Truy cập hiện tại

Đang có 60 khách và không thành viên đang online

Sớm có giải pháp tháo gỡ cho xuất khẩu nông sản

(TGAG)- Thảo luận tại phiên họp toàn thể hội trường về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp và cho rằng để phát triển ngành nông nghiệp cần quan tâm đến xây dựng phát triển thương hiệu, đồng thời cần có quy hoạch, định hướng sản xuất dựa trên dự báo thị trường.
 
​Phát biểu về tình hình xuất khẩu nông sản, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết, mặc dù thời gian qua kim ngạch nông sản có xu hướng tăng nhưng dư địa xuất khẩu nông sản Việt Nam có nhiều biểu hiện thu hẹp dần. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có gạo hiện giá trị rất thấp và có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn và thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm tỷ lệ cao, nhất là tỷ lệ trái cây, rau quả chiếm trên 90% tỷ lệ xuất khẩu mặt hàng này và còn phụ thuộc nhiều vào đường tiểu ngạch.

Từ ngày 01/01/2019 trái cây, rau quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải có truy xuất nguồn gốc và có giấy chứng nhận kiểm dịch động thực vật, trong khi nước ta lại phải nhập khẩu trái cây và đáng lưu ý là khoảng 70% giá trị nhập khẩu trái cây, trùng với các loại sản phẩm mà trong nước chúng ta sản xuất được. Đồng thời, thế mạnh về thủy sản gặp nhiều bất lợi trong việc Ủy ban châu Âu chưa gỡ thẻ vàng.


Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Cho rằng thực trạng trên đã có gắng giải quyết nhưng hiệu quả chưa cao, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp tháo gỡ có hiệu quả những tồn tại trong thời gian còn lại. Theo đó, cần có quy hoạch, định hướng dựa trên dự báo thị trường để tránh trường hợp người dân phải đổ xô trồng Thanh Long, dưa Hấu, trồng Cam, Xoài, v.v.. phải giải cứu. Đồng thời sớm tháo gỡ thực trạng khó tiếp cận đất đai của doanh nghiệp thông qua việc nhận quyền sử dụng đất, thuê đất và các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị thích ứng với thị trường và phù hợp với khả năng điều kiện, trình độ phát triển của Việt Nam. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chú ý tới hỗ trợ ý tưởng khởi nghiệp và xây dựng thương hiệu.

Các chính sách cần tập trung tác động vào hai chủ thể là doanh nghiệp và người nông dân. Cần nhìn nhận đúng khái niệm "an ninh lương thực" trong bối cảnh nhu cầu hiện nay kèm theo với "an ninh dinh dưỡng" để cân đối và quy hoạch sản xuất phù hợp, tránh cung cầu bất hợp lý. Đồng thời, phát triển nông nghiệp nên quan tâm giải quyết một số vấn đề cấp bách hiện nay một cách căn cơ là vấn đề ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây sạt lở, gây nguy cơ nước biển dâng.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cũng cho rằng, để thúc đẩy động lực mới cho nông nghiệp, Bộ tiêu chuẩn chất lượng là đặc biệt cần thiết, là công cụ để làm căn cứ cho nhiều hoạt động như căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định các dự án cho vay vốn, căn cứ để nông dân và doanh nghiệp tổ chức sản xuất đạt chất lượng theo yêu cầu của thị trường.

Phan Nguyên
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37129126