Truy cập hiện tại

Đang có 150 khách và không thành viên đang online

Kỷ niệm 136 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Tôn Đức Thắng từ chủ nghĩa yêu nước tới con đường cách mạng

(TGAG)- Ngay từ thơ ấu, cậu bé Tôn Đức Thắng đã thừa hưởng nhiều giá trị đạo đức được kết tinh từ truyền thống gia đình, quê hương và những bài học về đạo lý làm người, về tinh thần yêu nước... Vốn có tư chất thông minh, đầy khát vọng, yêu thích và đam mê lao động, đặc biệt là lao động kỹ thuật, người thanh niên Tôn Đức Thắng sớm đến với phong trào của giai cấp công nhân Việt Nam ngay từ những ngày đầu và trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp. Con đường đưa Tôn Đức Thắng đi từ chủ nghĩa yêu nước tới con đường cách mạng của giai cấp vô sản là một con đường vinh quang nhưng đầy thử thách gian khó với năm bước ngoặt quan trọng, thể hiện ý chí, nỗ lực, sự kiên định sắt son và bản lĩnh cách mạng của người con ưu tú không chỉ của An Giang mà của cả dân tộc Việt Nam.

Bước ngoặt đầu tiên

Năm 1906, cậu bé Tôn Đức Thắng học xong bậc tiểu học ở trường tỉnh Long Xuyên. Không có điều kiện tiếp tục học bậc trung học, với khát vọng và ý chí tự lập thôi thúc, Tôn Đức Thắng quyết định rời quê hương và hành động theo tiếng gọi của trái tim mình. Đầu xuân năm 1907, với tuổi thanh niên rực lửa, trong lòng mang nặng truyền thống yêu nước, thương nòi, nhân nghĩa, hiếu đễ, khoan dung của quê hương và nỗi nhục, nỗi đau của người dân nô lệ bị mất nước, mất độc lập tự do, Tôn Đức Thắng lên Sài Gòn sinh sống. Sự kiện này chính là bước ngoặt thứ nhất.

Bước ngoặt thứ hai

Sài Gòn những năm đầu thế kỷ XX đã trở nên sầm uất. Công cuộc mở mang kỹ nghệ và thương mại cùng với sự phát triển mạnh về công nghiệp kéo theo sự xuất hiện của các lớp dân cư mới: đó là lực lượng thợ thuyền. Lên Sài Gòn, với niềm đam mê và trí thông minh sẵn có, Tôn Đức Thắng quyết tâm vào học nghề làm thợ. Lúc đầu là làm công cho các gara, đề pô tư nhân. Năm 1910, anh vào làm công nhân cho hãng Cơrốp thuộc Sở Kiến trúc cầu đường và nhà cửa Sài Gòn. Chứng kiến sự bóc lột đối với anh em công nhân, Tôn Đức Thắng đã tham gia vận động anh em học sinh lính thủy bỏ học (1909); vận động công nhân Sở Kiến trúc chống sự bóc lột, đàn áp của cai, ký và đòi tăng lương (1910); tham gia lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Ba Son và vận động học sinh trường Bá Nghệ Sài Gòn bãi khóa (1912).

Có thể coi đây là bước ngoặt thứ hai, củng cố cho nhận thức về sức mạnh đoàn kết đấu tranh cũng như thể hiện năng lực tổ chức thực tiễn, tinh thần đấu tranh kiên cường, không khoan nhượng chống lại áp bức, cường quyền.

Bước ngoặt thứ ba

Năm 1915, Tôn Đức Thắng theo học trường Bá Nghệ, và sau đó một năm (1916) bị động viên vào đội quân lính thợ, phục vụ trên chiến hạm Phơrăngxơ của thực dân Pháp. Cách mạng Tháng Mười Nga thành công là một sự kiện vĩ đại của toàn nhân loại. Trước sự thành công của cách mạng vô sản Nga, các nước đế quốc Anh, Pháp, Mỹ liên minh bao vây và can thiệp vũ trang hòng xóa bỏ chính quyền Xô Viết non trẻ. Tàu Phơrăngxơ nơi có người thợ máy Tôn Đức Thắng làm việc cũng được huy động tham gia bao vây và bắn phá vùng Xêvátxtôpôn bên bờ Biển Đen.
 

Căm phẫn trước hành vi bạo ngược của đế quốc thực dân, Tôn Đức Thắng cùng với một số thủy thủ trên chiến hạm Phơrăngxơ, đã làm cuộc binh biến, phản đối chiến tranh, ủng hộ cách mạng và chính quyền Xô Viết non trẻ. 8 giờ sáng ngày 20/4/1919, lá cờ đỏ được kéo lên và tung bay trên chiến hạm Phơrăngxơ trở thành một sự kiện lớn, là tiền đề cho hàng loạt phong trào phản chiến của các chiến hạm khác cùng tham gia phản đối chiến tranh, ủng hộ cách mạng vô sản Nga. Sự kiện nổi dậy của thủy thủ và công nhân Pháp ở Biển Đen đã đi vào lịch sử và trong sự kiện đó có vai trò nổi bật của người thợ máy Tôn Đức Thắng.

Bước ngoặt thứ tư

Sau vụ binh biến, Tôn Đức Thắng bị trục xuất khỏi Pháp và trở lại Sài Gòn.

Tiếp nhận tư tưởng về mặt tổ chức của giai cấp công nhân qua các hình thức công đoàn ở các nước tư bản, đặc biệt là nghiệp đoàn Pháp. Tôn Đức Thắng vào làm công nhân tại một hãng của người Đức có tên là Kroff trên đường Sampanhơ (nay là Lý Chính Thắng), đồng thời tìm cách liên lạc với anh em công nhân trong các nhà máy xí nghiệp, vận động thành lập Công hội bí mật. Đây chính là công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam, đã lãnh đạo, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh trong đó đặc biệt phải kể đến cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son (8/1925). Đây là bước ngoặt thứ tư đánh dấu sự nảy sinh và tăng cường sức mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam.

Bước ngoặt thứ năm

Tháng 10/1926, khóa huấn luyện đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc kết thúc, một số đồng chí được cử về Việt Nam, trong đó có Sài Gòn để gây dựng lực lượng và tìm gặp Tôn Đức Thắng. Năm 1927, Tôn Đức Thắng được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và kể từ đây thông qua người sáng lập Công hội, nhiều hội viên Công hội đã được giác ngộ, tham gia vào Hội Thanh niên và trở thành những cốt cán trung kiên của tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên cũng như Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Có thể thấy rằng đây chính là bước ngoặt quan trọng, kể từ đây Tôn Đức Thắng và Công hội bí mật thật sự hoạt động dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
“Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất Người Tôn Đức Thắng...”. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy; về tinh thần anh dũng bất khuất; về đức tính khiêm tốn giản dị.

Kỷ niệm 127 năm ngày sinh của Người, chúng ta cùng ôn lại chặng đường đầu tiên, chặng đường quyết định đưa Người đến với chủ nghĩa cách mạng chân chính, để hiểu rõ hơn về nghị lực, quyết tâm và lòng yêu nước thương dân, qua đó càng tự hào và quyết mãi mãi noi theo tấm gương cao cả mà giản dị của Người, khắc phục những khó khăn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cách mạng. Xây dựng quê hương An Giang ngày thêm tươi đẹp.
Nguyễn Mạnh Hà
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40583122