Truy cập hiện tại

Đang có 313 khách và không thành viên đang online

Xây dựng Đảng

Nhận diện để ngăn chặn, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, xây dựng Đảng trong sạch

(TGAG)- Trong xây dựng Đảng về đạo đức, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là nội dung quan trọng vì nó là căn nguyên gây ra nhiều hệ lụy, thậm chí có nguy cơ làm tổn hại đến chế độ chính trị, làm suy yếu Đảng. Nhận diện và chống chủ nghĩa cá nhân là công việc không đơn giản bởi công tác này đòi hỏi đảng viên phải vượt lên chính mình.



Cụm từ “cá nhân” không xấu, có cá nhân mới thành cộng đồng, mới thành xã hội. Còn chủ nghĩa cá nhân (cá nhân chủ nghĩa) ở đây là sự lệch lạc thái quá của con người mà cái tôi đối lập, mâu thuẫn với điều thiện, điều tốt; mâu thuẫn và làm tổn hại lợi ích cộng đồng. Có thể nhận diện chủ nghĩa cá nhân trong Đảng hiện nay trên năm mặt chủ yếu sau:

Một là, tách rời lợi ích của cá nhân mình với lợi ích của Đảng:

Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng ra đời và phát triển không phải vì mục đích tự thân, mà là vì độc lập cho Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân; tất cả mọi đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ đều chỉ nhằm đưa lại lợi ích cho nhân dân. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn vừa là người lãnh đạo, vừa là công bộc, đầy tớ, trâu ngựa cho nhân dân. Tự tách mình ra khỏi Đảng chính là biểu hiện đầu tiên của chủ nghĩa cá nhân trong Đảng.

Hai là, chỉ vun vén cho lợi ích của cá nhân mình:

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (02/1969): “Việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Biểu hiện rõ nhất là vấn đề tiêu cực trong công tác cán bộ và lợi ích nhóm, lợi ích gia đình, trái với lợi ích của Đảng. Nhiều văn kiện đại hội Đảng đã đề cập đến vấn đề “chạy” thể hiện rất rõ căn bệnh cá nhân chủ nghĩa. Các kiểu chạy rất phong phú: chạy bằng cấp, chạy huân chương, chạy danh hiệu, chạy tội, chạy tuổi, chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy quy hoạch, chạy việc, chạy vào vị trí có liên quan đến vật chất để hòng lợi dụng kiếm chác...

Ba là, coi cái tôi cao hơn tất thảy, bất chấp đường lối, chủ trương, điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước:

Cán bộ lãnh đạo mưu cầu lợi ích cá nhân, coi thường nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Họ thường tìm kẽ hở trong các quyết định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để làm lợi cho cá nhân mình, gia đình mình, nhóm mình. Trong công tác của Đảng và trong các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, họ đặt quyền lợi của cá nhân mình, gia đình mình, nhóm mình cao hơn tất cả, hoặc coi lợi ích cá nhân là duy nhất. Đối với tổ chức thì họ giấu giếm khuyết điểm, sai lầm của cá nhân mình; lũng đoạn, kéo bè kéo cánh, gây mất đoàn kết, bao che tội lỗi, sai lầm của những người cùng cánh. Họ coi tổ chức chỉ là công cụ để trục lợi cá nhân, nói không đi đôi với làm. Trăn trở về điều này, từ năm 1969, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”.

Bốn là, quan liêu, tham nhũng, lãng phí:

Hồ Chí Minh coi tham nhũng, lãng phí, quan liêu là giặc nội xâm, thứ giặc nằm ngay trong mỗi người, nằm ngay trong tổ chức của hệ thống chính trị. Lãng phí biểu hiện trong chi tiêu ngân sách, đầu tư,... Quan liêu đi kèm với tham nhũng và lãng phí. Sự lơi lỏng trong kiểm soát, kiểm tra, giám sát tiếp tay cho chủ nghĩa cá nhân hoành hành. Nhiều vụ án về tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy nhà nước trong thời gian qua đều do chủ nghĩa cá nhân gây ra; làm thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, nhiều giá trị văn hóa đạo đức bị băng hoại, đặc biệt làm cho niềm tin của nhân dân, của xã hội đối với Đảng, Nhà nước bị suy giảm nhanh chóng.

Năm là, phản bội Đảng, phản bội chế độ chính trị:

Đây là biểu hiện cao nhất của chủ nghĩa cá nhân, đe dọa vận mệnh của Đảng, của chế độ chính trị, vi phạm nghiêm trọng pháp luật của Nhà nước và kỷ luật Đảng. Lợi ích vật chất làm cho con người dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân. Họ bán bí mật quốc gia, từ bỏ lợi ích quốc gia; có hành động chống đối hoặc cổ súy cho những hành động chống đối chế độ, lợi dụng truyền thông để xuyên tạc sự thật lịch sử, bôi đen chế độ, bôi xấu lãnh tụ Đảng và Nhà nước, vu khống nhằm hạ uy tín cán bộ cách mạng.

Một số giải pháp phòng, chống chủ nghĩa cá nhân

Một là, chống chủ nghĩa cá nhân phải xuất phát từ yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực:

Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, lực lượng lao động phải bảo đảm các yêu cầu cơ bản sau: (1) Có sức khỏe (cả thể lực và tinh thần); (2) Được nâng cao về trình độ; (3) Được đào tạo năng lực chuyên môn, kỹ thuật; (4) Có văn hóa nghề nghiệp; (5) Có khả năng sáng tạo cao; (6) Có khả năng thích ứng với tình trạng nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm và sự sụt giảm các nguồn đầu tư tài chính. Đó là con người vừa có đức, vừa có tài, trong đó đức là “gốc”. Do đó, nguồn nhân lực không thể bao gồm những người mang bệnh cá nhân chủ nghĩa.

Đại hội XII của Đảng cũng nêu một số nội dung xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới: (1) Xây dựng “con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”, coi đó là “một mục tiêu của chiến lược phát triển”; (2) “Phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; (3) Đối với đội ngũ đảng viên: “tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng”, “chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm”. Nếu thực hiện tốt các mục tiêu trên, sẽ đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân.

Hai là, thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng và xây dựng tư cách người đảng viên:

Đảng phải luôn giữ vững bản chất giai cấp, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin; thực hiện tốt tập trung dân chủ; thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; thực hiện tự phê bình và phê bình; chú trọng kết nạp những người ưu tú vào Đảng và luôn luôn làm trong sạch Đảng, loại bỏ những phần tử biến chất ra khỏi Đảng; phải hoạt động đúng pháp luật; có trách nhiệm với dân và tăng cường mối quan hệ máu thịt với dân; thực hiện nghiêm nguyên tắc đoàn kết, thống nhất trong Đảng, phải coi giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình; phải có tình đoàn kết quốc tế.

Ba là, làm trong sạch môi trường văn hóa, đạo đức vừa là điều kiện, vừa là nhiệm vụ trọng tâm của chống chủ nghĩa cá nhân:

Môi trường tốt sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân. Môi trường văn hóa đạo đức trong sạch thì không có đất sống cho chủ nghĩa cá nhân. Hiện nay, môi trường văn hóa đạo đức có nhiều biểu hiện xuống cấp, ở nhiều cấp độ: tệ nạn ma túy ngày càng tăng; bạo lực đang có xu hướng phát triển mạnh, cả trong gia đình, học đường và xã hội; mức độ tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, có xu hướng tăng mạnh mà chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu; văn hóa chính trị còn nhiều vấn đề đáng báo động, khi mà một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có động cơ chính trị không trong sáng, không đúng bản chất cách mạng của Đảng (“vào Đảng để thăng quan, tiến chức, phát tài”). Vì vậy, cần xác định việc làm trong sạch môi trường văn hóa đạo đức vừa là điều kiện tiên quyết, vừa là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên để đẩy lùi và quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Như vậy, yêu cầu đặt ra trong xây dựng Đảng về đạo đức là phải nhận diện rõ biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân để từ đó đấu tranh đẩy lùi, quét sạch từ trong Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên. Đảng trong sạch, vững mạnh quyết định tới sự thành bại của sự nghiệp đổi mới, sự tồn vong của chế độ chính trị. Hơn lúc nào hết, Đảng ta càng phải thấm thía lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Hòa Bình
(Tổng hợp nguồn: BTGTW)


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36727584