Truy cập hiện tại

Đang có 125 khách và không thành viên đang online

Cần hiểu đúng về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

(TGAG)- Có người nói như rất am tường: “Làm gì có cái gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, “kinh tế thị trường là gắn với chủ nghĩa tư bản”, “là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản”, đưa thêm “định hướng xã hội chủ nghĩa” vào là một sự gán ghép khiên cưỡng; vừa lựa chọn kinh tế thị trường vừa muốn có chủ nghĩa xã hội là tham lam, “bắt cá hai tay”, “trộn lửa với nước”.

Từ đó, ra sức bài xích, phủ nhận vấn đề này. Gần đây lại nói: “kinh tế tư nhân lẫn kinh tế nhà nước gọi chung là kinh tế quốc dân không có kinh tế nào là chủ đạo cả”... Phát biểu kiểu như vậy và thỉnh thoảng có viện dẫn học thuyết này, lý luận nọ... mà rất nhiều khả năng họ chưa từng đọc đàng hoàng!

Kinh tế thị trường hình thành và phát triển dưới chủ nghĩa tư bản. Trong đó đương nhiên do quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa và kiến trúc thượng tầng - chủ yếu là nhà nước tư sản chi phối. Điều này thật dễ hiểu! Nhưng từ đó suy ra, kinh tế thị trường là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản là không đúng! Không hiểu “quá trình lịch sử tự nhiên của sự hình thành, phát triển kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường...

Còn nói: “kinh tế tư nhân lẫn kinh tế nhà nước gọi chung là kinh tế quốc dân không có kinh tế nào là chủ đạo cả”. Thực tế không phải như vậy! Vai trò của kinh tế nhà nước nói riêng, nhà nước nói chung đã được làm rõ từ lâu. P.Samuelson (giải Nobel về kinh tế) khẳng định trong “Lý thuyết về nền kinh tế hỗn hợp”: Phải dựa vào cả “bàn tay vô hình” và “bàn tay nhà nước”, “Không thể vỗ tay chỉ với một bàn tay”... Cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây, nhất là tại Hoa Kỳ càng làm rõ thêm điều đó.

Nhưng cũng cần hiểu rằng, nói kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo hoàn toàn không có nghĩa là dành mọi ưu đãi phi cạnh tranh cho thành phần kinh tế này. Thực tế đâu đó vẫn còn tình trạng này. Nó chính là tàn tích của cơ chế cũ! Còn việc các thành phần kinh tế khác khó tiếp cận với các nguồn lực phát triển cũng có nguyên nhân như vậy...

Đảng ta nói rõ: kết quả triển khai, thực thi thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn hạn chế, chưa tạo được đột phá lớn trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển. Quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ; môi trường đầu tư, kinh doanh không thật sự bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Giá cả một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chưa thật sự tuân theo nguyên tắc thị trường. Doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, chưa thể hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước...

Vì vậy, phải tiếp tục thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất... Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh...

Theo cam kết khi gia nhập WTO, Việt Nam chấp nhận bị coi là nền kinh tế phi thị trường trong 12 năm tức là không muộn hơn 31/12/2018. Tuy nhiên, trước thời điểm trên, nếu chứng minh được với đối tác nào là kinh tế Việt Nam hoàn toàn hoạt động theo cơ chế thị trường thì đối tác đó ngừng áp dụng chế độ “phi thị trường” đối với Việt Nam. Chế độ “phi thị trường” chỉ có ý nghĩa trong các vụ kiện chống bán phá giá. Và các thành viên WTO không có quyền áp dụng cơ chế tự vệ đặc thù đối với hàng xuất khẩu Việt Nam dù bị coi là nền kinh tế phi thị trường. Đến nay, 59 quốc gia đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong đó có Nhật Bản và Úc.

Chưa có, không bao giờ có kinh tế thị trường phi định hướng! Không đồng ý vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, tuyệt đối hóa kinh tế tư nhân, là nhằm xóa bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa, tiến tới xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

SỰ THẬT
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40555134