Những nội dung cần nắm vững đối với báo cáo viên, tuyên truyền viên khi tiến hành một bài tuyên truyền miệng
- Được đăng: Thứ tư, 11 Tháng 2 2015 13:51
- Lượt xem: 10412
(TGAG)- Sau khi chuẩn bị đề cương bài nói bằng ngôn ngữ viết làm cơ sở cho quá trình thực hiện tuyên truyền miệng, quá trình trình bày một bài nói là quá trình thực hiện đề cương, có tính chất quyết định đến sự thành công của toàn bộ hoạt động tuyên truyền miệng. Để trình bày một bài tuyên truyền miệng đạt hiệu quả cao, người tuyên truyền cần nắm vững những nội dung chủ yếu sau:
1- Ngôn ngữ, văn phong của người tuyên truyền
Ngôn ngữ là phương tiện chủ yếu của báo cáo viên, tuyên truyền viên, là yếu tố cực kỳ quan trọng để thực hiện và nâng cao chất lượng tuyên truyền miệng. Người tuyên truyền phải có ngôn ngữ phong phú để trình bày chính xác những khái niệm, sự vật, hiện tượng và những quan điểm, quan niệm, sự kiện... Trong tuyên truyền miệng, tiêu chuẩn cơ bản của lời nói tốt bao gồm: tính chính xác, tính đúng đắn và tính thẩm mỹ.
- Tính chính xác: đó là sự thống nhất giữa nội dung thông tin, những tư liệu, sự kiện đã được khẳng định và sự diễn đạt bằng những phương tiện ngôn ngữ những nội dung đó. Tính chính xác đòi hỏi báo cáo viên phải có từ ngữ chính xác về mức độ, khách quan nội dung của vấn đề, sự vật, hiện tượng, diễn ra trung thành, làm nổi bật vấn đề mà báo cáo viên trình bày.
- Tính đúng đắn: ngôn ngữ của báo cáo viên sử dụng phải được người nghe thừa nhận và được coi là mẫu mực bởi phù hợp với chuẩn mực ngôn ngữ.
- Tính thẩm mỹ: đó là vẻ đẹp và sự hấp dẫn của lời nói, làm tăng sự thích thú của người nghe trên cơ sở những ngôn từ có chọn lọc được sử dụng chính xác, đúng đắn, phù hợp, văn hóa... tránh không dùng ngôn từ hoa mỹ một cách cầu kỳ, quá mức cần thiết, không phù hợp với đối tượng. Có được tiêu chuẩn của lời nói đẹp, báo cáo viên mới diễn tả ý tưởng của mình một cách chân thành, sáng sủa, chính xác và có sức thuyết phục người nghe.
2- Sử dụng tư liệu thực tế
Sử dụng tư liệu thực tế trong bài nói thể hiện tính thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, làm tăng tính cụ thể trong nội dung tuyên truyền, làm cho bài nói thêm sinh động, hấp dẫn và thuyết phục người nghe. Tư liệu thực tế được dùng để chứng minh, làm rõ một luận điểm đó trong bài nói. Tư liệu thực tế phải đảm bảo tính chính xác, chân thực khách quan, phù hợp với đề tài, đặc điểm, trình độ người nghe và đặc biệt báo cáo viên phải sử dụng một cách nhuần nhuyễn, đúng lúc, đúng chỗ. Những điểm cần lưu ý khi sử dụng tư liệu thực tế:
- Tư liệu thực tế phải gần gũi, dễ hiểu, chính xác, rõ ràng, đã được kiểm nghiệm hoặc thực hiện trong thực tế cuộc sống, phù hợp với nhận thức, những chuẩn mực và thang bậc giá trị chung của toàn xã hội.
- Khi sử dụng tư liệu, dẫn chứng thực tế để minh họa trong bài nói, người tuyên truyền cần bám sát đề cương, đồng thời linh hoạt, tránh vận dụng cứng nhắc, gượng ép. Điều cần chú ý là không sử dụng tư liệu lặp đi, lặp lại trong một bài nói, hoặc ở những đơn vị, đối tượng mà mình thường báo cáo.
3- Sử dụng kênh phi ngôn ngữ
Ưu thế đặc trưng của tuyên truyền miệng là người tuyên truyền có thể sử dụng kênh phi ngôn ngữ trong hoạt động tuyên truyền. Nếu người báo cáo viên, tuyên truyền viên biết sử dụng một cách nhuần nhuyễn kênh phi ngôn ngữ trong bài tuyên truyền nó không chỉ là sự bổ sung mà còn góp phần làm nhân lên gấp nhiều lần hiệu quả của sự tuyên truyền.
Kênh phi ngôn ngữ là các hoạt động không dùng ngôn ngữ lời nói của người tuyên truyền trong buổi tuyên truyền. Đó chính là tư thế, cử chỉ, ánh mắt, nụ cười, thái độ, hành vi của báo cáo viên, tuyên truyền viên khi tiến hành một bài tuyên truyền miệng.
Khi sử dụng kênh phi ngôn ngữ, người tuyên truyền cần chú ý đảm bảo các yêu cầu sau đây:
- Phải tự nhiên, hợp lý, gắn với nội dung và hợp lý với từng loại đối tượng, bối cảnh tuyên truyền.
- Cần tránh "biểu diễn", "diễn kịch" khi tuyên truyền, làm cho tác dụng tuyên truyền hạn chế, thậm chí phản cảm. Việc kể chuyện vui gây hưng phấn, làm cho buổi nói chuyện đỡ căng thẳng là cần thiết, nhưng tránh gượng gạo, tếu táo, thô thiển...
Lâm Văn Giàu