Truy cập hiện tại

Đang có 62 khách và không thành viên đang online

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào (30/10/1949 - 30/10/2019)

(TGAG)- Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam biên soạn Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào (30/10/1949 - 30/10/2019). Thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Tuyên giáo An Giang đăng tải Đề cương như sau:

I. KHÁI QUÁT SỰ RA ĐỜI, PHÁT TRIỂN CỦA QUÂN TÌNH NGUYỆN VÀ CHUYÊN GIA VIỆT NAM TẠI LÀO

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đã có sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Sự ra đời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 02/9/1945) và Chính phủ Lào Ít-xa-la (ngày 12/10/1945) là cơ sở đưa tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước Việt Nam - Lào lên tầm liên minh chiến đấu.

Ngay sau khi giành được chính quyền, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp ước tương trợ Lào - Việt (ngày 16/10/1945) và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào - Việt (ngày 30/10/1945). Đó là những văn kiện chính thức đầu tiên tạo cơ sở pháp lý để hai nước Việt Nam, Lào hợp tác và đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung. Trong những năm 1945-1947, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quyết định xây dựng và phát triển các đơn vị Việt kiều Giải phóng quân. Ngay từ đầu, các đơn vị Việt kiều Giải phóng quân đã gắn bó chặt chẽ với các đơn vị vũ trang yêu nước Lào trong xây dựng lực lượng và chiến đấu, cùng một số đơn vị bộ đội của Việt Nam sang phối hợp với bạn chiến đấu bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, tạo thuận lợi cho cách mạng Lào vượt qua giai đoạn khó khăn, đẩy mạnh kháng chiến.

Từ năm 1948, 1ực lượng quân sự của Việt Nam tại Lào đã từng bước được tổ chức thành các đơn vị độc lập với quy mô cấp đại đội, tiểu đoàn và trung đoàn. Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định: “Các lực lượng quân sự của Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện”. Đây là mốc lịch sử đánh dấu bước phát triển và trưởng thành của các lực lượng quân sự trên chiến trường Lào; khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Ngày 30/10/1949 đươc lấy làm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào.

Tháng 4/1950, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh quyết định thống nhất các lực lượng Quân tình nguyện hoạt động trên chiến trường Bắc Lào thành ba phân khu (A, B và C) được biên chế thành các trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội. Ở Trung Lào, lực lượng Quân tình nguyện có Trung đoàn 120, sau đổi phiên hiệu thành Đoàn 280. Ở Hạ Lào, Quân tình nguyện có một số đại đội và trung đội. Sau thắng lợi của chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 ở Việt Nam, bước sang năm 1951, theo thoả thuận của lãnh đạo hai nước Việt Nam - Lào, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh tiếp tục tăng cường cán bộ và bộ đội tình nguyện sang chiến trường Lào, đưa tổng quân số tăng lên khoảng 12.000 người.

Tháng 4/1951, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thống nhất các lực lượng Quân tình nguyện ở Bắc Lào và Tây Lào, thành lập Ban cán sự Đảng và Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Mặt trận Thượng Lào. Về mặt tổ chức, Quân tình nguyện Mặt trận Thượng Lào có 4 đoàn: 80, 81, 82 và 83 (mỗi đoàn tương đương một trung đoàn) phụ trách hoạt động giúp bạn trên một địa bàn.

Trong những năm 1954-1959, phương thức hợp tác giúp đỡ của Việt Nam đối với cách mạng Lào có sự thay đổi. Ta chủ trương chuyển từ chế độ Quân tình nguyện (trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp) sang chế độ cố vấn quân sự (từ năm 1959 gọi là Chuyên gia quân sự), về mặt quân sự, Trung ương Đảng ta đặt chế độ cố vấn tách khỏi hệ thống Quân tình nguyện, thực hiện ở ba cấp: Bộ Quốc phòng, Trường Quân chính và các đơn vị, địa phương.

Từ năm 1960, khi đế quốc Mỹ can thiệp ngày càng trắng trợn vào công việc nội bộ của Lào, thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, mối quan hệ đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào được củng cố và phát triển ngày càng sâu đậm.

Sau năm 1965, theo thoả thuận giữa hai Đảng, hai Chính phủ, Việt Nam tiếp tục tăng cường các đơn vị tình nguyện và chuyên gia giúp bạn. Quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với quân và dân các bộ tộc Lào cùng các đơn vị chủ lực từ Việt Nam sang mở các chiến dịch lớn đánh bại các cuộc hành quân của địch, tiêu diệt các căn cứ phỉ ở Thượng Lào.

Năm 1969, đế quốc Mỹ thực hiện “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” ở Lào, yêu cầu nhiệm vụ giúp cách mạng Lào đòi hỏi ngày càng lớn. Để đáp ứng với tình hình mới của bạn, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chủ động chấn chỉnh tổ chức biên chế các đoàn Quân tình nguyện và Chuyên gia đang làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào. Khi đế quốc Mỹ và ngụy quân liều lĩnh mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương (năm 1970), thì sự phối hợp chiến đấu giữa lực lượng vũ trang Việt Nam và Lào tiếp tục có bước phát triển mới.

Theo đề nghị của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng Lào, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng Việt Nam lần lượt cử các đoàn cố vấn, chuyên gia quân sự 100, 959, 463, 565; các đoàn Quân tình nguyện 335, 316, 763, 766, 866, 968 sang chiến trường Lào, giúp bạn xây dựng lực lượng, củng cố vùng giải phóng, tiến hành cuộc kháng chiến anh dũng, trường kỳ, gian khổ, hy sinh với nhiều chiến dịch lớn nhỏ, đập tan âm mưu, sách lược của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

II. NHỮNG ĐÓNG GÓP TO LỚN CỦA QUÂN TÌNH NGUYỆN VÀ CHUYÊN GIA VIỆT NAM TẠI LÀO TRONG 2 CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP, ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC (1945-1975)

Với tinh thần quốc tế vô sản và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam đã có đóng góp to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cùng quân và dân các bộ tộc Lào giành thắng lợi hoàn toàn trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975), nổi bật là:

1. Giúp bạn gây dựng cơ sở chính trị; xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang và các căn cứ cách mạng; phát triển chiến tranh nhân dân đáp ứng yêu cầu kháng chiến

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: Sau khi lực lượng kháng chiến Lào chuyển từ đô thị về các vùng nông thôn, miền núi và sang vùng biên giới Thái Lan, cơ sở chính trị quần chúng còn rất ít; các đoàn Quân tình nguyện phải phân tán lực lượng, thành lập các đội công tác cơ sở, đội vũ trang tuyên truyền đi vào các bản mường tuyên truyền, giáo dục đường lối kháng chiến, giác ngộ và tổ chức nhân dân vào các hội Ít-xa-la. Trong điều kiện hết sức khó khăn, cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện đã nêu cao ý chí quyết tâm, sẵn sàng hy sinh, thực hiện “ba cùng” với dân, kiên trì bám trụ, xây dựng cơ sở cách mạng.

Thực hiện chủ trương tích cực xây dựng cơ sở vào sâu trong nước Lào, tạo ra những hành lang liên lạc với hai tỉnh Hủa Phăn và Viêng Chăn, Đoàn 81 Quân tình nguyện tổ chức nhiều đội công tác, hoạt động sâu ở các vùng địch hậu, xây dựng, mở rộng cơ sở, nối liền Tha Viêng với Tha Nhôm, thị xã Xiêng Khoảng và các vùng Mường Pẹc, Mường Khum và Mường Hiềm. Đoàn 83 cùng với bạn tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng ở Viêng Chăn từ không đến có, từ một vài cơ sở đầu tiên ở vùng Nặm Tòn phát triển lan rộng thành 5 khu căn cứ cách mạng liên hoàn trong lòng địch và một số cơ sở kháng chiến ở các địa phương. Trong khi đó, Đoàn 80, 82 và 280 Quân tình nguyện đẩy mạnh hoạt động giúp bạn xây dựng căn cứ kháng chiến ở các tỉnh Hủa Phăn, Phong Xa Lỳ, Luông Pha Băng, Huội Xài và Trung Lào. Các đoàn Quân tình nguyện không chỉ giúp bạn tổ chức các đoàn thể, chính quyền kháng chiến, mà còn chú trọng đến sản xuất, nâng cao đời sống, văn hóa, y tế và đoàn kết các bộ tộc Lào.

Sự giúp đỡ tích cực của các đoàn Quân tình nguyện và những nỗ lực to lớn của bạn, vào thời điểm cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cơ sở cách mạng và căn cứ kháng chiến, vùng giải phóng của Lào được mở rộng, trong đó có nhiều khu căn cứ kháng chiến Lào đã nối liền nhau, mở thông với các vùng căn cứ ở Tây Bắc, các vùng hậu phương của Liên khu 4, Liên khu 5 (Việt Nam), tạo thành một thế kháng chiên liên hoàn từ Bắc Lào, Trung Lào đến Hạ Lào, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy cuộc kháng chiến chống Pháp ở Lào phát triển.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ: Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam đã giúp bạn về quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang, trong đó chú trọng xây dựng Quân đội Pa-thét Lào (sau Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào (3/1955), Quân đội Lào Ít-xa-la đổi tên thành Quân đội Pa-thét Lào; tháng 7/1967 đổi thành Quân đội Giải phóng nhân dân Lào; tháng 7/1982 đổi thành Quân đội nhân dân Lào), làm nòng cốt cho các lực lượng vũ trang và nhân dân các bộ tộc Lào kháng chiến; đồng thời, quan tâm giúp đỡ xây dựng các đơn vị trung lập yêu nước cùng đoàn kết phối hợp chiến đấu với Quân đội Pa- thét Lào. Trong những năm 1954-1965, các Đoàn 100, 959, 463, 565 làm nhiệm vụ chuyên gia quân sự đã vận dụng sáng tạo kinh nghiệm để giúp bạn xây dựng cơ cấu tổ chức lực lượng vũ trang ba thứ quân phù hợp với hoàn cảnh, tình hình cách mạng Lào.

Tháng 2/1966, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam ra chỉ thị cho các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào xây dựng dân quân du kích. Chỉ thị nêu rõ “giúp bạn một cách toàn diện bao gồm cả hệ thống chỉ đạo, chỉ huy và các vấn đề về đường lối, phương châm, chế độ, chính sách thuộc dân quân du kích. Đây cũng là nhiệm vụ chủ yếu của các đoàn, tổ chuyên gia quân sự. Suốt những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cùng với việc xây dựng lực lượng vũ trang, Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam thường xuyên giúp bạn xây dựng các khu căn cứ, vùng giải phóng, làm chỗ dựa để tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài.

Quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng ta, các đơn vị Quân tình nguyện và Chuyên gia đã tích cực phối hợp giúp bạn triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân tham gia xây dựng lực lượng vũ trang” do Quân ủy Trung ương Lào phát động. Theo yêu cầu của bạn, lãnh đạo, chỉ huy các đoàn Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam thường xuyên cử các tổ chuyên gia, các đội vũ trang công tác cùng cán bộ, chiến sĩ bạn đi sâu sát cơ sở, tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân các bộ tộc Lào ủng hộ sức người, sức của cho kháng chiến.

2. Giúp bạn huấn luyện lực lượng vũ trang; tăng cường công tác chính trị, xây dựng Đảng; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ đủ sức đảm đương nhiệm vụ của cách mạng Lào

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: Với phương châm giúp bạn xây dựng thực lực cách mạng, tiến tới tự đảm đương nhiệm vụ, các đoàn Quân tình nguyện Việt Nam đã sớm giúp bạn xây dựng, huấn luyện lực lượng vũ trang cách mạng chiến đấu, bảo vệ căn cứ kháng chiến. Lúc đầu, ta đưa bạn vào các đơn vị của mình để kèm cặp, dìu dắt, tổ chức các đơn vị hỗn hợp Việt - Lào, Lào - Việt, sau đó tách ra thành các đơn vị độc lập, phân công nhiệm vụ phù hợp để rèn luyện, nâng cao trách nhiệm và trình độ mọi mặt cho các đơn vị vũ trang cách mạng Lào. Trên cơ sở lực lượng dân quân du kích và phong trào chiến tranh du kích phát triển, ta giúp bạn xây dựng, huấn luyện bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực. Nhờ vậy, đến những năm 1951-1952, cách mạng Lào đã xây dựng được lực lượng vũ trang ba thứ quân (gồm đại đội chủ lực của khu; đại đội bộ đội tỉnh, trung đội vũ trang huyện và dân quân du kích ở bản mường). Được sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam, Quân đội Lào Ít-xa-la đã từng bước phát triển.

Cùng với việc giúp bạn xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang, các đoàn Quân tình nguyện hết sức coi trọng nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cho bạn. Với tinh thần đồng chí, đồng đội, cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện luôn sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ Quân đội Lào Ít-xa-la trong chiến đấu, công tác và sinh hoạt. Sau mỗi đợt công tác, hoặc mỗi trận (đợt) chiến đấu, ta cùng bạn tổng kết, rút kinh nghiệm để bạn tự nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy đơn vị. Trong những thời điểm khẩn trương, ác liệt của cuộc kháng chiến, Quân tình nguyện vẫn tranh thủ mở các lớp huấn luyện ngắn ngày để huấn luyện cán bộ cho bạn. Tại Trung Lào, Đoàn 280 Quân tình nguyện giúp bạn tổ chức 4 lớp đào tạo với hơn 300 cán bộ sơ cấp chính trị, quân sự, góp phần tăng cường đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy ở các đơn vị Quân đội Lào Ít-xa-la.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ: Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam đã từng bước giúp bạn huấn luyện nâng cao trình độ quân sự, gồm 4 kỹ thuật lớn, trong đó chú trọng kỹ thuật bắn súng và nguyên tắc vận dụng các hình thức chiến thuật đánh địch trong mọi tình huống; tích cực giúp bạn mở các lớp huấn luyện cán bộ ngắn ngày về chính trị, quân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cho bạn ở từng giai đoạn cách mạng. Đồng thời, để giúp bạn tự đảm nhiệm mọi cương vị về chính quyền cũng như lãnh đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang và làm chủ sự nghiệp cách mạng của mình, các đoàn Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam hết sức coi trọng và triển khai tích cực việc bồi dưỡng, đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên cho bạn ở các đơn vị, địa phương.

3. Sát cánh cùng quân và dân các bộ tộc Lào chiến đấu, từng bước đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: Các đoàn quân tình nguyện đã luôn sát cánh cùng với quân và dân Lào chiến đấu, giúp bạn từ công tác nghiên cứu nắm địch, chuẩn bị lực lượng, hậu cần, vũ khí trang bị đến vận dụng các hình thức đánh địch đạt hiệu quả chiến đấu cao.

Đầu năm 1951, Đoàn 80 Quân tình nguyện đã cùng một số đơn vị Quân đội Lào Ít-xa-la tổ chức nhiều trận phục kích địch ở Mường Chanh, Bản Xiềng, Xốp Hào, Mường Pua,... Tiếp đó, tập kích đồn Xốp Xan, bao vây tiến công các đồn Mường Loọng, Xiềng Khọ, gây cho địch nhiều thiệt hại. Ở Trung Lào, Đoàn 280 Quân tình nguyện phối hợp với bạn tập kích đồn Nậm Pha Năng (19/2/1951), phục kích ở La Hả Nậm; đánh địch càn vào các khu vực Ba Na Phào, Đồng Hến, Nhôm Ma Lạt,... gây cho chúng một số thiệt hại. Ở Hạ Lào, các đơn vị Quân tình nguyện phối hợp với bạn đẩy mạnh chiến tranh du kích chống địch càn quét, giữ vững thế trận ở khu vực Bô Lô Ven. Trên đường 13 và vùng Mường Mun, ta và bạn tiến công diệt đồn Xu Ma Kha và một số vị trí khác.

Những trận đánh nhỏ lẻ bằng các hình thức tập kích, phục kích cùng những trận chống địch càn quét của Quân tình nguyện và Quân đội Lào Ít-xa-la những năm 1951-1952 và đầu năm 1953 thắng lợi đã mở ra khả năng chuyển sang đánh nhiều trận liên tiếp; đồng thời phối hợp với các đơn vị quân chủ lực Việt Nam sang mở những chiến dịch lớn. Đó là các chiến dịch Thượng Lào (13/4 đến 18/5/1953), Trung Lào (21/12/1953 đến 4/1954), Thượng Lào (29/1 đến 13/2/1954), Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia (31/1 đến 4/1954) tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng và củng cố các vùng giải phóng ở Thượng, Trung và Hạ Lào, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn bình định của địch, âm mưu chia rẽ tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Lào - Việt.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ: Các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với lực lượng vũ trang Lào mở các chiến dịch lớn như: Chiến dịch Nậm Thà (năm 1962), 128, 74A (năm 1964), Nậm Bạc (năm 1968), Mường Sủi (năm 1969), Toàn Thắng (năm 1970).

Với vai trò nòng cốt, Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục chủ động phối hợp với lực lượng vũ trang Pa-thét Lào đẩy mạnh các hoạt động tác chiến ở vùng Trung và Hạ Lào, cùng thực hiện thắng lợi chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ - ngụy tại khu vực Đường 9 - Nam Lào. Những thắng lợi về quân sự của quân và dân hai nước trong các Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1/1971), Chiến dịch Cánh Đồng Chum - Mường Sủi (4/1972), Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (11/1972),... làm tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giành thắng lợi từng bước về quân sự, hỗ trợ cuộc đấu tranh chung của nhân dân nước bạn Lào, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, tiến tới đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” của đế quốc Mỹ ở Lào; góp phần thúc đẩy tình thế, cùng các đòn tiến công và nổi dậy của quân và dân Nam Bộ, Tây Nguyên trên chiến trường chính Việt Nam, làm cho địch thất bại từng bước tiến tới thất bại hoàn toàn.

4. Cùng quân và dân bạn chiến đấu bảo vệ tuyến đường vận tải chiến lược - đường Hồ Chí Minh phía Tây Trường Sơn

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ: Cùng với việc giúp các đơn vị Quân đội Pa-thét Lào chống địch lấn chiếm và chống chiến tranh phá hoại trên địa bàn Quân khu Nam Lào, các đơn vị Quân tình nguyện và Chuyên gia đã tăng cường các tổ, đội, kết hợp với các tổ đội dân vận thuộc các đơn vị Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn tuyên truyên vận động nhân dân nhận rõ bản chất xâm lược và âm mưu chia rẽ Lào - Việt của kẻ thù. Qua đó, bộ đội ta được nhân dân Lào hết lòng giúp đỡ, dẫn cán bộ Đoàn 559 đi khảo sát địa hình mở đường cho xe cơ giới đi qua. Ở nhiều bản, nhân dân Lào tự nguyện rời đi nơi khác cho Bộ đội Trường Sơn mở đường. Những bản mường, nương rẫy ven tuyến đường bị bom đạn địch tàn phá, cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia ta đã cùng bạn đến tận nơi khắc phục hậu quả.

Mùa khô 1970-1971, đế quốc Mỹ chọn khu vực Đường 9 - Nam Lào để mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh phá tuyến vận tải chiến lược của ta. Các đơn vị Quân tình nguyện và Chuyên gia được giao nhiệm vụ tham gia chiến dịch đã phối hợp với bạn đẩy mạnh các hoạt động sau lưng địch, phá thế chuẩn bị chiền trường của chúng. Lực lượng vũ trang Lào đã phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam đập tan lực lượng địch tiến công ra Đường 9 - Nam Lào, diệt và bắt hơn 23.000 tên, bắn rơi và phá hủy 300 máy bay các loại, 600 xe quân sự và 150 khẩu pháo, trực tiếp góp phần bảo vệ vững chắc tuyến vận tải chiến lược - đường Hồ Chí Minh phía Tây Trường Sơn.

5. Xây dựng chiến trường Lào thành chiến trường phối hợp với các hướng chiến trường khác, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp: Từ năm 1951-1952, Quân tình nguyện cùng quân và dân Lào vừa chống địch càn quét, bảo vệ khu căn cứ kháng chiến; vừa phải tiến hành các mặt xây dựng và phát triển thực lực cách mạng. Các khu căn cứ kháng chiến, căn cứ du kích được củng cố và phát triển là chỗ dựa quan trọng để cung cấp sức người, sức của cho kháng chiến; đồng thời là bàn đạp để tiến công tiêu diệt địch trong các trận đánh lớn, trong các chiến dịch quan trọng. Đồng thời với việc chiến đấu bảo vệ căn cứ kháng chiến, Quân tình nguyện Việt Nam cùng với Quân đội Lào và nhân dân các bộ tộc Lào triển khai chu đáo các mặt công tác chuẩn bị chiến trường. Nhờ đó, trong các trận đánh, nhất là trong các chiến dịch Thượng, Trung và Hạ Lào diễn ra trong các năm 1953 và 1954, quy mô lực lượng của ta và bạn tham gia ngày càng lớn, khối lượng lương thực, vũ khí và các nhu cầu khác bảo đảm cho tác chiến ngày càng tăng. Trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chiến trường Lào đã thực sự trở thành một chiến trường phối hợp rất đắc lực cho chiến trường chính Bắc Bộ Việt Nam. Đã thu hút và giam chân gần 30 tiểu đoàn cơ động địch, loại khỏi vòng chiến đấu 8.300 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn gần 100.000 km2, cô lập, tạo điều kiện cho quân và dân Việt Nam giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia.

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ: Ngay từ khi đế quốc Mỹ can thiệp và xâm lược Lào, ta và bạn đã tích cực triển khai các mặt chuẩn bị chiến trường như: Điều chỉnh thế bố trí lực lượng trên các địa bàn chiến lược, theo dõi nắm địch, chuẩn bị cơ sở quần chúng, dự trữ lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược, xây dựng hệ thống đường giao thông, nhất là ở phía Tây Trường Sơn. Nhờ chuẩn bị chiến trường chu đáo, trong các chiến dịch tiến công trên chiến trường Lào những năm 1962-1972, lực lượng Quân tình nguyện, quân chủ lực của ta và bạn tham gia ngày càng lớn. Ngoài ra, còn có hàng nghìn đội dân quân du kích và dân công phục vụ trên địa bàn chiến dịch. Chiến trường Lào đã trở thành chiến trường phối hợp rất đắc lực với chiến trường chính, tạo nên những thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Thực hiện nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Lào trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam đã phải chịu đựng vô vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, lập nhiều chiến công trên chiến trường Lào. Nhiều tập thể và cá nhân thuộc Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước Lào tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam được nhân dân các bộ tộc Lào tin yêu, coi như con em của bộ tộc mình. Những đóng góp to lớn đó đã góp phần quan trọng trong xây dựng, củng cố vững chắc tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước và hai quân đội Việt - Lào.

III. PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG QUÂN TÌNH NGUYỆN VÀ CHUYÊN GIA VIỆT NAM TẠI LÀO TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Sau thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam và Lào thành hai nước độc lập, thống nhất, đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Quan hệ hai nước bước sang giai đoạn phát triển mới - giai đoạn hợp tác toàn diện. Ngày 5/2/1976, Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu sang thăm chính thức Việt Nam. Hai đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ hai nước đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Lào.

Ngày 30/4/1976, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 251-NQ/TW Về tăng cường đoàn kết, giúp đỡ và hợp tác với cách mạng Lào trong giai đoạn mới. Nghị quyết nêu rõ: “Tăng, cường đoàn kết, giúp đỡ và hợp tác đối với Lào là một trong những nhiệm vụ quốc tế hàng đầu của Đảng và nhân dân ta trong tình hình hiện nay”.

Vào cuối năm 1976 đầu năm 1977, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào đứng trước tình hình an ninh chính trị, chủ quyền lãnh thổ bị đe dọa. Trước tình thế đó, theo yêu cầu chính thức của Lào, Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam một lần nữa đã trở lại giúp Bạn.

Ngày 18/7/1977, trong cuộc thăm chính thức nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào của Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hai nước ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, Hiệp ước hoạch định đường biên giới quốc gia và ra Tuyên bố chung tăng cường sự tin cậy và hợp tác lâu dài. Đây là các hiệp ước đặc biệt quan trọng mang tính chiến lược về đào tạo cán bộ, ngoài chương trình đào tạo dài hạn, Bộ Quốc phòng Việt Nam thường xuyên tổ chức các lớp học ngắn hạn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đơn vị của Quân đội Lào. Việc tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam trên đất Lào cũng được hai bên quan tâm, tích cực phối hợp và đạt kết quả tốt.

Cùng với đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, hai nước tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật,... Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp và thủy lợi sang giúp Lào nghiên cứu, thu thập tài liệu, khảo sát phân tích đất, thiết kế hệ thống thủy lợi, tiến hành xây dựng luận chứng kinh tế-kỹ thuật cho các dự án về nông nghiệp; trực tiếp xuống tận các bản làng để giúp đỡ nông dân Lào canh tác, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng hệ thống thủy lợi, phát triển kỹ thuật chăn nuôi theo phương pháp khoa học. Đồng thời, Lào còn yêu cầu Việt Nam cử các chuyên gia sang giúp bạn xây dựng chương trình giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp,... Trong những năm 1996-2000, theo yêu cầu của Lào, Việt Nam đã cử 475 lượt chuyên gia sang giúp bạn, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế (63%), quốc phòng - an ninh (28%) và các lĩnh vực khác.

Những năm gần đây, quan hệ hữu nghị Việt - Lào, Lào - Việt được lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước tiếp tục quan tâm vun đắp, củng cố, tăng cường, coi đây là quy luật giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của mỗi nước. Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước ta từ ngày 24 đến 25/02/2019, hai bên đã nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông kính yêu gây dựng, được các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc, nhân tố bảo đảm sự tồn tại và phát triển của hai nước.

Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng nước ta và nước bạn Lào bằng chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ; tìm cách can thiệp, chia rẽ tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào bằng những thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt. Trước tình hình đó, các thế hệ hôm nay và mai sau phải có trách nhiệm cùng nhau giữ gìn, không ngừng vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, truyền thống lâu đời, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt - Lào lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới./.

Ban Tuyên giáo Trung ương - Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40462951