Truy cập hiện tại

Đang có 117 khách và không thành viên đang online

Nhìn lại nhiệm kỳ của Obama đối với khu vực Đông Nam Á

(TGAG)- Ngày 20-1-2017, sẽ đánh dấu bước chuyển giao quyền lực từ tổng thống B.Obama sang D.Trump, người vừa đắc cử tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử “ồn ào” vừa qua. Khi ngày kết thúc nhiệm kỳ của Chính quyền Tổng thống Barack Obama đang tới gần, các học giả đã đánh giá những di sản mà ông Obama để lại cho Đông Nam Á và đưa ra nhận định về những thách thức cho chính quyền mới của Mỹ.

* Thân thiện đối với ASEAN

Không còn nghi ngờ gì nữa, khi Obama được đánh giá là vị tổng thống thân thiện đối với Đông Nam Á, nơi ông đã ghé thăm hầu hết các nước tại đây trong thời gian cầm quyền. Ông chắc chắn sẽ hoàn thành chuyến “tuần du ASEAN”, nếu không phải hủy bỏ chuyến thăm tới Brunei vào năm 2013 để giải quyết những tranh cãi về ngân sách dẫn tới nguy cơ đóng cửa Chính phủ Mỹ.

Chính quyền Obama đã thành công tại khu vực khi tập trung vào những vấn đề chiến lược lớn hơn và hạ thấp những vấn đề nhạy cảm. Dưới thời Tổng thống Obama, Mỹ đã tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC) năm 2009; Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), một diễn đàn chiến lược hàng đầu của khu vực; tham gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)… Việc, “xoay trục” sang Đông Nam Á vẫn là cần thiết đối với Mỹ trong thời gian tới bởi hai lý do.



Thứ nhất,
Đông Nam Á nắm giữ hơn 200 tỷ USD tài sản đầu tư trực tiếp của Mỹ.

Thứ hai, Mỹ khó có thể để Đông Nam Á lại sau lưng nếu Washington muốn tránh dâng địa vị số một tại khu vực vào tay đối thủ có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chính quyền mới sẽ phải chịu áp lực rất lớn trong việc tìm ra các cách thức mới nhằm trấn an các đồng minh Châu Á về cam kết chiến lược lâu dài của Washington đối với khu vực.

* Mối quan hệ Mỹ - Indonesia

Với việc lợi ích của hai nước hội tụ vào năm 2010, tổng thống Mỹ và Indonesia đã ký kết Hiệp định đối tác toàn diện Mỹ-Indonesia trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục và khoa học công nghệ. Năm 2015, hai nước đã nâng cấp lên thành Quan hệ đối tác chiến lược.

Quan hệ Mỹ-Indonesia phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trên lĩnh vực chính trị và an ninh. Quan hệ quân sự giữa hai nước được khôi phục hoàn toàn. Các chương trình xây dựng năng lực, từ hiện đại hóa vũ khí đến đào tạo nhân lực tăng vọt khi các hoạt động chung lên tới con số hơn 200 hằng năm.

Trong lĩnh vực kinh tế, năm 2015, thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Indonesia đã đạt 29 tỷ USD. Giá trị tổng thể các mối quan hệ kinh tế giữa hai bên ước tính đạt 90 tỷ USD mỗi năm. Lĩnh vực trao đổi giáo dục lại không gây được ấn tượng với khoảng 8.000 người Indonesia đang học tập nghiên cứu tại Mỹ, một con số quá nhỏ đối với một đất nước 250 triệu dân.

Di sản lớn nhất của ông Obama đối với Indonesia chính là khuôn khổ quan hệ đối tác song phương nhằm tìm cách củng cố mối quan hệ giữa nhà nước với nhà nước, giữa nhân dân với nhân dân.

Thử thách đối với tổng thống mới của Mỹ chính là làm thế nào để phát triển khuôn khổ này dưới một không gian mà Tổng thống Indonesia Joko Widodo không đến mức là người theo chủ nghĩa quốc tế như người tiền nhiệm.

Với việc Indonesia “dường như” đang rút lui khỏi vũ đài khu vực và thế giới, đây là thời gian mà Mỹ cần phải đưa mối quan hệ đối tác chiến lược với Indonesia đi vào chiều sâu. Liệu tổng thống mới sẽ định hình chương trình nghị sự chính trị và an ninh vốn có giữa hai nước như thế nào?

* Quan hệ Mỹ - Malaysia

Dưới thời chính quyền Obama, quan hệ Mỹ-Malaysia đã vươn lên tầm cao mới mà hầu như không ai tưởng tượng được, vượt qua trạng thái bình ổn so với thời kỳ của người tiền nhiệm.

Quan hệ Mỹ-Malaysia lạnh nhạt cho tới khi Thủ tướng Malaysia Najib Razak có một quyết định sáng suốt chìa tay ra với Mỹ bằng việc chỉ định chính trị gia được ông tin tưởng là Jamaluddi Jarjis làm đặc phái viên Malaysia tại Mỹ với tư cách Bộ trưởng trong năm 2009. Sự thân thiện khiến cho Mỹ đáp lại thịnh tình bằng việc ca ngợi Malaysia là một quốc gia Hồi giáo tiềm năng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan.

Tổng thống Obama và Thủ tướng Najib đã phát triển mối quan hệ cá nhân và hòa hợp với nhau. Sự nồng ấm trong quan hệ cá nhân đã lan tỏa xuống các cấp trong chính phủ giữa hai bên. Lần đầu tiên trong lịch sử quốc gia, Malaysia có thể xóa bỏ những rào cản của chính trị trong nước và công khai can dự với Mỹ. Bằng chứng là việc Malaysia tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm 2010 và tham gia Sáng kiến an ninh chống phổ biến vũ khí (PSI) do Mỹ dẫn đầu vào năm 2014. Cùng năm này, ông Obama trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đang tại vị có chuyến viếng thăm Malaysia kể từ chuyến thăm của Tổng thống Lyndon Johnson năm 1966.

Chính quyền của ông Obama sẽ được nhớ tới vì đã nâng cao đáng kể vai trò của Malaysia trên trường quốc tế. Mỹ đã mời Thủ tướng Najib tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân năm 2010 nơi mà ông Obama đã trao cho Malaysia tiếng nói về vấn đề rất quan trọng đối với ngoại giao của Malaysia. Ông Obama cũng thừa nhận vai trò của các nước nhỏ như Malaysia trong các vấn đề quốc tế thông qua việc ủng hộ sáng kiến của ông Najib về phong trào toàn cầu của những người ôn hòa. Nhưng mối quan hệ nồng ầm có thể không bền vững.

Thứ nhất, sự rung cảm cá nhân trong quan hệ ngoại giao giữa Obama và Najib sẽ không tồn tại với những người thay thế họ trong thời gian tới.

Thứ hai, chính quyền mới của Mỹ có thể sẽ thận trọng hơn trong quan hệ với ông Najib chừng nào những mối lo lắng về pháp luật và chính trị mà ông này đang gánh chịu có liên quan tới vụ bê bối quỹ nhà nước gây tranh cãi vẫn còn dai dẳng.

Mặc dù thương mại song phương đã tăng 36% từ mức 34,2 tỷ USD trong năm 2009 lên mức 46,8 tỷ USD trong năm 2015 nhưng vẫn thấp hơn mức 50 tỷ USD đạt được trong năm 2006. Củng cố và mở rộng sự can dự kinh tế của Mỹ sẽ là một thách thức và là vấn đề cần được ưu tiên đối với chính quyền mới của Mỹ.

(còn tiếp)
Nguyên Khang (Tổng hợp)
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40095981