Truy cập hiện tại

Đang có 127 khách và không thành viên đang online

Công tác tuyên truyền

Các danh hiệu thế giới dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh

(TGAG)- Đến nay có rất nhiều danh hiệu học giả và bạn bè thế giới dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có danh hiệu chỉ được đề cập đến trong một hay một vài văn bản, bài nói, bài viết. Có danh hiệu xuất hiện gần như xuyên suốt trong hầu hết các tác phẩm nói về Người. Có thể tạm thời thống kê các danh hiệu sau đây dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- “Anh hùng giải phóng dân tộc”: danh hiệu này xuất hiện xuyên suốt trong nhiều văn bản, bài nói, bài viết, tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt thể hiện trong Nghị quyết số 24C/18.6.5 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) thông qua tại khóa họp lần thứ 24 tại Paris, từ ngày 20-10 đến ngày 20-11-1987.

- “Nhà văn hóa kiệt xuất”: danh hiệu này cũng xuất hiện xuyên suốt trong nhiều văn bản, bài nói, bài viết, tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt thể hiện trong Nghị quyết số 24C/18.6.5 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) thông qua tại khóa họp lần thứ 24 tại Paris, từ ngày 20-10 đến ngày 20-11-1987.

- “Người con vĩ đại của nhân dân Việt Nam anh hùng”: danh hiệu do nhà văn, nữ anh hùng Liên Xô Irina Lepsencô dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết của bà đăng trên báo Sự thật (Liên Xô) ngày 7-9-1969.

- “Người Mácxít - Lêninnít xuất sắc”: danh hiệu do Xixana Xixan (Trưởng đoàn đại biểu Lào tại hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam và thế giới” nhân kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) phát biểu trên báo Nhân dân số ngày 21-5-1980.

- “Vị lãnh tụ anh minh”: danh hiệu do Xixana Xixan (Trưởng đoàn đại biểu Lào tại hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam và thế giới” nhân kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) phát biểu trên báo Nhân dân số ngày 21-5-1980.

- “Người chiến sĩ xuất sắc của chủ nghĩa quốc tế vô sản”: danh hiệu do Lâm Bá Cừ (Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc) dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Mừng đồng chí Hồ Chí Minh thọ bảy mươi tuổi” đăng trên báo Nhân dân (Trung Quốc) số ra ngày 19-5-1960.

-“Người vô song khó ai có thể sánh kịp, khó ai có thể vượt hơn”: danh hiệu trong Xã luận báo Granma (Cuba) đăng ngày 14-9-1969.

- “Nhà cách mạng”, “Nhà cách mạng vô sản vĩ đại”: danh hiệu này cũng xuất hiện xuyên suốt trong nhiều văn bản, bài nói, bài viết, tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- “Người cách mạng vĩ đại nhất của thời đại ngày nay”: danh hiệu do báo Sự kiện (Ấn Độ) dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết số tháng 9-1969.

- “Chiến sỹ kiên cường đấu tranh cho công lý”: danh hiệu do L.N.Daicôp (Liên Xô) dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài phát biểu được báo Nhân dân đăng số ra ngày 19-5-1996.

-“Nhà hiền triết hiện đại”: danh hiệu do Tiến sỹ Átmet (Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO tại Hội thảo khoa học quốc tế kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- “Anh hùng của thời đại”, “Anh hùng của cuộc đấu tranh cho tự do và tiến bộ của toàn thể loài người”,  “Người sáng tạo ra lịch sử”: danh hiệu do Báo chiến sỹ tự do của Quân đội Ba Lan dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết ra ngày 10-9-1969.

- “Người “thức tỉnh châu Á”: danh hiệu do V.Đơtêrêcarôp dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết đăng trên báo Mặt trận Tổ quốc (Bungari) số ngày 4-9-1969.

- “Tấm gương sáng cho tất cả những người cách mạng ở Việt Nam và trên toàn thế giới”: danh hiệu do Ianôt Kađa (Hungari) dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Điện chia buồn” đăng trên tạp chí Học tập số tháng 9-1969.

-“Người kiến trúc sư cao quý nhất”: danh hiệu do Thời báo Đêli (Ấn Độ) số ra ngày 2-2-1958 dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- “Một trong những lãnh tụ vĩ đại nhất của châu Á”: danh hiệu do báo Quốc gia (Ấn Độ) dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết đăng trên số ra ngày 5-9-1969.

- “Một trong những nhân vật nổi tiếng nhất… làm kinh ngạc nhất của thế kỷ chúng ta”: danh hiệu do báo Lơ Fhigarô (Pháp) dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài viết được đăng lại trên tạp chí Học tập số tháng 01-1970.

- “Nhà lãnh đạo chân chính”: danh hiệu do Honđa Katruichi, phóng viên báo Asahi (Nhật Bản)  dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh (trích lại trong Hồ Chí Minh nhà văn hóa kiệt xuất, Song Thành, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, trang 185).

- “Người tiêu biểu cho hình thức cao cả của sự đoàn kết mà chính nền văn minh cũng cần phải có”: danh hiệu do báo Đoàn kết, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Italia dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xã luận ra ngày 5-9-1969.

- “Nhà chính trị có tầm cỡ”: danh hiệu do Pinô Tagơliaduchi Pêrugia (nhà sử học Italia) dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh (trích lại trong Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995).

- “Người chỉ đường, người cha tinh thần của công cuộc giải phóng các dân tộc trong thế giới thứ ba”: danh hiệu do Huari Bumêđiên (Chủ tịch Hội đồng cách mạng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Angiêri dân chủ và nhân dân) dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng (trích lại trong tạp chí Học tập số tháng 10-1969).

- “Nhà tư tưởng lớn”: danh hiệu do Xalê A.Mathana (đại biểu Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Yêmen tại Hội thảo Khoa học quốc tế “Việt Nam và thế giới” nhân kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh).

- “Người bạn của tất cả các dân tộc đấu tranh cho tự do và độc lập”: danh hiệu do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Xyri dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Điện gửi Ban Chấp hàng Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, ngày 7-9-1969.

- “Vị thánh”: danh hiệu do N.X. Khơrusôp (Liên Xô) dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Hồi ký”, Rôbec Laphông, Paris, 1971.

- “Nhân vật thần thoại”: danh hiệu do báo Bình Minh (Pakixtan) số ra ngày 5-9-1969 dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- “Người cầm cờ vĩ đại nhất của cuộc đấu tranh giải phóng và tái sinh của nhân dân châu Á trong thời đại ngày nay”: danh hiệu do báo Bình Minh (Pakixtan) số ra ngày 5-9-1969 dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- “Nhân vật kỳ lạ của thời đại”: danh hiệu do David Halberstam dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Ho, Răngđôm Haosơ, New York, 1971.

- “Vĩ nhân của thời đại”: danh hiệu do báo Tiến lên (Xry Lanca) số ra ngày 9-9-1969 dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- “Nhân vật cao quý nhất, bình dị nhất và được mọi người kính trọng nhất”: danh hiệu do Elen Tuôcmerơ dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết Trở thành người Bác như thế nào? (trích trong Sách vàng về Việt Nam, Nhà sách Viện Hàn lâm, Berlin, 1966).

Trên đây chỉ là những thống kê bước đầu về các danh hiệu thế giới tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Danh hiệu thế giới dành cho Người trải dài theo bước chân cách mạng, nóng bỏng như trái tim, cao vời như cống hiến vĩ đại. Danh hiệu thế giới dành cho Người vượt qua mọi không gian, bất tận cùng thời gian. Cuộc sống cứ trôi đi với những cái mới ra đời, trong đó có cái mới của những danh hiệu tôn vinh Người. Khi cái đẹp là khát khao bất tận của loài người, khi đó thế giới còn ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh.                                        

ThS. Nguyễn Phương An
Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 24C/18.6.5 của Tổ chức  Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) thông qua tại khóa họp lần thứ 24 tại Paris, từ ngày 20-10 đến ngày 20-11-1987.
2. Xã luận báo Granma (Cuba) ngày 14 tháng 9 năm 1969.
3. Thời báo Đêli (Ấn Độ) số ra ngày 2 tháng 2 năm 1958.
4. Song Thành, Hồ Chí Minh nhà văn hóa kiệt xuất, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.
5. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995.
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40800861