Truy cập hiện tại

Đang có 115 khách và không thành viên đang online

Kỷ niệm 136 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng

“Bác Tôn - một gương mẫu đạo đức cách mạng…”

(TGAG)- Hướng tới kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2015).

Có lẽ, khi nói về Bác Tôn, mọi người đều nhớ đến lời chúc mừng của chủ tịch Hồ Chí Minh khi trao tặng huân chương Sao Vàng nhân dịp Bác Tôn tròn 70 tuổi vào ngày 20/8/1958: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng; suốt đời cần kiệm liêm chính, suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Và, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh: “Thay mặt nhân dân và Chính phủ, tôi trân trọng trao tặng đồng chí Tôn Đức Thắng huân chương Sao Vàng là huân chương cao quý nhất của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mà đồng chí Tôn Đức Thắng là người đầu tiên và người rất xứng đáng được tặng huân chương ấy”.

Nhân dân An Giang luôn tự hào đã có một người ở quê mình được vinh dự lớn lao đó. Sau Cách mạng Tháng Tám, Bác Tôn đã được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách như Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam từ năm 1955 và Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ năm 1960 và Chủ tịch nước từ năm 1969 cho đến cuối cuộc đời. Bác Tôn luôn được xem là một tấm gương sáng về tinh thần vì dân, vì nước, là tiêu biểu cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phẩm chất cao cả của người cộng sản tiêu biểu Tôn Đức Thắng luôn được thể hiện bằng cả cuộc đời cống hiến hy sinh, chí công vô tư, tất cả mọi lợi ích đều hướng về dân, về nước; cả cuộc đời Bác Tôn là một tấm gương mẫu mực về đức tính khiêm tốn, giản dị, cần kiệm, liêm, chính. Trong mọi mối quan hệ, Bác Tôn đều được kính trọng cũng chính vì ở người luôn toát lên phong thái của một vị lãnh tụ giản dị, bao dung, gần gũi, thân thiết xứng đáng nhận lời khen của Bác Hồ là: “Gương mẫu đạo đức cách mạng”

Cuộc đời của Bác Tôn đã sớm trải qua nhiều thử thách và với quan điểm lập trường của một người có ý thức công dân cao, giàu lòng yêu nước, Bác Tôn đã tổ chức và lãnh đạo cuộc bãi công của học sinh trường Bách Nghệ và công nhân sửa chữa tàu thủy Ba Son. Bác làm thợ máy trong hải quân Pháp, nổi tiếng khắp thế giới từ việc tham gia cuộc binh biến kéo cờ đỏ trên chiến hạm Phơ-răng-xơ ở biển Hắc Hải chống chiến tranh can thiệp và phản cách mạng của đế quốc vào nước Nga Xô Viết ( ngày 18/ 4/ 1919 ). Bác Tôn đã bị bọn thực dân Pháp đày đọa suốt mười bảy năm trong các nhà tù ở đất liền và Côn Đảo nhưng Người vẫn một lòng, một dạ trung với Đảng, cùng các tù chính trị đấu tranh chống lại mọi thủ đoạn của bọn cai ngục. Sau Cách mạng Tháng Tám, Bác Tôn đã luôn hoàn thành xuất sắc những trọng trách mà Đảng và Nhà Nước tin tưởng giao phó. Cũng trong ngày trao Huân chương Sao Vàng cho Bác Tôn, đồng chí Lê Duẩn đã phát biểu: “Cuộc đời của đồng chí là một tấm gương phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp độc lập dân tộc, cho sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản và nhân dân lao động… Sự cống hiến lớn lao của đồng chí cho nền độc lập dân tộc và hòa bình thế giới đã được nhân dân thế giới kính mến. Đồng chí là người Việt Nam đầu tiên được giải thưởng Hòa bình Quốc tế Lê nin, xứng đáng là một chiến sĩ xuất sắc của phong trào hòa bình thế giới. Cùng với tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, ở đồng chí Tôn còn nổi bật lên lập trường vững vàng, chí khí cao cả, đức tính khiêm tốn, giản dị, đó là những gương sáng để chúng ta học tập”.

Không những là người tiêu biểu cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác Tôn còn là người rất quan tâm đến việc chăm sóc thiếu niên nhi đồng, Người khẳng định trách nhiệm:  “Công tác thiếu niên nhi đồng có một ý nghĩa trọng đại. Quan tâm đến công tác thiếu niên nhi đồng tức là quan tâm đến tiền đồ của sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, là một người cách mạng, là một người cộng sản thì không thể nào nói đến cách mạng, đến chủ nghĩa xã hội, đến chủ nghĩa cộng sản lại không nói đến trách nhiệm quan trọng của mình đối với thiếu nhi, lại không quan tâm đúng mức đến công tác thiếu nhi" (Bài phát biểu của Bác Tôn tại hội nghị thành lập Ủy ban bảo vệ thiếu niên nhi đồng Trung ương ngày 4/3/1961-Báo Nhân dân số ra ngày 3/4/1980).

Ngoài ra, với lực lượng thanh niên, Bác Tôn rất tin tưởng tự hào ở tuổi trẻ Việt Nam, Người dạy rằng: “Nếu như các thế hệ trước đây đã nêu cao tinh thần bất khuất trước quân thù, đã dám đứng lên đương đầu với kẻ địch tàn bạo và đã chiến thắng được chúng thì ngày nay, phát huy truyền thống ấy, các đồng chí hãy tỏ ra bất khuất trước mọi gian khổ, hãy chiến thắng chúng mà hoàn thành nhiệm vụ. Nếu như các thế hệ trước đây đã không tiếc sức mình, không tiếc cả cuộc đời của mình để hy sinh phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng cao cả của chúng ta và cho chúng ta, thì ngày nay, chắc chắn rằng các đồng chí cũng sẽ có thể không tiếc sức mình hy sinh phấn đấu, dũng cảm lao động và học tập vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của toàn dân ta và các thế hệ mai sau” (Bác Tôn phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Đoàn Thanh Niên Cộng Sản 26/3/1961).

Cả cuộc đời của Bác Tôn, một con người tiêu biểu cho ý chí bất khuất đã từng chiến thắng mọi sự tra tấn dã man, tàn khốc của kẻ thù suốt 17 năm dài; tiêu biểu cho tấm gương sáng của đạo đức cộng sản đã từng cống hiến hy sinh cả cuộc đời mình cho dân, cho nước là bài học vô giá đối với mọi thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam phấn đấu học tập noi theo. /.

Mai Bửu Minh

Tư liệu tham khảo:
Một con người bình thường-vĩ đại. Kỷ yếu hội thảo khoa học về Chủ tịch Tôn Đức Thắng nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bác Tôn. (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang 7/1989)
• Bác Tôn của chúng ta – Trần Thanh Phương sưu tập - NXB Tổng hợp An Giang 1988.
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40546611