Truy cập hiện tại

Đang có 104 khách và không thành viên đang online

Sinh hoạt tư tưởng

Phê bình cũng phải có văn hoá

(TUAG)- Chuyện sếp phê bình nhân viên âu cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”. Có sai sót, khiếm khuyết thì mới bị phê bình, mà có phê bình mới tiến bộ được. Hẳn là thế, nhưng sao ở huyện nọ, anh chị em cứ “lời ra tiếng vào”, người nhẹ thì tức bực, người nặng hơn chút thì ức chế, thậm chí ghét bỏ cả sếp chỉ bởi cú “chốt hạ” phê bình, kiểm điểm, góp ý của người đứng đầu. Xét về lỗi, xét về hạn chế, ai cũng thừa nhận mình có lỗi, những hạn chế về năng lực, trình độ, khả năng đáp ứng yêu cầu đúng như nhận định của sếp. Ấy vậy thì cái cơn tức giận kia, cái cảm xúc ghét “đến điên lên” kia đến từ đâu?



Người quan sát góp nhặt lại những chia sẻ của “cánh” cấp dưới để lý giải căn nguyên, ngọn ngành.

- Nói thật với bác, vấn đề nó không nằm ở chỗ nội dung sếp phê bình, vì về cơ bản, sếp phê bình đúng, thậm chí rất đúng; mà ở chỗ cái lời nói lúc như châm chọc, lúc như bới móc của sếp. Nói đúng ra là ông ấy coi đối tượng góp ý, phê bình như cái lọ rỗng để trút giận ấy.

- Khiếp nhất là chị em được nghe sếp dùng các tính từ, động từ thuộc loại “cực mạnh” để “nắn chỉnh” khuyết điểm. Ông ấy nói như xỉa xói, khi thì tay chỉ thẳng mặt nhân viên, lúc lại đập bàn, trợn mắt.

- “Ấn tượng” hơn là cái giọng ầm ầm của ông ấy mỗi khi tức giận. Như hôm trước, vì sự cố điện nên micro ở huyện bị hỏng, vừa tan họp, sếp lao về văn phòng, mở cửa rồi đóng sầm lại tưởng gẫy cả bản lề, rồi một tràng các từ ngữ “kinh thiên động địa” được sếp lôi ra sa sả với mấy anh cán bộ cấp dưới. Mọi người gần như im bặt, toàn nghe tiếng sếp vang cả 4 tầng trụ sở huyện.

- Anh em chúng em ở dưới, cũng còn thiếu năng lực, hạn chế cũng nhiều, nhưng nỗ lực, cố gắng không phải là không có và cũng cần được trân trọng bác ạ, chứ ai đời sếp mà cáu là gần như phủ định sạch trơn. Anh em nào khéo léo thì đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, xum xoe với sếp, rằng “Sếp phê bình chí lý quá”. Ấy nhưng cánh chúng em, vốn cũng khô khan, thì ức nổ đom đóm mắt, lủi thủi đi về, kệ sếp với đám nịnh hót kia.

- Suýt nữa thì quên kể về cái kiểu vừa mắng, vừa “vỗ ngực” khoe trình độ của sếp. Nào là được đào tạo bài bản, làm việc cẩn thận chẳng sai cái gì bao giờ. Nào là bằng tuổi anh chị, tôi đã ở vị trí này, vị trí nọ. Nào là khi học trên tỉnh bao nhiêu chỗ giữ tôi lại, mà tôi không thích, nên tôi về huyện cống hiến, đào tạo lại các anh chị. Ai ngờ càng đào tạo càng ngu dốt, tệ hại hơn… Đấy bác xem, chúng em ngày nào cũng phải nghe “diễn văn” như thế.

- Có câu, “ghét ở cái thái độ” chính là chỗ này. Chúng em thừa nhận đúng là mình còn có lỗi, còn sai, còn hạn chế, nhưng cái cách sếp “hành hạ” nhân viên bằng lời lẽ “thô bạo” không khác gì một hình thức bạo lực tinh thần khủng khiếp, nó làm triệt tiêu hết cả bao hứng thú, nhiệt huyết, nỗ lực của đội ngũ cấp dưới. Thậm chí, nó làm cho chúng em chẳng còn tâm trí mà nghĩ tới sai sót của mình, chỉ còn lại “cục tức” to tướng trong đầu. Từ đó, tâm lý làm ít cho ít sai, từ chối cái khó, để tìm tới cái dễ, cốt hài lòng sếp, để khỏi phải nghe những lời mắng mỏ của ông ấy cho nó “lành”. Ấy là chưa kể vài ba anh chị em vì không chịu nổi, ức chế với kiểu “áp chế” này đã xin chuyển đi huyện khác, đơn vị khác đấy, bác ạ.

Người quan sát thắc mắc hỏi, sao không ai góp ý cho sếp, để sếp sửa, thì nhận được câu trả lời: Tính ông ấy nóng như lửa, lại vốn rất tự cao, chẳng để tâm lắng nghe lời nói chân thành, góp ý. Anh em đã từng lựa lúc sếp vui nhất để “đưa lời”, “mượn ý” nhưng rồi đâu vẫn hoàn đó. Đôi lúc, ông còn bào chữa với anh em rằng: “Nóng như thế mà việc vẫn còn chưa trôi nữa là nhẹ nhàng, tình cảm. Không khéo lại được đằng chân lân lên đằng đầu, mất hết cả cái uy lực của người làm lãnh đạo”.  

- Chúng em biết là với tư cách người đứng đầu, sếp phải điều hành, quản lý cho hiệu quả. Không ai phủ nhận năng lực, trình độ chuyên môn của ông ấy, nhưng mong muốn duy nhất của chúng em chỉ mong sếp điều chỉnh lại cách phê bình, góp ý, ứng xử với anh em dưới quyền cho hợp lý, hợp tình.

Ngẫm ra, cái mong muốn kia của mấy anh chị cán bộ huyện cũng là chính đáng. Uy lực cuả người lãnh đạo để cấp dưới “tâm phục, khẩu phục” suy cho cùng, phải xuất phát từ văn hoá lãnh đạo, trong đó có phần quan trọng của văn hoá phê bình. Phê bình không phải là sỉ vả, xúc phạm danh dự của nhau, càng không phải là miệt thị, lớn tiếng, quát tháo… mà phải là sự thể hiện tình cảm đồng chí chân thành, đúng mực và trong sáng. Phê bình với mục tiêu giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, giúp nhau tiến bộ, trưởng thành hơn. Phê bình phải có lý, có tình, nhìn nhận, đánh giá cả hai chiều ưu - khuyết điểm… Ở trường hợp này, phê bình của cấp trên với cấp dưới còn phải thể hiện cái tầm, cái tâm của người làm lãnh đạo. Phê bình để mỗi cá nhân tốt hơn, hoàn thiện hơn, để tập thể “mạnh hơn”, đoàn kết hơn, tiến tới hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.

Trở lại với ông sếp huyện kia, khi phê bình cấp dưới, ông đã đặt cái tôi lên quá cao, đặt cảm xúc, tâm trạng của mình lên trên hết, để “cả giận mất khôn”. Phê bình kiểu ấy không chỉ đi ngược lại với “văn hoá phê bình”, mà còn trực tiếp ảnh hưởng tới uy tín của cá nhân người lãnh đạo; ảnh hưởng tới sự đoàn kết, gắn bó của các cá nhân trong tập thể.

Kiểu phê bình “bạo lực tinh thần ấy” cần được chấn chỉnh ngay, mang lại một môi trường văn hoá cho công sở!

BTGTW
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39961912