Truy cập hiện tại

Đang có 240 khách và không thành viên đang online

Tổng quan tình hình thế giới năm 2022 và một số dự báo năm 2023

(TUAG)- Năm 2022, tình hình thế giới diễn biến phức tạp và khó lường. Hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo, song sự xuất hiện của một số xung đột, đối đầu, với không ít điểm nóng khiến mặt cạnh tranh ngày càng nổi trội. Các điểm nóng trên thế giới như tình hình Đài Loan, Bán đảo Triều Tiên, an ninh tại Afghanistan,… có nhiều diễn biến mới, căng thẳng.

Nổi bật là ngày 24/02/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine với lý do chính quyền Kiev và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đe dọa an ninh nghiêm trọng Moscow. Kể từ đó đến nay, xung đột này trải qua ba giai đoạn và tiếp tục diễn ra, tác động to lớn tới toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ quốc tế. Cùng với hệ lụy từ đại dịch Covid-19, nền kinh tế toàn cầu sụt giảm tăng trưởng. Lạm phát cao quay trở lại, chuỗi cung ứng tiếp tục gián đoạn, giá nhiên liệu, lương thực tăng cao đe dọa nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân tại nhiều quốc gia, trong đó, đặc biệt là các nước đang phát triển. .


Trạm nén khí của một hệ thống đường ống dẫn khí ở Leningrad, Nga. (Ảnh: TASS/TTXVN)

Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra ngày càng sâu sắc. Cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng trở nên toàn diện hơn, Từ chính trị, kinh tế, cạnh tranh giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới đã mở rộng ra lĩnh vực công nghệ và chất bán dẫn. Chiến lược an ninh quốc gia và Chiến lược quốc phòng quốc gia Mỹ đều coi Trung Quốc là đối thủ số một và thách thức dài hạn. Nga tiếp tục đối đầu căng thẳng với các nước phương Tây xung quanh các lệnh trừng phạt và giá nhiên liệu dưới tác động từ tình hình Ukraine.

Bên cạnh đó, các vấn đề toàn cầu, các vấn đề an ninh phi truyền thống vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, là thách thức chung của nhân loại. Trong đó, biến đổi khí hậu ngày càng gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn đối với con người và môi trường. Dịch bệnh Covid-19, bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trên toàn cầu.

Cục diện kinh tế, chính trị - an ninh thế giới năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, phức tạp, khó lường, do sự chi phối của nhiều nhân tố, trong đó ba nhân tố lớn là xung đột ở Ukraine và các hệ quả; cạnh tranh giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc và các yếu tố an ninh phi truyền thống. Các nhân tố này liên kết và lồng vào nhau, có khả năng đẩy nền kinh tế thế giới vào khủng hoảng và tạo nên những bất ổn, căng thăng và xung đột địa chính trị gay gắt tại nhiều nơi trên thế giới, mặc dù chiến tranh quy mô lớn ít khả năng xảy ra. Xung đột Ukraine theo các chuyên gia nhiều khả năng sẽ leo thang và kéo dài trong năm 2023. Đồng nghĩa với việc căng thẳng trong quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây sẽ tiếp tục kéo dài. Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục tăng cường củng cố mối quan hệ đồng minh chiến lược. Trên quy mô toàn cầu, giá năng lượng, lạm phát, lãi suất tăng cao, tình trạng thiếu lương thực - tất cả đều phụ thuộc vào diễn biến của cuộc xung đột này.


Cạnh tranh giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ còn gay gắt hơn trong năm tới với việc Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định vị thế và tiếp tục thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”, thay thế Mỹ trở thành siêu cường số 1 thế giới vào năm 2049. Vấn đề Đài Loan được giới nghiên cứu cho rằng sẽ là một trong những điểm nóng, gây ra căng thẳng trong quan hệ Trung - Mỹ. Cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường được cho là sẽ diễn ra toàn diện và trải rộng trên nhiều địa bàn, trong đó trước hết vẫn là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng dự báo các thách thức an ninh phi truyền thống có xu hướng trầm trọng hơn trong năm 2023. Nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng đáng kể do dân số và hoạt động kinh tế gia tăng, trong khi giá năng lượng vẫn ở mức cao, và nguồn cung khí đốt và dầu từ Nga và các thành viên OPEC giảm. Cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ khiến một số chính phủ phải xem lại kế hoạch loại bỏ dần điện hạt nhân. Đồng thời, điều này thúc đẩy các nước tăng cường đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ năng lượng. Mặt khác, một số nước có thể quay trở lại với nhiên liệu hóa thạch để đảm bảo nguồn cung trước mắt. Năm 2023 là thời điểm mà các vấn đề khan hiếm nước, an ninh lương thực và an ninh mạng sẽ thực sự trở nên nghiêm trọng đối với thế giới./.
P.TT
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36995814