Truy cập hiện tại

Đang có 66 khách và không thành viên đang online

Ngày hội của sự đoàn kết, gắn bó “tình dân, nghĩa Đảng”

(TGAG)- Từ đầu tháng 11 đến nay, các khu dân cư (KDC) trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hướng đến kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2019), trong đó có Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là ngày hội kết nối cộng đồng, tạo nên sức mạnh tổng hợp để chung sức, chung lòng thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp...

Đại đoàn kết dân tộc là nguồn sức manh nội sinh của dân tộc, lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam ta từ xưa tới nay luôn luôn được bảo tồn, phát huy và phát triển là do chúng ta biết coi trọng nguồn sức mạnh to lớn đó. Đoàn kết toàn dân tộc luôn gắn liền với ý thức cộng đồng, là biểu hiện tinh thần yêu nước của nhân dân ta đã được hình thành và bồi đắp từ hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, tạo thành một truyền thống bền vững thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của mỗi con người Việt Nam.


Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khóm Đông An 2 (TP. Long Xuyên).

Đối với mỗi người dân Việt Nam, yêu nước, nhân nghĩa đã trở thành một tình cảm tự nhiên qua những câu ca dao:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
hay

“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” …

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong cuộc cách mạng Dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng Xã hội chủ nghĩa, Đại đoàn kết dân tộc là nguồn sức mạnh có ý nghĩa to lớn quyết định đến thành công của cách mạng. Tư tưởng Đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Người đã nêu ra luận điểm có tính chân lý:

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công”.

Đây chính là nội dung xuyên suốt và nhất quán trong hệ thống tư tưởng của Bác, nhằm phát huy cao nhất sức mạnh toàn dân. Trong cuộc đời hoạt động, Người đã không ngừng chăm lo, vun đắp cho sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân, tập hợp lực lượng trong Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam trước kia và nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trải qua 89 năm ra đời và phát triển, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc ta, nâng cao tinh thần yêu nước của mọi người Việt Nam, phát huy sức mạnh tổng hợp các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận thành một lực lượng hùng mạnh để đánh đuổi bè lũ thực dân, đế quốc, phong kiến, giành lại độc lập cho Tổ quốc, đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Làm tròn nhiệm vụ lịch sử vẻ vang giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã động viên toàn dân tăng cường khối đại đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức giành nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đưa đất nước chuyển sang thời kỳ phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong sự nghiệp đổi mới ngày nay đặt ra yêu cầu mới cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tăng cường hơn nữa khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC”. Sự ra đời của “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” là một trong những đổi mới phương thức hoạt động. Quá trình triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC” đã phát huy được tính tích cực, sáng tạo và nội lực của từng người dân trong cộng đồng, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở từng địa bàn KDC. Đã khơi dậy truyền thống đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, tăng cường củng cố và mở rộng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân thông qua hình thức tự quản ở cơ sở, tích cực xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở KDC”, phải tạo được không khí phấn khởi trong nhân dân và sự đồng thuận trong xã hội, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước như phong trào “Xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh”… Để thực hiện được điều đó phải hướng công tác Mặt trận về cơ sở, về từng KDC, từng gia đình, tạo tiền đề cho việc xây dựng tinh thần đoàn kết trong mọi tầng lớp nhân dân, đoàn kết từ mỗi gia đình, mỗi thôn, ấp, khu phố đến mỗi xã, phường, huyện, thành phố và tỉnh. Đó là cơ sở cốt yếu để xây dựng khối Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Ấp Chơn Cô thuộc xã An Cư tổ chức Ngày Hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2019.


Để các hoạt động phần lễ, phần hội của Ngày hội đạt được kết quả thiết thực, hiệu quả, tạo sự đoàn kết gắn bó trong cộng đồng ở KDC, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thứ nhất, Mặt trận Tổ quốc các cấp phải làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy trong việc chỉ đạo thực hiện Ngày hội; phối hợp với chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong tổ chức thực hiện. Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc chủ động tham gia Ngày hội và sự sáng tạo của mỗi KDC, tùy theo đặc điểm của từng nơi để tổ chức cho phù hợp. Phát huy tính sáng tạo, chủ động và tự quản của nhân dân ở cộng đồng, tạo sự đồng thuận, thống nhất và tự giác tham gia các hoạt động của Ngày hội. Mỗi năm cần lựa chọn được một chủ đề thích hợp, khuyến khích các KDC tổ chức Ngày hội theo hình thức liên KDC nhằm tạo điều kiện trao đổi, học tập lẫn nhau, tạo sự gắn bó, đoàn kết giữa các KDC.

Thứ hai, trong phần lễ và phần hội của Ngày hội cần bảo đảm yêu cầu chung là đoàn kết, phấn khởi, trang trọng, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức. Phần lễ cần chú ý bảo đảm ngắn gọn, đầy đủ nội dung theo hướng dẫn. Phần hội nên tổ chức ở KDC vào buổi tối trước khi diễn ra Ngày hội để mọi người trong KDC có điều kiện tham gia đầy đủ, khuyến khích các hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian mang tính truyền thống của địa phương. Căn cứ vào tình hình cụ thể, các địa phương tổ chức “Bữa cơm đại đoàn kết” tại KDC cho phù hợp để các gia đình ngồi lại với nhau, cùng nhìn nhận, đánh giá những công việc đã làm được và chưa làm được trong năm qua; trao đổi, rút kinh nghiệm, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện trong năm tới. “Bữa cơm đại đoàn kết” tổ chức ở các KDC phải bảo đảm đoàn kết, vui vẻ, đầm ấm, tiết kiệm, tránh lãng phí.

Thứ ba, thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là Ban Công tác Mặt trận ở KDC về kỹ năng tổ chức Ngày hội; nêu cao vai trò chủ trì của Ban Công tác Mặt trận và sự phối hợp của Bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố trong tổ chức chức Ngày hội. Kịp thời làm tốt công tác khen thưởng, biểu dương những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động và các phong trào thi đua ở địa bàn dân cư. Việc khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân tiêu biểu phải được bình xét, suy tôn khách quan, tạo sự động viên, khích lệ và nêu gương trong nhân dân.

Củng cố và phát huy khối Đại đoàn kết toàn dân tộc là trách nhiệm của mỗi chúng ta, khơi dậy truyền thống yêu nước, nhằm phát huy sức mạnh của toàn dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. Đồng thời, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, góp phần quan trọng cùng Nhà nước thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tăng cường hơn nữa sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với quần chúng, giữ vững mối quan hệ keo sơn “tình dân  - nghĩa Đảng”.

Hòa Bình
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40472095