Truy cập hiện tại

Đang có 87 khách và không thành viên đang online

Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo bền vững tại An Giang

(TGAG)- Ngày 19/3, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội do bà Nguyễn Thuý Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh An Giang, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về  chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018. Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, ông Phan Huỳnh Sơn - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.

Giai đoạn 2012 - 2018, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo, nhận thức trong nhân dân, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số có chuyển biến mạnh mẽ, ý thức tự vươn lên thoát nghèo và phấn đấu làm giàu ngày càng phát huy rõ nét, nhờ vậy tỷ lệ hộ nghèo đều giảm qua từng năm. Cụ thể, giai đoạn 2012 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1, 34%/ năm; hộ cận nghèo giảm bình quân 0,62%/ năm;tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm bình quân 2,41%/năm. Giai đoạn 2016 - 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,59%/năm (đạt và vượt nghị quyết đề ra); hộ cận nghèo giảm 5,82%; hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm bình quân 3,79%.


Tính đến thời điểm này, tổng vốn đầu tư thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững là 173.798 triệu đồng cùng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ khác như chương trình 135, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế… được đầu tư có trọng điểm đã giúp các hộ nghèo đủ điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh đã  giải trình những vấn đề liên quan việc thực hiện chính sách pháp luật về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018 tỉnh An Giang của các thành viên đoàn giám sát.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình kiến nghị đến đoàn giám sát một số vấn đề trọng tâm: Trung ương cần có văn bản hướng dẫn nguyên tắc, định mức phân bổ cụ thể các nội dung thực hiện từ kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững để địa phương tổ chức thực hiện; Trung ương cần có cơ chế khuyến khích mạnh mẽ sự đầu tư từ các tổ chức, cá nhân thuộc thành phần kinh tế để huy động sự tham gia đóng góp của các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân vào công tác giảm nghèo; định hướng giảm nghèo trong giai đoạn tới cần tập trung giải quyết các nguyên nhân chính để người nghèo vươn lên thoát nghèo. Cụ thể là tập trung nguồn lực để nâng cao dân trí, tay nghề và đảm bảo việc làm cho người nghèo; nguồn kinh phí phân bổ tập trung cho địa phương không dàn trải, chia nhỏ… để địa phương điều chỉnh cho phù hợp.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh đề nghị An Giang cần quan tâm hơn nữa các giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững; thường xuyên đánh giá hiệu quả chương trình giảm nghèo để có sự chỉ đạo thực hiện phù hợp với tình hình thực tế, tiếp tục phát huy việc huy động mọi nguồn lực để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững. Cần đổi mới phương thức nội dung tuyên truyền để phù hợp với văn hoá, trình độ của người dân nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục phát huy và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững hiện có tại địa phương. Đoàn cũng đã ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của tỉnh và sẽ có hướng hỗ trợ để An Giang tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững thời gian tới.

Bích Vân
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40347029