hướng vào Tây An Cổ Tự. Đồng thời, ráo riết vận động thân nhân Bảo an quân kêu gọi con em trở về nhà. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, 8 giờ sáng ngày 06/5/1975, toàn bộ số quân còn lại kéo cờ trắng ra hàng, huyện Chợ Mới hoàn toàn giải phóng. Kết thúc cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, tỉnh Long Châu Hà và tỉnh Long Châu Tiền được hoàn toàn giải phóng.
Chiến thắng 30/4 tại An Giang nói lên ý chí tự lực, tự cường và sự chuẩn bị chu đáo cả thế và lực tại chỗ, sẵn sàng và đã thực hiện nhanh, gọn, bóp chết âm mưu của các thế lực hiếu chiến, ngoan cố muốn dựa vào lực lượng phản động để tử thủ, mong chờ sự trở lại của thế lực từ bên ngoài.
40 năm kể từ ngày quê hương được giải phóng, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân An Giang đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu quan trọng. Đó là một chặng đường phấn đấu xây dựng đầy gian khổ, hy sinh của các thế hệ cách mạng và Nhân dân tỉnh nhà, góp phần tô đậm thêm những trang sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc./.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy