Truy cập hiện tại

Đang có 89 khách và không thành viên đang online

Sinh hoạt tư tưởng

Giàu và nghèo

(TUAG)- Với người Việt, hầu như đều biết đến câu ca dao: “Nghèo nhân, nghèo nghĩa thì lo, nghèo tiền nghèo bạc chẳng cho là nghèo”. Nhưng, quả thực thì từ xưa tới nay, chữ "giàu - nghèo" vẫn thường chỉ được gắn với của cải, vật chất, còn chuyện giàu - nghèo về nhân cách, phẩm giá, uy tín và danh dự của mỗi con người có vẻ như bị lãng quên với nhiều người.

Hình minh họa.

Thời gian qua, những lùm xùm tranh luận trái chiều trên không gian mạng làm dậy sóng dư luận xã hội, nào là người ta khoe khoang về độ sang - hèn, giàu - nghèo và những hành vi ứng xử với tiền bạc mà không ít mối quan hệ từ bạn bè, đối tác lại trở thành tội đồ của nhau. Mạng xã hội trở thành công cụ để người ta kể tội, bóc phốt, tìm vết, truy lỗi và mạt sát lẫn nhau. Mọi thứ đều được mang ra phơi bày với bàn dân thiên hạ, thậm chí là những chuyện rất riêng tư...

Không gian mạng cho thấy việc tham gia đa chiều của đủ mọi thành phần trong xã hội, góp mặt vào những “câu chuyện thị phi” có cả những gương mặt của không ít người nổi tiếng, nghệ sĩ, đại gia, doanh nhân… mặc dù độ tin cậy của thông tin mới dừng lại chỉ một chiều bởi người cung cấp, nhưng nó đã gây giật mình cho không ít người, cho xã hội, cho cả công tác quản lý nhà nước. Những ồn ào thị phi này cũng gây bất ngờ về các góc khuất, những mảng tranh tối tranh sáng trong xã hội, cả những khủng hoảng hoặc thiếu lòng tin trong một số lĩnh vực, vấn đề nhất định. Thậm chí là những lỗ hổng, kẽ hở hoặc thiếu cơ sở pháp lý để quản lý các hoạt động tự phát của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc kêu gọi cộng đồng quyên góp làm từ thiện; những hành vi, phát ngôn cũng như văn hóa sử dụng mạng xã hội của cộng đồng…

Cơn lốc xoáy bóc mẽ lẫn nhau trên không gian mạng vừa rồi được cho là đều có nguồn cơn từ tiền, do tiền và mọi thứ đều liên quan đến tiền. Dư luận không phải là không có lý khi cho rằng: “Đồng tiền không dạy ta cách làm người, nhưng nó giúp ta làm rõ bản chất của một số người”. Nhận định này ít nhiều đã phản ánh mặt nào đó về cách ứng xử của con người với tiền bạc. Đúng là chuyện giàu - nghèo không chỉ phản ánh riêng vấn đề tiền bạc, nó còn là chuyện giàu - nghèo về nhân cách, phẩm giá, uy tín và danh dự của mỗi con người.

Hồi còn nhỏ, anh em tôi thường được ông nội kể về chuyện giàu - nghèo cho chúng tôi nghe. Vốn dĩ là nhà Nho nên ông nội tôi có thói quen từ tốn và bắt đầu câu chuyện bằng những câu hỏi, vì thế mà câu chuyện giàu - nghèo đối với những đứa cháu của ông không ai có thể quên. Ông tôi đặt câu hỏi: Theo các cháu, một người như thế nào được cho là giàu và ngược lại như thế nào bị cho là nghèo? Lúc bấy giờ, vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, mấy đứa chúng tôi, vì lớn nhỏ khác nhau nên nhận thức và hiểu biết cũng khác nhau, nhưng đều tranh nhau trả lời câu hỏi của ông theo cách hiểu khá đơn giản. Đứa thì trả lời thế này, đứa trả lời thế kia, nhưng tựu trung lại, các câu trả lời cơ bản đều đề cập đến sở hữu vật chất, của cải mà thôi. Nào là người có nhiều tiền của, có ti vi, tủ lạnh, honda (xe gắn máy), nhà to, nhà đẹp, được ăn no, ăn ngon và mặc đẹp, có nhiều quần áo là giàu…

Những câu trả lời giản đơn và hồn nhiên của chúng tôi được ông nội xác nhận là không sai, vì đó cũng là một thực tế. Ông tôi giải thích thêm, cho dù ở xã hội thời nào cũng vậy, vấn đề giàu - nghèo bao giờ cũng minh chứng cho việc sở hữu, và sở hữu đó có thể là tài sản, của cải hoặc những giá trị khác. Và trong xã hội phong kiến trước đây, cái giàu thường được gắn với chữ sang, còn cái nghèo lại đi đôi với hèn, nhất là cái thời của ông nội tôi, hơn nửa cuộc đời sống trong xã hội mà cái giàu được biểu thị qua sở hữu ruộng đất, vật nuôi, cây trồng và những người làm công, làm thuê. Vì thế mà cái giàu luôn thuộc về tầng lớp vua chúa, quan lại, tư sản, địa chủ, còn cái nghèo thì cơ bản thuộc về tầng lớp nhân dân lao động, dân thiếu ruộng cày, thiếu phương tiện, công cụ để sản xuất cấy trồng...

Đó là xét về góc độ vật chất, người ta có thể lượng hóa giàu - nghèo theo sở hữu và các tiêu chí của xã hội cùng thời, cũng như phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi cá nhân trong xã hội đó. Tuy nhiên, người xưa còn đề cập vấn đề giàu - nghèo gắn với nhiều yếu tố khác liên quan đến hành vi, văn hóa của con người. Và chuyện giàu - nghèo được các bậc tiền nhân đề cập đến có tới năm thứ giàu và ngược lại là năm thứ nghèo: Thứ nhất là giàu sức khỏe, thứ hai là giàu trí tuệ, thứ ba là giàu con cái, thứ tư là giàu tình cảm và nhân cách, thứ năm là tiền của, vật chất. Người nào sở hữu càng nhiều trong năm thứ đó thì được cho là giàu và tất nhiên thiếu thứ gì thì nghèo thứ đó. Có điều, lúc bấy giờ đa số người ta đều cho rằng “đại phú do thiên”, tức là do “trời phú”, hay nói cách khác là do “số phận” của mỗi con người, chứ sự cố gắng, nỗ lực tự thân của mỗi người chưa được đánh giá cao.

Mặc dù giàu - nghèo được gắn với việc sở hữu của cải vật chất là chính, nhưng người xưa đã coi trọng và đề cập tới năm thứ giàu và nghèo, tức là ngoài vật chất của cải thì vấn đề giàu - nghèo liên quan đến các giá trị tinh thần, văn hóa, nhân cách của con người cũng được coi trọng không kém tiền bạc. Tuy có những thứ khó có thể cân đong, đo đếm như của cải, tiền bạc, nhưng qua biểu đạt hành vi…, bằng cảm nhận người ta hoàn toàn có thể nhận biết được sự giàu - nghèo về sức khỏe, trí tuệ và tình cảm cũng như nhân cách của người đối diện khi tiếp xúc. Vì thế, xét trên phương diện tiền bạc, vật chất, không nhất thiết cứ giàu là sang, cứ nghèo là hèn. Thực tế, trong xã hội hiện đại ngày nay, có những người giàu tiền của, vật chất nhưng chưa chắc đã sang, ngược lại có những người nghèo tiền của vật chất nhưng chưa chắc đã hèn.

Nhân câu chuyện giàu - nghèo, hãy nhìn cách ứng xử trong cuộc sống. Có biết bao câu chuyện dạy cho chúng ta những bài học về nhân cách, bài học nhận thức về giàu - nghèo. Có thể họ không giàu về tiền của nhưng lại giàu về nhân cách. Đó là câu chuyện của cụ bà Mơ hơn 80 tuổi ở Thanh Hóa xin trả lại hộ nghèo; hay hành động nhường cơm sẻ áo, mớ rau, chục trứng… của người dân gửi tới lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19; những cây ATM gạo nhằm chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; tặng 4.5 tỷ đồng vào Quỹ mua vắc-xin phòng chống dịch COVID-19 của một gia đình ở Hải Dương… Tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm với xã hội, với đất nước còn vô số những việc làm, nghĩa cử cao đẹp trong cộng đồng. Những hành động này không chỉ tiếp sức về vật chất, sự động viên tinh thần vô giá của đồng bào, còn nói lên truyền thống đoàn kết tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh những nghĩa cử cao đẹp thì vẫn còn những hình ảnh, việc làm xấu xí, những khuyết tật về nhân cách… của không ít người trong xã hội, nhất là những “quan tham”. Từ những vụ án tham nhũng, tiêu cực, lãng phí cho thấy những kẻ “ăn trên ngồi trốc” thật không biết xấu hổ, không có liêm sỉ đến mức có những cán bộ, đảng viên mặc dù không hề nghèo về tiền của nhưng cứ hở ra là vơ vét, trơ trẽn đến nực cười bởi những câu chuyện dê, bò, tiền… đi nhầm, lạc vào nhà quan. Cá biệt có những cán bộ, đảng viên tự cho mình vào danh sách hộ nghèo, hộ được cứu trợ để nhận tiền trợ cấp, vật phẩm từ thiện…

Soi vào những việc làm cụ thể, có lẽ một số người sẽ thấy mình nghèo về nhân cách và phẩm giá, nghèo cả uy tín và danh dự… Còn với những lùm xùm trên mạng xã hội, cho đến trước khi mọi việc được làm sáng tỏ, dư luận vẫn có quyền đặt ra hàng loạt câu hỏi: Có hay không việc lợi dụng sự tín nhiệm của cộng đồng để kêu gọi ủng hộ đóng góp cho việc từ thiện của một số cá nhân? Có hay không sự lừa gạt, gian dối trong việc thu tiền khám chữa bệnh nhưng lại được quảng cáo là miễn phí của những “thần y”? Có hay không việc thu gom và bán hàng quá hạn sử dụng, hàng cũ, kém chất lượng cho các tổ chức cá nhân có hoạt động từ thiện…? Nếu những việc bị tố này là sự thật thì những thủ đoạn của các đối tượng cho thấy bản chất giàu - nghèo không đơn thuần chỉ là chuyện tiền bạc.

Tuy nói đến giàu - nghèo, phần lớn người ta vẫn nghĩ ngay đến vấn đề sở hữu của cải, vật chất, chứ mấy ai nghĩ tới các vấn đề khác, mặc dù chữ giàu - nghèo còn được gắn với nhiều hoạt động khác trong đời sống văn hóa - xã hội… Với người Việt, hầu như đều biết đến câu ca dao: “Nghèo nhân, nghèo nghĩa thì lo, nghèo tiền nghèo bạc chẳng cho là nghèo”. Nhưng, quả thực thì từ xưa tới nay, chữ giàu - nghèo vẫn thường chỉ được gắn với của cải, vật chất, còn chuyện giàu - nghèo về nhân cách, phẩm giá, uy tín và danh dự của mỗi con người có vẻ như bị lãng quên với nhiều người.

Để tránh những sự việc tương tự không xảy ra tiếp sau này, thiết nghĩ, cơ quan chức năng quản lý nhà nước cũng nên rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các hoạt động kêu gọi ủng hộ, quyên góp từ thiện cũng như các hành vi sử dụng mạng xã hội; điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để kịp thời quản lý hiệu quả các hoạt động này.

Quan trọng hơn, mỗi người dân chúng ta cần có trách nhiệm với cộng đồng xã hội và với chính mình về các hoạt động trong xã hội, kiểm soát mục đích, điều chỉnh hành vi của mình nhằm đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đúng với các chuẩn mực, đạo đức xã hội để làm cho mỗi người không chỉ ngày càng giàu về của cải vật chất mà còn giàu về nhân cách và phẩm giá./.

Khắc Trường - Nguồn: ĐCSVN
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40553035