Truy cập hiện tại

Đang có 91 khách và không thành viên đang online

Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh - tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng

(TUAG)- Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã kịp thời lãnh đạo nhân dân ta vùng lên đấu tranh chống thực dân xâm lược và phong kiến tay sai. Cao trào cách mạng đã diễn ra trên 25 tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt mạnh mẽ từ ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930.


Tranh vẽ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh của tác giả Nguyễn Đức Nùng.

Ở Nghệ Tĩnh, phong trào đấu tranh bùng nổ vào sáng 1/5/1930 với sự tham gia của công nhân khu công nghiệp Vinh - Bến Thủy và nông dân các huyện lân cận đòi tăng lương, giảm giờ làm, bỏ sưu cao, thuế nặng, chống khủng bố, ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy dệt Nam Định, ủng hộ Liên bang Xô Viết. Từ tháng 5/1930, ở vùng Nghệ - Tĩnh đã có đến 97 cuộc bãi công và biểu tình của công nhân và nông dân.

Ngày 1/8/1930, công nhân khu công nghiệp Vinh - Bến Thủy tổng bãi công, đánh dấu một thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh kịch liệt đã đến. Hòa nhịp với phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân Nghệ - Tĩnh đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình có vũ trang tự vệ kéo đến các huyện đường Can Lộc (ngày 4/8), Nam Đàn (ngày 6/8 và 30/8), Thanh Chương (ngày 12/8), Nghi Lộc (ngày 29/8) và lan rộng ra hầu khắp các huyện trong 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, phải sang đến tháng 9, phong trào đấu tranh mới lên đến đỉnh điểm. Ngày 1/9, 20.000 nông dân huyện Thanh Chương biểu tình đòi bỏ thuế, thả tù chính trị. Lính Pháp nổ súng nhưng những người biểu tình vẫn tiến vào huyện đường, phá nhà giam, thả tù nhân, đốt hồ sơ, sổ sách và dinh tri huyện. Trước sự tấn công ồ ạt của nhân dân, bọn hào lý địa phương phải bỏ chạy. Hầu hết các thôn thuộc huyện Thanh Chương rơi vào tình thế không có chính quyền quản lý. Nhân dân xã Võ Liệt đã tự động đứng ra tổ chức điều hành các công việc trong xã.

Ngày 5/9, nông dân huyện Anh Sơn biểu tình ủng hộ nhân dân huyện Thanh Chương với các khẩu hiệu “bãi bỏ thuế thân”, “chia lại ruộng đất”, “thả tù chính trị”. Tiếp đó, trong 2 ngày (5/9 và 7/9), nông dân 2 huyện Diễn Châu, Can Lộc đốt phá nhà giam. Từ ngày 8 đến ngày 11/9, khí thế đấu tranh càng sục sôi khi hàng chục nghìn nông dân huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Diễn Châu, Can Lộc,… nổi dậy.

Phong trào được đẩy lên đỉnh cao, đó là cuộc đấu tranh của 8.000 nông dân huyện Hưng Nguyên ngày 12/9 với khẩu hiện: “Đả đảo chủ nghĩa đế quốc! Đả đảo phong kiến”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp là Xứ ủy Trung Kỳ, 3 giờ sáng, từ Đền Xuân Hòa, sau hiệu lệnh của tiếng trống nhân dân ba tổng Phù Long, Thông Lạng, Nam Kinh đã tập kết mang theo gậy gộc, giáo mác, dây thừng, cờ đỏ búa liềm rực trời, rầm rộ kéo thẳng ga Yên Xuân bắt trói trưởng ga, cắt đứt dây điện thoại để triệt đường dây liên lạc của địch, rồi tiến về phủ lỵ Hưng Nguyên đòi yêu sách bỏ sưu giảm thuế, trả ruộng đất cho dân cày.

Sáng ngày 12/9/1930, tại cổng đình làng Phù Xá, khi chị Nguyễn Thị Phia đang đứng trên mô đất cao diễn thuyết thì bất ngờ, máy bay Pháp nhào tới, vừa bắn liên thanh, vừa ném bom thẳng xuống đoàn biểu tình. Bom rơi trên đê, bom nổ tàn phá các làng xác xơ. Vụ thảm sát đã khiến cho 217 người chết, 125 người bị thương, trong đó, riêng xã Hưng Long có 47 người chết. Chưa dừng ở đó, để đàn áp, giặc Pháp đã kéo về bao vây làng Xuân Hòa, Yên Phú, Yên Thọ, Thuận Đức... để truy bắt các chiến sĩ cách mạng, chúng điên cuồng đốt sạch, gây nên cảnh màn trời chiếu đất cho hàng ngàn dân lúc bấy giờ.

Trước sự sụp đổ của chính quyền thực dân và phong kiến ở Nghệ - Tĩnh, các chi bộ và tổ chức Nông hội đỏ đã quản lý và điều hành mọi hoạt động trong làng xã. Những người cách mạng đã lập ra chính quyền Xô Viết - chính quyền Xô Viết đầu tiên ở Việt Nam (chính quyền cách mạng sơ khai do giai cấp công nhân lãnh đạo).

Chính quyền mới đã ban hành nhiều chính sách mới về chính trị, kinh tế, văn hóa. Về chính trị, nhân dân được quyền tự do hội họp, thảo luận và hoạt động trong các tổ chức đoàn thể như Nông hội, Công hội, Đoàn thanh niên cộng sản… Về kinh tế, nhân dân được chia ruộng, bãi bỏ các thứ thuế vô lý, bất công, thực hiện giảm tô và xóa nợ cho dân nghèo. Về văn hóa, chính quyền cách mạng đã tổ chức đời sống mới, mở các lớp dạy chữ Quốc ngữ, xóa bỏ các tệ nạn, hủ tục lạc hậu, xây dựng tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau.
Phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh tuy chỉ tồn tại trong vòng 7 tháng và còn sơ khai nhưng đã để lại những dấu ấn tốt đẹp về một Nhà nước công - nông đầu tiên, chưa có trong tiền lệ lịch sử, đáp ứng khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của người dân mất nước, nô lệ. Thành quả lớn nhất của Cao trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô Viết - Nghệ Tĩnh là đã khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân thông qua chính đảng tiên phong của mình, đoàn kết với các tầng lớp nhân dân yêu nước có đủ khả năng đánh đổ nền thống trị của đế quốc, phong kiến tay sai, giải phóng dân tộc, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân.


Lược đồ phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh(1930-1931)

Phong trào cách mạng 1930 - 1931 ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã gây tiếng vang lớn trong nước và trên thế giới. Sau khi Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra, đặc biệt là khi có Thông báo của Trung ương Đảng gửi các tỉnh, các cuộc đấu tranh ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh đã phát triển rộng khắp trên toàn quốc: ở Hà Nội học sinh rải truyền đơn, công nhân nhà máy xi măng Hải Phòng, than Quảng Ninh bãi công, công nhân dệt Nam Định đình công; ở Sài Gòn công nhân hãng dầu Nhà Bè đình công. Nông dân các huyện Đức Phổ, Sơn Tịnh, Mộ Đức (Quảng Ngãi) biểu tình ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh; đặc biệt là ngày 14/10/1930, nông dân huyện Tiền Hải (Thái Bình) và ngày 20/10/1930 nông dân Bình Lục (Hà Nam) tập trung tại các đình làng đấu tranh ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Trong thời gian này báo chí cả nước đã đưa tin về Xô Viết Nghệ Tĩnh như báo "Cờ Đỏ" của Xứ uỷ Nam Kỳ, báo “Bồi Bếp” của chi bộ Đảng Sài Gòn...; Báo “Người Lao Khổ” số 13 ngày 18/9/1930 của Xứ uỷ Trung Kỳ ra lời kêu gọi: Công nông khắp trong nước xông vào mặt đế quốc mà thét rằng: không được đụng đến công nông Nghệ Tĩnh.

Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã gây chấn động dư luận trên toàn thế giới. Ngày 27/2/1931, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã ra lời kêu gọi các cấp uỷ Đảng Cộng sản Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ phải huy động thợ thuyền, dân cày lao khổ đấu tranh ủng hộ phong trào cộng sản Đông Dương bằng mọi phương diện, đồng thời cổ vũ tinh thần đấu tranh anh dũng của họ. Xô Viết Nghệ Tĩnh đã được nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới ủng hộ và Quốc tế cộng sản đánh giá rất cao. Trong phiên họp thứ 25 (ngày 11/4/1931) tại Hội nghị toàn thể lần thứ 11 của Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản đã quyết định công nhận Đảng ta là một phân bộ độc lập của Quốc tế cộng sản.

Tại Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ VII họp tại Matxcơva năm 1935, đoàn đại biểu của Đảng cộng sản Đông Dương có 3 đồng chí tham gia, trong đó có 2 đồng chí người Nghệ Tĩnh: Đồng chí Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai. Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu vào Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản. Xô Viết Nghệ Tĩnh được coi là cầu nối của cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng quốc tế.

Tuy hoạt động ở hải ngoại, nhưng đồng chí Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm và theo dõi sát sao phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Người thường xuyên gửi báo cáo lên Quốc tế cộng sản cũng như viết bài gửi các báo tiến bộ trên thế giới kêu gọi ủng hộ cách mạng Việt Nam và lên án chủ nghĩa đế quốc giết hại nhân dân vô tội. Đánh giá về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Người đã khẳng định “Nghệ - Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu Đỏ!”. Qua những hoạt động của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã có sự chỉ đạo, động viên cũng như ủng hộ, bênh vực của bạn bè quốc tế khắp năm châu. Cho đến sau này, trong các cuộc tiếp xúc, thư từ, chỉ thị với cán bộ, nhân dân Nghệ - Tĩnh hoặc nhắc đến quê hương Nghệ Tĩnh, Người luôn nhấn mạnh cụm từ “Quê hương Xô Viết anh hùng!” để tỏ rõ sự quan tâm, tin tưởng và tự hào đối với quê hương Nghệ - Tĩnh, cái nôi của cách mạng.

Bốn năm sau khi thành lập, bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã được Bác Hồ ký Lời đề tựa vào ngày 03/02/1964 nhân kỷ niệm 34 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Phủ Chủ tịch trước sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Văn hóa, lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong Lời đề tựa, Bác ân cần dặn dò: “Cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và toàn thể đồng bào Nghệ - Tĩnh cần đoàn kết chặt chẽ, phấn khởi thi đua xây dựng Nghệ An và Hà Tĩnh thành hai tỉnh gương mẫu, xứng đáng là quê hương của Xô Viết Nghệ - Tĩnh anh hùng”.

Kỷ niệm 92 năm ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930 - 12/9/2022), dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn song Xô Viết Nghệ Tĩnh đã có những ý nghĩa vô cùng lớn lao: Xô Viết Nghệ Tĩnh là cao trào cách mạng đầu tiên của của quần chúng công nông ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo của giai cấp công nhân và Đảng tiền phong của nó. Xô Viết Nghệ Tĩnh là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam, là thiên anh hùng ca bất diệt trong chương đầu “pho lịch sử bằng vàng” của Đảng Cộng sản Việt Nam, là một trong những trang tiêu biểu nhất của khí phách anh hùng muôn thuở của dân tộc Việt Nam. Gọi là cuộc tổng diễn tập bởi vì qua phong trào này, một loạt vấn đề cơ bản về đường lối chiến lược và phương pháp cách mạng được thử thách và đã đem lại những kinh nghiệm bổ ích cho tiến trình cách mạng tiếp sau./.

H.B
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36732095