Truy cập hiện tại

Đang có 52 khách và không thành viên đang online

An Giang: Công tác đền ơn đáp nghĩa phải cụ thể, thiết thực

(TGAG)- Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình tại hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (2013-2017) được tổ chức vào ngày 22/5, tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang.
 

Theo ông Bùi Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh An Giang hiện có trên 38.000 người có công và thân nhân của họ đã được xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi của Nhà nước, trong đó, có gần 10.000 người có công và thân nhân của họ đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng từ ngân sách của Nhà nước với kinh phí khoảng 145 tỷ đồng/năm; số còn lại đã hưởng chế độ ưu đãi 1 lần theo quy định.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có trên 3.000 người được hưởng trợ cấp một lần theo các Quyết định số 290, 188 ; 53, 142, 38; 62, 170, 40;  49 của Thủ tướng Chính phủ, trên 2.500 học sinh, sinh viên là con của người có công đủ điều kiện được hưởng chế độ ưu đãi về giáo dục - đào tạo với kinh phí trợ cấp bình quân trên 2,2 tỷ đồng/năm. Tỉnh ta có trên 23.000 người có công, thân nhân người có công và Cựu chiến binh, được Nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế với mức 4,5% lương tối thiểu, từ ngân sách ước tính khoảng 16 tỷ/năm.


5 năm qua, toàn tỉnh đã triển khai tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; tập trung tuyên truyền phổ biến, chính sách pháp luật về người có công; triển khai kịp thời, nghiêm túc, đầy đủ các chế độ chính sách đối với người có công.

Chỉ tính riêng trong năm 2017, toàn tỉnh đã giải quyết 20/22 hồ sơ liệt sĩ tồn đọng kéo dài trên 30 năm, được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” xác nhận liệt sĩ; 2 hồ sơ còn lại sẽ tiếp tục quy trình có kết luận vào cuối năm 2018. Bên cạnh đó, trình Thủ tướng Chính phủ tặng 158 Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với những trường hợp đã được thiết lập hồ sơ liệt sĩ và có thân nhân hưởng trợ cấp ưu đãi trước ngày 01/01/1995; cấp lại 451 Bằng “Tổ quốc ghi công”; Hoàn thành việc cất mới và sửa chữa trên 1.000 căn nhà góp phần ổn định đời sống người có công và thân nhân của họ....

Đặc biệt, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng liên quan trong tỉnh, nhất là ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh,… và các cá nhân cùng tham gia quản lý nên công tác chính sách ưu đãi người có công trên địa bàn tỉnh An Giang đạt được nhiều kết quả tốt. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã tặng hang trăm sổ tiết kiệm, căn nhà tình nghĩa… góp phần ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho nhiều hộ gia đình, tạo được sự gắn kết, chia sẻ tinh thần trách nhiệm của cộng đồng.


Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc người có công với cách mạng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi người có công. Đặc biệt, thực hiện nhanh việc số hóa trong quản lý hồ sơ và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn ngừa, xử lý những sai sót, tiêu cực, trong lĩnh vực này, tăng niềm tin, sự tôn vinh, lòng biết ơn của xã hội đối với người có công với nước.

Tiếp tục kiến nghị Trung ương hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi xã hội đối với người có công với cách mạng. Đặc biệt là việc thể chế hóa đầy đủ các quy định về xác nhận thương binh, liệt sĩ; mở rộng điều kiện, cải tiến thủ tục giải quyết hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến, hoạt động cách mạng bị địch bắt tù, đày;... Cải tiến các chế độ trợ cấp ưu đãi đối với người có công, đặc biệt là đối tượng nhận trợ cấp một lần, nhằm nâng cao mức sống người có công để bản thân và gia đình họ, tạo điều kiện hỗ trợ người có công có mức sống trên mức trung bình của người dân nơi cư trú.


Tăng cường công tác xã hội hóa, đẩy mạnh phong trào chăm sóc người có công thông qua các chương trình tình nghĩa, toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhằm huy động nguồn lực từ cộng đồng, xã hội cùng Nhà nước quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” để mỗi năm không chỉ là một ngày 27-7 mà công tác “Đền ơn đáp nghĩa” luôn lan tỏa hàng ngày, hàng giờ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực nhằm tri ân đối với các đối tượng và gia đình chính sách.

Dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tặng Bằng khen 16 tập thể, 16 cá nhân có thành tích trong triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2017./.

Công Mạo


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39964159