Truy cập hiện tại

Đang có 121 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Hiệu quả mô hình hợp tác xã liên kết và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị

(TUAG)- Nhằm tạo ra hướng đi mới cho nông nghiệp, những năm gần đây, tỉnh An Giang chú trọng triển khai các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực (lúa gạo, rau màu và thủy sản), trọng tâm là sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ; trong đó, hợp tác xã (HTX) giữ vai trò đặc biệt quan trọng kết nối giữa người dân và doanh nghiệp theo hướng sản xuất chuỗi giá trị.

Từ năm 2011 đến năm 2018, đã triển khai trên diện tích là 248.568 ha lúa, mỗi năm trung bình có từ 15 - 21 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng liên kết tiêu thụ (trong đó có khoảng 10 - 14 HTX và 08 - 21 THT tham gia liên kết). Một số doanh nghiệp tham gia điển hình như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời), Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long, Công ty Cổ phần Gentraco… Kết quả, bước đầu đã có sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc phát triển dịch vụ liên kết và tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo.


Hội thảo “Cánh đồng hạnh phúc” liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ lúa gạo thông qua mô hình HTX

Năm 2019, đã triển khai ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang và Tập đoàn Lộc Trời tham gia hoạt động điều hành và liên kết sản xuất với HTX, từ đó định hướng hình thành các vùng nguyên liệu rộng lớn bằng hình thức liên kết với nông dân gắn với xây dựng 200 HTX kiểu mới giai đoạn 2020 - 2025 (năm 2020 thành lập mới 19 HTX nông nghiệp) sản xuất lúa gạo, nếp, rau màu và cây ăn quả đạt tiêu chuẩn; xây dựng các HTX kiểu mới này có thương hiệu và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Các ngành chuyên môn và địa phương của tỉnh đã hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối HTX gắn với vùng nguyên liệu lúa gạo thực hiện. Cụ thể, vụ Đông Xuân năm 2020 - 2021: có 28 doanh nghiệp đã thực hiện thông qua 47 HTX nông nghiệp và 237 THT)với diện tích 26.721 ha; trong đó, Tập đoàn Lộc Trời đã triển khai thông qua 32 HTX nông nghiệp và 178 THT với diện tích 20.999 ha.

Vụ Hè Thu năm 2021: có 29 doanh nghiệp tham gia thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp thông qua các HTX, THT và các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh với diện tích 27.842 ha; trong đó, Tập Đoàn Lộc Trời đã triển khai thông qua 23 HTX nông nghiệp và 99 THT với diện tích 21.265 ha. Các mô hình liên kết của Tập đoàn Lộc Trời gồm: Mô hình LT123 108 ha, mô hình truyền thống 11.157 ha và mô hình tiêu thụ (liên kết đối tác) 10.000 ha.

Vụ Thu Đông 2021: có 24 doanh nghiệp có kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh, diện tích là 51.000 ha; trong đó, Tập đoàn Lộc Trời có nhu cầu liên kết và thu mua với diện tích là 46.806 ha, gồm các mô hình sau: Mô hình LT123 3.778 ha, mô hình bao tiêu truyền thống 3.028 ha và mô hình tiêu thụ (liên kết đối tác) 40.000 ha.

Các địa phương tham gia tích cực gắn kết với Tập đoàn Lộc Trời trong thời gian qua gồm: Phú Tân, Chợ Mới, Thoại Sơn... Nhân sự của Tập đoàn Lộc Trời đã tham gia sâu vào quản trị, điều hành và tăng tính gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong vùng, giúp HTX khắc phục, cải thiện các điểm yếu về công tác kế toán, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, tiêu thụ nông sản cho thành viên.   

Mô hình HTX đã cho thấy hiệu quả tích cực trong việc ổn định chất lượng thành phẩm, bảo vệ sức khỏe, nâng cao hiệu quả kinh tế và môi trường cho nông dân bằng việc áp dụng hợp lý các quy trình canh tác tiên tiến và sử dụng thuốc kết hợp với các kỹ thuật, máy móc hiện đại. Bộ máy quản lý, điều hành của HTX về kế toán, nhân sự được củng cố và tăng cường sẽ đảm bảo tối đa quyền lợi cho nông dân.

Ngoài ra, trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh còn hỗ trợ Tập đoàn Tân Long triển khai xây dựng hệ thống chế biến, kho chứa lúa gạo tại huyện Tri Tôn và tham gia thành lập HTX với nông dân địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững; duy trì 18 HTX thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp ổn định qua các năm./.

Ngọc Dựng
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36726128