Tình hình kinh tế - xã hội trong nước quý I/2015
- Được đăng: Thứ hai, 06 Tháng 4 2015 14:39
- Lượt xem: 2743
(TGAG)- Kinh tế xã hội nước ta 3 tháng đầu năm 2015 diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những yếu tố thuận lợi nhưng cũng nhiều diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức. Sự phục hồi của kinh tế Mỹ được kỳ vọng sẽ là đầu tầu cho các nền kinh tế phát triển, làm tăng nhu cầu đối với những mặt hàng xuất khẩu từ các nước đang phát triển tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Ở trong nước, sản xuất kinh doanh nhìn chung thuận lợi do giá dầu giảm mạnh nên không chịu nhiều sức ép về chi phí đầu vào. Tuy nhiên, việc tăng giá đồng đô la Mỹ tác động đến môi trường xuất nhập khẩu và hối đoái; cùng với giá cả trên thị trường thế giới biến động mạnh, nhất là giá dầu gây áp lực lớn đến cân đối ngân sách Nhà nước của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tổng sản phẩm trong nước GDP quý I ước đạt 6,03% là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2011 trở lại đây. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,14%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,35%, khu vực dịch vụ tăng 5,82%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,47%.
Tăng trưởng khu vực dịch vụ quý I/2015 ước đạt 5,82%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2014 , nếu loại trừ yếu tố gia tăng gần 9,2%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I/2015 đạt hơn 2 triệu lượt, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước.
Về xuất nhập khẩu: Trong quý I/2015, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 35,7 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2014. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 37,5 tỷ USD, tăng 16,3%. Nhập siêu trên 1,8 tỷ USD, bằng 5,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thu Ngân sách Nhà nước đạt khá: Tổng thu ngân sách nhà nước quý I/2015 ước đạt 226 nghìn tỷ đồng, bằng 24,8% dự toán; tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 263,3 nghìn tỷ đồng, bằng 23% dự toán.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I/2015 ước đạt 245,8 nghìn tỷ đồng, bằng 30,4% GDP và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 3,05 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân ước đạt 403 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý I/2015, ước tạo việc làm khoảng 360,8 nghìn người, đạt 22,5% kế hoạch, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý I/201 5 ước tính là 2,22%, trong đó khu vực thành thị là 3,17%; khu vực nông thôn là 1,75%.
Lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt, nhiều chính sách về an sinh xã hội đã được ban hành và được triển khai, như: Điều chỉnh lương cho người thu nhập thấp, đối tượng hưu trí; tăng mức trợ cấp, phụ cấp đối với người có công; miễn giảm vé tàu đối với 7 đối tượng chính sách xã hội; hỗ trợ cứu đói tặng quà thăm hỏi động viên người có công với cách mạng, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội... trong dịp Tết Nguyên đán. Từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói với 9,7 nghìn tấn lương thực và 8,5 tỷ đồng, riêng tháng Ba hỗ trợ 2,1 nghìn tấn lương thực và 200 triệu đồng.
Theo báo cáo sơ bộ, tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong 3 tháng đầu năm là 3217 tỷ đồng, bao gồm: 2179 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 765 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 273 tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác.
Công tác ý tế dự phòng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường. Triển khai tích cực Chương trình tiêm chủng mở rộng. Công tác quản lý nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tiếp tục được quan tâm hơn trước.
Về trật tự an toàn giao thông có chuyển biến, tai nạn giao thông quý I/2015 giảm cả 3 tiêu chí: số vụ tai nạn giảm 11,11%, số người chết giảm 3,38% và số người bị thương giảm 15,07%.
Nhìn chung, kinh tế - xã hội nước ta quý I có những chuyển biến rõ nét về phục hồi tăng trưởng, mức tăng trưởng rất khả quan và tạo tiền đề để cả nước phấn đấu cho cả năm có thể đạt trên 6% GDP. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp, sản xuất công nghiệp tăng cao. Có được những kết quả đáng khích lệ như vậy trước hết là do Đảng, Nhà nước chủ trương tập trung cao độ trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội ngay từ đầu năm. Bên cạnh đó còn phải nói đến sự điều hành quyết liệt của Chính phủ trong kinh tế vĩ mô. Song không thể phủ nhận tinh thần quyết tâm của các cấp, các ngành, của toàn thể nhân dân trong việc thực thi chủ trương của Trung ương, thi đua thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, sản xuất trong nước vẫn còn không ít khó khăn tồn tại chưa được giải quyết triệt để cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới: Kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng thiếu tính bền vững. Nợ công có xu hướng tăng nhanh và việc quản lý, sử dụng nợ công chưa tốt. Trong thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương cần triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 19/NQ-CP và Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công của Chính phủ. Mặt khác, cần phải tiến hành mạnh mẽ hơn nữa việc cải cách hành chính để có được môi trường đầu tư tốt, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài./.
Phòng TTCTTG (tổng hợp)
Nguồn: BTGTW