Truy cập hiện tại

Đang có 102 khách và không thành viên đang online

Công đoàn An Giang với quá trình hình thành và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh

(TGAG)- Cách đây 87 năm, ngày 28/7/1929, tổ chức Công đoàn Việt Nam (CĐVN) ra đời. Đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với quá trình đấu tranh, phát triển của phong trào công nhân Việt Nam; là hạt nhân vận động, tập hợp giai cấp công nhân (GCCN) đi dưới ngọn cờ cách mạng vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam.

CĐVN ra đời gắn liền với sự hình thành, phát triển của GCCN và hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Người đặt nền móng về chính trị, tư tưởng và tổ chức của tổ chức CĐVN.

 

Như một tất yếu của lịch sử, các tổ chức Công hội sơ khai ra đời; đặc biệt là tổ chức Công hội Đỏ do Bác Tôn Đức Thắng sáng lập đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết cho phong trào đấu tranh của GCCN Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XX; tạo một bước ngoặt to lớn trong lịch sử đấu tranh, đó là chuyển từ đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác, từ việc đấu tranh chỉ để đòi những quyền lợi trước mắt sang đấu tranh có tổ chức và mang tính chính trị, góp quan trọng vào phong trào đấu tranh của công nhân thế giới.

Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công tác vận động và tăng cường sức mạnh cho tổ chức Công hội, ngày 28/7/1929, theo quyết định của Đông Dương Cộng sản Đảng, Hội nghị đại biểu Công hội Đỏ Bắc kỳ lần thứ nhất, họp tại số nhà 15 Hàng Nón, Hà Nội; Hội nghị đã bầu BCH lâm thời gồm 6 ủy viên, do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phụ trách. Hội nghị đã thông qua Chương trình, Điều lệ, phương hướng hoạt động và quyết định xuất bản Báo Lao động và Tạp chí Công hội Đỏ (Sau này, Đại hội V Công đoàn Việt Nam tháng 11/1983 đã quyết định lấy ngày 28/7/1929 là ngày kỷ niệm thành lập CĐVN). Tiếp sau sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ, các Tổng Công hội Đỏ ở miền Trung, miền Nam được thành lập. Từ năm 1930, Tổng Công hội Đỏ đã hoạt động khắp cả nước để tập hợp lực lượng công nhân lao động đoàn kết với nông dân và các thành phần xã hội khác cùng đấu tranh chống thực dân, phong kiến, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và Nhân dân.              

Trong 87 năm qua, tổ chức CĐVN đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh; vận động, tập hợp đông đảo công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) dưới ngọn cờ cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo để có những đóng góp to lớn trong thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; tổ chức và vận động CNVCLĐ hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp và trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

An Giang, từ những năm 1920, đã có tổ chức Công hội - tiền thân của tổ chức Công đoàn ngày nay. Tháng 4/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập tại Long Điền (Chợ Mới), từ đây tổ chức Công hội ở An Giang  được củng cố, phát triển về mọi mặt, góp phần cùng quân - dân An Giang đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng quê hương thông qua các cao trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, đặc biệt là trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, GCCN An Giang đã tiếp tục phát huy vai trò của mình qua các phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”, tiên phong trong các ngành nghề, trực tiếp tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Tổ chức Công đoàn An Giang không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tập trung xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh, hướng hoạt động về công đoàn cơ sở (CĐCS), đáp ứng sự phát triển không ngừng của phong trào công nhân viên chức lao động. 

 
Trong đó, tập trung thể hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động (NLĐ) như: chương trình hỗ trợ nhà ở cho đoàn viên; tổ chức khám sức khỏe miễn phí; thăm hỏi, tặng quà cho trên hàng nghìn công nhân lao động (CNLĐ) có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động; tổ chức biểu dương CNLĐ giỏi; đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và chủ doanh nghiệp với CNLĐ, thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho NLĐ... Ngoài ra, các cấp công đoàn đã phối hợp các sở, ngành tăng cường hoạt động tư vấn pháp luật, văn hóa, thể thao thông qua các hình thức: hội thi, hội diễn, hội thao, sân chơi công nhân cuối tuần lồng ghép tuyên truyền học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua đó, giúp NLĐ yên tâm lao động, gắn bó với đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức công đoàn.

Bên cạnh, công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh luôn được quan tâm chú trọng. Hiện toàn tỉnh có 1.630 CĐCS, nghiệp đoàn với 87.570 đoàn viên, là lực lượng quan trọng, nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước, góp phần to lớn vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, quốc an phòng - an ninh ở địa phương.

Với những đóng góp to lớn đó, năm 2013 tổ chức Công đoàn An Giang đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì và nhiều Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn...

Kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập CĐVN là dịp để cán bộ, đoàn viên công đoàn trong tỉnh học tập, phát huy truyền thống vẻ vang của GCCN và tổ chức CĐVN, ra sức thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội IX Công đoàn tỉnh An Giang đề ra. Phấn khởi, tự hào với truyền thống vẻ vang của GCCN và tổ chức CĐVN, niềm vinh dự là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn An Giang quyết tâm phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh. /.

NGUYỄN THIỆN PHÚ
Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37176523