Truy cập hiện tại

Đang có 215 khách và không thành viên đang online

Sức sống bền vững của Chủ nghĩa Mác!

(TGAG)- (Kỷ niệm 199 năm Ngày sinh của C.Mác 5/5/1818 - 5/5/2017). Mác là một nhà tư tưởng thiên tài, đồng thời là nhà cách mạng vĩ đại. Cống hiến và sức sống tư tưởng của Mác cũng chính là cống hiến và sức sống sự nghiệp cách mạng của Mác. Tư tưởng của ông là kim chỉ nam để hiểu về bản chất, quy luật vận động và phát triển của thế giới trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
 
 
Mác đã kế thừa và phát triển một cách thiên tài ba trào lưu tư tưởng chủ yếu của thế kỷ XIX: triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học cổ điển Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp. Ông đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới; đã xây dựng nên phép biện chứng duy vật. Triết học duy vật biện chứng của Mác đã đập tan mọi thứ triết học duy tâm, siêu hình. Lênin khẳng định: “Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Các Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học. Một lý luận khoa học hết sức hoàn chỉnh và chặt chẽ”.  Với linh hồn sống là phép biện chứng duy vật, với hòn đá tảng kinh tế là học thuyết giá trị thặng dư, với những phát kiến vĩ đại về chủ nghĩa duy vật lịch sử mà nội dung cơ bản là học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, cách mạng xã hội chủ nghĩa… Chủ nghĩa Mác - Lênin cho đến nay vẫn là đỉnh cao của trí tuệ loài người, nơi kết tinh những giá trị của tri thức nhân loại bởi ở đó người ta tìm ra được: quy luật sự vận động, phát triển của xã hội loài người từ từ xưa đến nay; bản chất của tự nhiên, xã hội và con người; động lực thúc đẩy xã hội loài người tiến lên; bản chất của xã hội có giai cấp (trong đó, vạch trần bản chất bóc lột, bất công của xã hội tư bản, giai cấp tư sản và sự tha hóa của người lao động, giai câp vô sản)… Chính vì thế, Lênin đã tổng kết: “Trong toàn thế giới văn minh, học thuyết của Mác đã gây ra sự thù địch mạnh nhất và lòng căm thù lớn nhất của toàn bộ học giả tư sản…”.

Đúng như Mác dự kiến: sự phát triển của chủ nghĩa tư bản gắn với các cuộc khủng hoảng chu kỳ. Chỉ tính riêng thời kỳ 1970-2007, đã có ít nhất 124 cuộc khủng hoảng ngân hàng, 208 cuộc khủng hoảng tỷ giá hối đoái và 63 cuộc khủng hoảng nợ nhà nước… Từ đó cho thấy: Quan điểm “Thị trường tự hàn gắn” không đứng vững được. Trong cuộc khủng hoảng từ năm 2008 tới nay, Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di cho rằng: “Đây không phải là cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản”, nhưng phải thừa nhận đây là cuộc khủng hoảng của một hệ thống trôi dạt ra khỏi những giá trị căn bản nhất của chủ nghĩa tư bản…

Trong lời kêu gọi ngày 11-3-2009, tờ báo Mỹ Bảo vệ Chủ nghĩa Mác cho rằng: “Chủ nghĩa tư bản đã phục vụ những mục đích mang ý nghĩa lịch sử: xây dựng những nền tảng vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Chúng ta sẽ xây dựng một xã hội mới trên công nghệ và hiệu suất lao động tạo nên bởi nhân loại dưới chủ nghĩa tư bản, không có bóc lột và dựa trên quyền lợi chung của giai cấp lao động chiếm đại đa số. Tuy nhiên, giai cấp tư sản không chịu từ bỏ quyền lực và đặc quyền của nó mà không chiến đấu. Một nhóm cá nhân đó sẽ quyết tâm thống trị và bóc lột hàng tỷ người trên thế giới. Hệ thống của chúng ngày càng tỏ rõ không tương thích với sự tiếp tục tồn tại của nhân loại. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, theo lời của Oa-ren Bu-fít, một siêu tỉ phú, là một cuộc chiến tranh giai cấp toàn cầu. Năm 2006, ông ta nói: “Những gì đang diễn tiến là một hình thái chiến tranh giai cấp” và rằng đó là giai cấp của tôi, giai cấp giàu đang tiến hành chiến tranh, và chúng ta đang chiến thắng”.

Tại Mỹ, ngày 6 và 7-4-2009, Rasmussen Reports công bố một thăm dò 1.000 người trưởng thành có sai số 3 phần trăm về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Kết qua tổng hợp cho thấy, những người từ 40 tuổi trở lên tán thành chủ nghĩa tư bản hơn, những người 30 tuổi trở xuống có đánh giá ngang bằng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Ngay cả đối với những người dân chủ, nếu 39% tán thành chủ nghĩa tư bản, thì 30% ủng hộ chủ nghĩa xã hội.

Riêng đối với nước ta, từ thực tiễn phong phú của cách mạng, từ thực tiễn 30 đổi mới Đảng ta đã rút ra những bài học kinh nhiệm: “… trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam”.

Sức sống của chủ nghĩa Mác được quyết định trước hết bởi tính khoa học và cách mạng, bởi những quy luật khách quan mà nó khám phá, bởi những nguyên lý cơ bản của nó là sự phản ánh đúng đắn hiện thực khách quan. Những người cộng sản cần quán triệt nó với tính cách là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động./.
                               
Lê Chí Thành
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37031399