Truy cập hiện tại

Đang có 214 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

(TGAG)- Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là qui luật phát triển của Đảng, là một nguyên tắc, một nội dung sinh hoạt chi bộ, là vũ khí sắc bén chỉnh đốn, xây dựng Đảng thường xuyên trong sạch vững mạnh, nâng cao tầm văn hóa lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đòi hỏi cán bộ, đảng viên thực hiện tự phê bình và phê bình “như rửa mặt hàng ngày”, được như thế thì “Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng” (1).
 
Mục đích của tự phê bình và phê bình là làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội, nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, tăng cường đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng thông qua sinh hoạt chi bộ hằng tháng là việc làm mang tính chất xây dựng và phát triển nội dung văn hóa Đảng, là thực hiện giải pháp cải tiến, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sửa đổi lối làm việc, hành vi quan hệ, lối sống nếp sống; đề cao ý thức tổ chức, kỷ luật của  mỗi cán bộ, đảng viên, của mỗi người để mỗi người, mỗi chi bộ, mỗi tổ chức càng đúng hơn, tốt hơn, ưu điểm nhiều hơn, khuyết điểm ít hơn.

Để tự phê bình và phê bình có kết quả, đúng mục đích, tư phê bình và phê bình phải nghiêm khắc, ráo riết, triệt để, không nể nang, không “dĩ hòa vi quý”, không thêm cũng không bớt và phải căn cứ vào sự việc có thật để nhận xét, đánh giá và phân tích, vạch rõ cả ưu điểm cả khuyết điểm, có lý có tình, mềm dẻo, thấm đượm lòng nhân ái bao dung, vị tha để khuyến khích phần thiện trong con người hồi sinh, nẩy nở; để lôi kéo, thức tỉnh, nâng đỡ tinh thần người có sai lầm khuyết điểm tiếp thu phê bình, sửa chữa lỗi lầm, khuyết điểm. Phải xuất phát từ động cơ đúng đắn, trong sáng, mang tính chất xây dựng “trị bệnh cứu người”, có tình đồng chí thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; phải công khai trực tiếp nói ý kiến của mình để “phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”.

Phê bình theo kiểu “ăn theo, nói leo” “té nước theo mưa”, “thấy sôi bảo sôi béo, thấy thịt bảo thịt bùi”, phê bình theo kiểu “hổ mang thuồng luồng”, “đao to búa lớn”, mang mục đích “đánh ra bã ”, “đập chết tươi” “đào sâu, chôn chặt” suy diễn, qui kết theo kiểu “úy chụp”, “phủ định sạch trơn”, sử dụng những lời lẽ hằn học, châm chọc, mỉa mai cay độc. ...chính là con đẻ của chủ nghĩa cá nhân, là sản phẩm của chuyên quyền độc đoán, trù đập, trả thù người ngay thẳng đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí tiêu cực, thoái hóa biến chất của một số người lợi dụng danh cán bộ đảng viên của Đảng, Nhà nước, thậm chí đang nắm giữ chức quyền trong bộ máy cơ quan hệ thống chính trị các cấp đang bị dư luận xã hội lên án, đòi “quét sạch nó đi”.

Tự phê bình có vai trò dẫn dắt, định hướng và ảnh hưởng rất lớn đến tính chất, mục đích, chất lượng và hiệu quả của phê bình, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Không thể có kết quả phê bình đúng mục đích, sinh hoạt chi bộ có chất lượng nếu như trong chi bộ, trong bộ máy cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể còn có nhiều người hữu khuynh, né tránh, cầu an,“ba phải”, “mười rằm cũng ư, mười tư cũng gật”, thiếu dũng khí nêu chính kiến, không dám chiến đấu bảo vệ lẽ phải, hoặc còn có biểu hiện mất dân chủ “trấn áp, bịt miệng”, coi thường ý kiến người khác, dân chủ cực đoan “đục nước béo cò”, lợi dụng phê bình để đề cao cá nhân, “vĩ đại hóa mình”, tạo dựng bè cánh, “tung hỏa mù”, “đánh lạc hướng”, “lộn sòng con trắng con đen”. Đây chính là nguyên nhân, mầm mống gây mất đoàn kết trong chi bộ, trong tổ chức.

Một nguyên tắc trong tự phê bình và phê bình là thực hiện tự phê bình mình trước, phê bình người khác sau; cấp trên tự giác, gương mẫu tự phê bình trước để cấp dưới noi theo, ai cũng thực hiện tự phê bình và phê bình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường phê phán những người thực hiện không đúng nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Người phân tích: “Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà dấu bệnh. Không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết cũng  “la lết quả dưa”. Nói về từng người, nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm mà không chữa cho họ, nể nang mình, không dám tự phê bình để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình” (2).
 
Học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, những lời dạy bảo quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị, mỗi chi bộ, cán bộ đảng viên của Đảng, công nhân viên chức của Nhà nước phải thường xuyên nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình để không ngừng tiến bộ, bảo vệ những đảng viên, cán bộ và những người thẳng thắn đấu tranh chống các biểu hiện sai trái, tiêu cực, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất và tình thương yêu đồng chí, đồng nghiệp, đồng đội trong Đảng, trong đơn vị và toàn dân. Các đồng chí đảng viên là cán bộ lãnh đạo, có chức có quyền trong các đơn vị, ở các cấp phải thực sự gương mẫu trong việc tự phê bình và phê bình, sinh hoạt chi bộ, góp phần làm cho việc tự phê bình và phê bình thực sự trở thành động lực, mục tiêu, giải pháp nâng cao chất lượng chi bộ, chất lượng cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, để Đảng mãi mãi xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người  “đầy tớ” thật trung thành của Nhân dân./.

Hòa Bình
____________
(1), (2) Hồ Chí Minh toàn tập - NXB Chính trị Quốc gia 1996, trang 261.


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37036901