Truy cập hiện tại

Đang có 227 khách và không thành viên đang online

Xây dựng nông thôn mới

Đến năm 2020 An Giang có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

(TGAG)- Ngày 4/12, đoàn công tác của Ban Chi đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do Thứ trưởng Bộ Y tế, Phạm Lê Tuấn, thành viên Ban Chi đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới làm trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh An Giang về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2017.


Năm 2017, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh An Giang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 138,02 tỷ đồng; riêng nguồn vốn đối ứng của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020, là 567,918 tỷ đồng; bên cạnh đó tỉnh An Giang còn phát huy nội lực trong nhân dân, huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, mạnh thường quân trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, toàn tỉnh có 21/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân chung toàn tỉnh đạt 12,39 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 6 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt khoảng 37,3 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm xuống còn 6,75% năm 2016, theo chuẩn nghèo mới của Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội.

Tuy nhiên trong quá trình xây dựng nông thôn mới, An Giang còn có những hạn chế nhất định. Đó là, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ và phân tán; chất lượng nông sản hàng hóa nhìn chung còn thấp, sức cạnh tranh còn kém. Tỷ trọng khu vực nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hệ thống giao thông vùng và trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ. Thu hút đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn còn hạn chế. Tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn, hàng hóa và theo chuỗi giá trị chậm được đổi mới; mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, nhưng chậm được nhân rộng. Tỷ lệ hộ nghèo tuy có giảm nhưng thiếu tính bền vững, tình trạng phát sinh nghèo, tái nghèo còn cao. Một số xã có tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao, nhất là các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi cho biết, trong những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là xuất phát điểm mức độ đạt tiêu chí nông thôn mới ở nhiều xã còn thấp và trong điều kiện ngân sách nhà nước có hạn, nhưng được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, điều hành của UBND tỉnh, sự phối hợp và quyết tâm của cả hệ thống chính trị nhất là sự đồng tình ủng hộ của người dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh An Giang đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng trong toàn xã hội, nhiều xã mức độ đạt tiêu chí nông thôn mới tăng... với những thành công đó, An Giang phấn đấu đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, thành viên Ban Chi đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đánh giá cao đối với một tỉnh biên giới có đông đồng bào dân tộ như An Giang, một số chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã tương đồng với cả nước, đó là nỗ lực rất lớn của tỉnh; nhất là nâng cao thu nhập cho người dân các xã xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, giảm tỷ lệ hộ nghèo… 


Đồng chí Phạm Lê Tuấn đề nghị tỉnh cần nghiên cứu, quan tâm hơn đến vấn đề xử lý rác thải, nước thải ở khu vực nông thôn, tăng tỷ lệ sử dụng bảo hiểm y tế trong nhân dân; quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng, sức khỏe cho nhân dân nhất là trẻ em và người cao tuổi. Bên cạnh đó, An Giang sớm có các giải pháp phù hợp để giữ vững và nâng chất ở các xã nông thôn mới.

Đoàn cũng ghi nhận những đề xuất của tỉnh An Giang như tiêu chí 18.6 về bình đẳng giới; cơ chế vốn, nguồn kinh phí cho việc đầu tư, phát triển lưới điện vùng nông thôn,…

Trước đó, đoàn đã kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn./.

Công Mạo

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40208027