Công tác tuyên truyền
An Giang chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch trong nhiệm kỳ 2015-2020
- Được đăng: Thứ tư, 23 Tháng 9 2015 13:56
- Lượt xem: 11974
Hướng tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020”
(TGAG)- An Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng trong phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch, đây được xem là ngành kinh tế mũi nhọn nhằm đưa An giang phát triển bền vững về mọi mặt. Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang (khóa IX) trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X ghi nhận, trong những năm qua, thương mại - dịch vụ tăng trưởng ổn định, thị trường xuất khẩu mở rộng, giá trị xuất khẩu tăng qua từng năm, quy mô thị trường nội địa ngày càng tăng. Du lịch phát triển khá, một số công trình mới được đưa vào khai thác, nâng chất lượng dịch vụ, thu hút du khách. Lưu lượng hàng hóa và kim ngạch xuất nhập khẩu qua lại biên giới tăng.Ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được phân bổ tập trung hơn. Quản lý ngân sách chặt chẽ. Các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, sản xuất, dịch vụ tăng khá, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các đô thị trung tâm phát triển gắn với thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn; bộ mặt đô thị và nông thôn mới từng bước thay đổi theo hướng văn minh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân.
Dự thảo đánh giá, qua 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, thương mại - dịch vụ và du lịch của tỉnh vẫn đang đứng trước nhiều thách thức với nhiều trở lực cho sự phát triển như:
Dịch vụ, du lịch chưa khai thác hết thế mạnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ. Môi trường đầu tư kém hấp dẫn, chưa huy động có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Công tác xã hội hoá, việc đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công, dịch vụ công còn chậm. Thiếu cơ chế, chính sách để nhân rộng những mô hình có hiệu quả.
Để thương mại - dịch vụ và du lịch phát triển, trong những năm tới, dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang (khóa IX) trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X xác định:
Xây dựng chiến lược thị trường cho sản phẩm lúa gạo và cá tra. Đa dạng hóa các loại hình thương mại và sản phẩm phù hợp thị trường nội địa và xuất khẩu, khai thác có hiệu quả thị trường nông thôn. Chuẩn bị các điều kiện sản xuất và mở rộng thị trường để xuất khẩu nông sản, thủy sản, thu hút vốn đầu tư khi tham gia Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP); phát triển mở rộng các loại hình dịch vụ, chú ý phát triển dịch vụ có giá trị gia tăng cao như: viễn thông, tài chính, ngân hàng; nâng cao hiệu quả chất lượng dịch vụ vận tải và tiến tới xây dựng dịch vụ hậu cần (logistics), gắn kết với Dự án “Luồng cho tàu vận tải biển có trọng tải lớn vào sông Hậu” để đẩy mạnh giao thương hàng hóa và dịch vụ.
Quy hoạch ngành bán lẻ và bán buôn phù hợp với xu thế phát triển; hỗ trợ, kêu gọi đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, trước mắt, tập trung cho các trung tâm thương mại, các chuỗi siêu thị bán buôn, bán lẻ, hệ thống các chợ. Khuyến khích doanh nghiệp trong nước hoặc doanh nghiệp nước ngoài liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp của tỉnh xây dựng và phát triển hệ thống phân phối hiện đại, từ đó, tăng cường khả năng mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho các sản phẩm hàng hóa có lợi thế của tỉnh.
Phát huy vai trò trung tâm của trục Đông - Tây với hai cửa khẩu quốc tế, kết nối đồng bằng Sông Cửu Long và Thành phố PhnômPênh (Campuchia) đẩy mạnh giao thương, phát triển các loại hình dịch vụ và công nghiệp khu vực biên giới.
Chính quyền phối hợp với các thành phần kinh tế xây dựng lực lượng nghiên cứu, phân tích, phổ biến thông tin thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp, các địa phương xây dựng thương hiệu, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật vào sản xuất và chế biến; hỗ trợ pháp lý phát triển thị trường. Hình thành các tổ chức dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, khai thác thị trường trong và ngoài nước.
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể các điểm, loại hình, sản phẩm và tua, tuyến du lịch phù hợp với tiềm năng và lợi thế so sánh của tỉnh. Kiện toàn bộ máy quản lý, tiến tới xây dựng đề án đề nghị Chính phủ cho phép thành lập Sở Du lịch. Chú trọng đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Huy động các nguồn lực, tăng tỷ trọng đầu tư cho du lịch. Xây dựng khu vực Núi Sam, Núi Cấm và Cù lao Ông Hổ (Mỹ Hòa Hưng) trở thành khu, điểm du lịch quốc gia, của vùng; xây dựng các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn, hiện đại ở thành phố Long Xuyên, tiến tới kết nối bốn khu du lịch trọng điểm của tỉnh theo thứ tự ưu tiên Châu Đốc - Long Xuyên - Núi Cấm - Óc Eo; phát triển các dịch vụ khách sạn, nhà hàng ăn uống. Tăng cường liên kết vùng, trong nước và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực để khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh du lịch của tỉnh.
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY
________________
Biên soạn theo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang khóa IX, trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X