Truy cập hiện tại

Đang có 214 khách và không thành viên đang online

Phòng, chống dịch tả heo Châu Phi

Phòng, chống dịch tả heo Châu Phi là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị

(TGAG)- Phòng, chống dịch tả heo Châu Phi phải được coi là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức vào sáng ngày 13/5.

Theo Bộ NN&PTNT, dịch tả heo Châu Phi là dịch bệnh rất nguy hiểm, có khả năng gây tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi cả nước. Từ khi dịch bệnh xuất hiện tại các nước lân cận (tháng 8/2018) đến nay, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Với những nỗ lực và hành động quyết liệt của hệ thống chính trị, công tác phòng, chống dịch đã đạt được một số kết quả quan trọng. Thời gian qua, bệnh phát sinh ở nhiều nơi, chủ yếu là tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (có tỉnh bệnh chỉ xuất hiện ở một vài hộ).



Đến ngày 12/5/2019, dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số heo bệnh và tiêu hủy trên 1,2 triệu con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn heo cả nước). Tuy nhiên, thời gian qua đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh heo bệnh (gần đây nhất là tại tỉnh Bắc Kạn). Nếu không có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua, chắc chắn dịch bệnh sẽ lây lan rất nhanh và mức độ thiệt hại rất lớn.

Công tác tuyên truyền được tập trung thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc trang bị kiến thức, nâng cao hiểu biết của người dân về dịch bệnh, hạn chế được tình trạng người dân hoang mang, quay lưng tẩy chay thịt heo. Các địa phương, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tập trung triển khai quyết liệt, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn heo giống, sẵn sàng phục vụ khôi phục và phát triển sản xuất cho các địa phương khi có điều kiện. Đến nay, cả nước có 740 vùng, cơ sở chăn nuôi heo được chứng nhận an toàn dịch bệnh. Hiện nay, các địa phương và các doanh nghiệp đã và đang triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm, các loài gia súc khác để bù đắp cho chăn nuôi heo.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện còn những khó khăn, tồn tại trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đó là việc công tác chủ động giám sát phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh chưa kịp thời, một số nơi còn chủ quan, lơ là; việc tổ chức tiêu hủy heo bệnh, vệ sinh, tiêu độc khử trùng chưa kịp thời, chưa đúng theo hướng dẫn của cơ quan thú y; một số địa phương còn chậm trả tiền hỗ trợ hoặc mức hỗ trợ quá thấp cho người chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy...

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống, ngăn chặn bệnh dịch tả heo Châu Phi trong thời gian tới đây cần huy động cả hệ thống chính trị tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế dịch bệnh.

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 04/CT-TTg, ngày 20/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả heo Châu Phi, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương, của Uỷ ban nhân dân tỉnh về các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để cán bộ, đảng viên, các tổ chức, người chăn nuôi và cộng đồng nắm vững, nắm chắc, hiểu rõ mức độ nguy hiểm, các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi; đồng thời có các chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân để thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hùng Châu
Tiến tới đại hội đảng
Số lần xem các bài viết
37140062