Truy cập hiện tại

Đang có 237 khách và không thành viên đang online

Sinh hoạt tư tưởng

Xây dựng Đảng từ gốc

(TGAG)- Từ Đại hội XI của Đảng trở về trước, công tác xây dựng Đảng bao gồm ba nội dung: Chính trị, tư tưởng và tổ chức. Xây dựng Đảng về đạo đức được hiểu nằm trong xây dựng Đảng về tư tưởng. Cách hiểu như vậy được nhìn nhận là chưa đầy đủ, vì xây dựng Đảng về đạo đức nằm trong công tác tư tưởng mới chỉ là ý thức đạo đức. Đạo đức còn bao gồm hành vi đạo đức, thực hành đạo đức và thực tiễn đạo đức. Từ nhận thức như vậy nên Đại hội XII của Đảng đã đặt ra nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với mục tiêu toàn diện là “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Lần đầu tiên, “xây dựng Đảng về đạo đức” đã được đưa vào Văn kiện Đại hội, là một bước tiến trong nhận thức của Đảng về công tác xây dựng Đảng, đã kế thừa và phát triển quan điểm Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng về đạo đức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà cách mạng đầu tiên nhấn mạnh việc xây dựng Đảng về đạo đức. Bằng tư duy biện chứng và chủ nghĩa nhân văn cao cả, công tác xây dựng Đảng về đạo đức được Người giải quyết hài hòa và tất cả đều hướng tới mục đích cuối cùng là xây dựng “văn hóa Đảng”, “văn hóa làm người” cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Bác luôn xem trọng cả đạo đức và tài năng, nhưng trong mối quan hệ đạo đức và tài năng thì Người xác định đạo đức là “gốc”, “người cách mạng nếu không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân”. Đạo đức là “gốc” của con người, nên xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng Đảng từ gốc và đây là nhiệm vụ then chốt của các nhiệm vụ then chốt.

Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Xây dựng Đảng về đạo đức có vai trò rất quan trọng đối với việc giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay, bởi vì đạo đức cách mạng là một thuộc tính bản chất của Đảng, là điều kiện để Đảng và mỗi đảng viên thực hiện và phát huy vai trò lãnh đạo đối với quần chúng.

Trong gần 90 năm, dù trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, gian khổ, Đảng vẫn giữ vững bản chất của một Đảng cách mạng chân chính, phần lớn cán bộ, đảng viên vẫn giữ vững đạo đức, phẩm chất cách mạng, “xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Tuy nhiên, Đảng cũng nhìn nhận và chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm trên lĩnh vực xây dựng Đảng về đạo đức, đó là: “Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn…”.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị xây dựng Đảng về đạo đức như: Nghị quyết Trung ương 4 về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị về “một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”, Quy định 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”..., đã tạo nên một xung lực mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng.

Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng đã dành nhiều thời gian, công sức, kiên trì lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đạt kết quả tích cực. Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của nhiều cán bộ, đảng viên. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên đạt được kết quả bước đầu. Việc xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cán bộ, đảng viên (cả đương chức và nghỉ hưu) vi phạm, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đã có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe và phòng ngừa sai phạm; giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi, tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chưa bao giờ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác xây dựng Đảng về đạo đức được quan tâm thực hiện toàn diện, đồng bộ và đạt nhiều kết quả như hiện nay. Đó là căn cứ niềm tin của chúng ta đối với Đảng, với sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo./.

Sự thật
---------------------------
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37049998