Truy cập hiện tại

Đang có 99 khách và không thành viên đang online

Trách nhiệm của mỗi thành viên gia đình trong việc dựng xây tổ ấm

(TGAG)- Gia đình hạnh phúc luôn là mục đích phấn đấu, mong muốn cuối cùng của mỗi người. Để có được điều đó rất dễ nhưng cũng rất khó, nó tùy thuộc vào trách nhiệm và sự vun đắp của từng thành viên trong việc xây tổ ấm chung. Một gia đình hạnh phúc khi mỗi thành viên có sự quan tâm, lắng nghe, chia sẽ với nhau những buồn, vui trong cuộc sống hàng ngày.

Ngày nay khi kinh tế ngày càng phát triển kéo theo những đổi thay của xã hội. Những giá trị trong gia đình là một trong các yếu tố chịu ảnh hưởng không nhỏ của nền kinh tế thị trường. Việc duy trì một tổ ấm hạnh phúc trong giai đoạn hiện nay là thách thức mà mỗi gia đình phải vượt qua. Càng ngày chúng ta càng có những ngôi nhà lớn hơn nhưng gia đình lại mỗi ngày một nhỏ đi. Càng ngày chúng ta càng có nhiều phương tiện thông tin liên lạc, việc trao đổi trở nên dễ dàng hơn nhưng các thành viên trong gia đình lại ít quan tâm, chia sẻ với nhau hơn. Sự đối nghịch này đang ngầm rất phổ biến trong gia đình thời hiện đại. Nói một cách khách quan chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao là điều đáng mừng. Tuy nhiên, những hệ quả kéo theo của nó cũng khiến chúng ta không khỏi băn khoăn, trăn trở. Những giá trị của gia đình đã dần thay đổi. Trước đây, các thành viên trong gia đình quây quần bên bữa cơm chung. Ông bà, cha mẹ rất quan tâm, dành nhiều thời gian để tìm hiểu, dạy dỗ, uốn nắn con cháu. Dù phương tiện liên lạc còn nhiều hạn chế nhưng mỗi khi bất cứ thành viên nào trong gia đình cần là cả nhà đều quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, động viên nhau bất kỳ lúc nào. Tiếng nói, tiếng cười luôn ngập tràn trong ngôi nhà nhỏ. Thế nhưng giờ đây, giá trị vật chất dường như được đề cao hơn so với lòng yêu thương, sự quan tâm, lo lắng mà các thành viên trong gia đình dành cho nhau. Vì cuộc sống mưu sinh nên việc quan tâm, dành thời gian cho nhau có phần hạn chế hơn. Chính vì thế, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo. Mỗi người đều có một thế giới riêng của mình. Những bữa cơm gia đình có đủ mặt cha mẹ, con cái trở nên “xa xỉ” hơn. Ngôi nhà tuy rộng nhưng trống trãi, thiếu vắng tiếng nói, tiếng cười. Từng thành viên trong gia đình thường chú tâm vào việc riêng của bản thân, thời gian gần gũi, trao đổi vô tình bị thu hẹp lại. Mỗi thành viên dường như đã trở thành một “ốc đảo” trong chính ngôi nhà của mình. Trong khi đó gia đình là những viên gạch xây nên tòa lâu đài cho xã hội, là chỗ dựa về tinh thần và vật chất cho mỗi thành viên, gia đình là tổ ấm nơi các con trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng và lớn lên.

Câu nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” muốn đề cao vai trò của người phụ nữ trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, trong cuộc sống ngày nay, vai trò của từng thành viên trong việc xây dựng gia đình đều như nhau. Bản thân mỗi người, mỗi gia đình cần phải suy nghĩ nghiêm túc và có cách điều chỉnh hợp lý. Dù bận rộn với công việc, với nhịp sống hối hả nhưng vợ chồng vẫn nên cố gắng sắp xếp, dung hòa để cùng lo cho tổ ấm của mình. Nếu khéo léo chia sẻ, phân công hợp lý thì sẽ tạo dựng được một tổ ấm hạnh phúc, trọn vẹn. Chỉ cần một tiếng quan tâm, một lời chia sẻ, một bữa cơm tối cuối tuần,... cũng có thể giúp cả nhà thể hiện tình yêu thương, gắn kết với nhau hơn.

Cuối cùng xin mượn lời căn dặn của Bác về công tác gia đình “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn. Hạt nhân của xã hội là gia đình” để khẳng định giá trị hết sức to lớn của gia đình, cũng như trách nhiệm của mỗi người trong việc xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm hạnh phúc, góp phần tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hóa dân tộc; là nơi giữ gìn, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã được hình thành trong quá trình lịch sử đến nay.
 
Ngọc Hân
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36724531