Truy cập hiện tại

Đang có 169 khách và không thành viên đang online

Điểm nhấn kinh tế - xã hội nước ta 9 tháng năm 2019; nhiệm vụ những tháng cuối năm 2019

(TGAG)- Bức tranh kinh tế-xã hội Việt Nam 9 tháng qua có những chuyển biến tích cực, mục tiêu tăng trưởng rất khả quan, nhưng nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế.

Một số kết quả đạt được:
    
- Về kinh tế: Trong 9 tháng năm 2019, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2019, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây. CPI bình quân 9 tháng năm 2019 tăng 2,5% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2019 tăng 1,91% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Tổng thu ngân sách Nhà nước tính đến ngày 15/9/2019 ước đạt 1.028,72 nghìn tỷ đồng, bằng 72,9% dự toán năm, tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 962,2 nghìn tỷ đồng, bằng 58,9% dự toán năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2019 ước đạt 382,72 tỷ USD; cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng ước tính xuất siêu 5,9 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2019 đạt 3,634,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước đạt 1.378,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018 và bằng 34,3% GDP. Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến ngày 20/9/2019 thu hút 2.759 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 10.973,4 triệu USD, tăng 26,4% về số dự án và giảm 22,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Cả nước có gần 102,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.290,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% về số doanh nghiệp, tăng 34% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại: Tình hình lao động, việc làm cả nước trong 9 tháng năm 2019 có nhiều chuyển biến tích cực, số người có việc làm tăng, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm dần. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, chất lượng lao động ngày một nâng cao, thu nhập của người lao động có xu hướng tăng dần. Đời sống dân cư nhìn chung được cải thiện. Trong 9 tháng, cả nước có 273,2 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2018. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 3,9 nghìn tấn lương thực… Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao 9 tháng năm nay tập trung vào chào mừng các ngày Lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước. Các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp, văn nghệ quần chúng, trò chơi dân gian, thể thao quần chúng tổ chức rộng khắp từ Trung ương đến địa phương với nội dung phong phú...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới: Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Thời tiết diễn biến phức tạp, dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng ảnh hưởng nặng nề đến kết quả sản xuất ngành trồng trọt và chăn nuôi. Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản được xem là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu giảm đáng kể. Ngoài ra, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.

Một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới:

Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, theo dõi sát tình hình giá cả, thị trường trong nước và thế giới, diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, biến động tỷ giá và giá cả các mặt hàng để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2019 dưới 4%. Chủ động chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng gia tăng vào dịp cuối năm.

Thứ hai, tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, trình Chính phủ,Thủ tướng Chính phủ các đề án trong Chương trình công tác năm 2019. Tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan xây dựng, trình 61 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật sẽ có hiệu lực từ năm 2020, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với hiệu lực thi hành của Luật.

Thứ ba, triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc kết luận tại Hội nghị về thúc đẩy, phân bổ giải ngân vốn đầu tư công năm 2019, trong đó tập trung xử lý các điểm nghẽn về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn.

Thứ tư, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tiếp tục có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong việc cập nhật thông tin, thủ tục liên quan đến đấu thầu các công trình, dự án và tạo môi trường đầu thầu cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp.

Thứ năm, quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm. Thực hiện tốt các công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước, tạo niềm tin và đồng thuận xã hội trong thực hiện nhiệm vụ; quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2019.

P.TT (tổng hợp)
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40556851