Truy cập hiện tại

Đang có 37 khách và không thành viên đang online

Nhịp cầu Tuyên giáo

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968

(TGAG)- Sáng ngày 05/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Báo cáo viên thường kỳ tháng 12/2017 bằng hình thức trực tuyến. Đồng chí Lê Hồng Khâm, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị.


Hội nghị được trực tuyến đến 11 điểm cầu ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với trên 600 đại biểu tham dự.

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe đồng chí Đặng Hoài Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh thông tin chuyên đề: Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968 - 2018); đồng chí Cao Quang Liêm, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thông tin về tình hình Triều Tiên thời gian gần đây.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là một chủ trương chiến lược đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta, có ý nghĩa lịch sử to lớn, mở ra cục diện mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, quân và dân cả nước đã đánh vào 4 trong 6 thành phố lớn, 37 trong số 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 trong 11 bộ tư lệnh sư đoàn quân đội Sài Gòn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ cùng nhiều bộ tư lệnh lữ đoàn, trung đoàn, chi khu và hàng trăm căn cứ quân sự địch bị tiến công đồng loạt. Chúng ta tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn quân địch, trong đó có 4 vạn quân Mỹ, 600 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã với hơn 1,6 triệu dân.

Cùng với cả nước, Mùa nước năm 1967, Tỉnh ủy An Giang nhận được chỉ đạo của Khu 8 chuẩn bị mọi mặt để chuyển sang tổng công kích vào ngay hậu phương địch, kết hợp quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Quân dân An Giang tích cực chuẩn bị lực lượng cho chiến dịch với tinh thần quyết tâm, khẩn trương, bí mật. Tỉnh chủ trương tăng cường lực lượng cho các huyện, thị trọng điểm như: Thị xã Châu Đốc, thị xã Long Xuyên, huyện Tân Châu, An Phú, Tri Tôn... Chọn Châu Đốc là điểm trọng tâm chiến lược.

Tại Thị xã Châu Đốc, địch có trên 2.000 quân, nhiều xe bọc thép, giang thuyền và các cụm hỏa lực ngoại vi như: Núi Sam, An Phú, Đồng Ky, sân bay Châu Đốc... Địch đánh giá thấp lực lượng cách mạng An Giang, ỷ lại vào hệ thống bố phòng chặt chẽ nên dù biết tin Tây Nguyên bị đánh vào tối ngày 29/01/1968, bọn chỉ huy của Châu Đốc vẫn nghỉ ngơi, vui chơi ngày mùng Một Tết, trong lúc quân giải phóng An Giang đã vào vị trí xuất phát.

Đêm 30 Tết, lễ xuất quân được tổ chức trọng thể tại núi Dài lớn. Trong đêm, Ban chỉ huy chiến dịch cùng cơ ngành tỉnh, lực lượng vũ trang, dân công hành quân về Thới Sơn (Tịnh Biên) trong tiếng pháo đón giao thừa rộn rã. Trinh sát tỉnh phối hợp với địa phương quân huyện, du kích Thới Sơn bung ra khống chế đồn bót địch. Tối mùng 1 Tết, toàn bộ lực lượng hơn 2.000 người hành quân thần tốc đến điểm tập kết “chòm gáo cò kêu” cách thị xã Châu Đốc khoảng 2km.

2 giờ sáng ngày 31/01/1968 (mùng 2 Tết), quân giải phóng nổ súng tấn công thị xã Châu Đốc. Đồng chí Ba Bên bắn quả DKZ 75 thủng lô cốt địch trên đường Thủ Khoa Huân, dập tắt hỏa lực nơi này. Quân ta tràn lên tấn công các hướng từ đồn Quân cảnh đến trại Thượng Đăng Lễ (tiểu khu Châu Đốc). Chỉ qua vài giờ chiến đấu, ta gần như làm chủ Thị xã. Đến sáng, địch chỉ còn giữ được dinh Tỉnh trưởng, thành PC và nhà Phủ Vị (nơi đóng quân của Đại đội bảo an 686) chờ viện binh tiếp cứu.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân An Giang đã giáng một đòn bất ngờ vào quân địch, Châu Đốc với phạm vi của chiến dịch trải rộng trên 1 thị xã, 5 thị trấn, 50 xã khiến địch phải bị động đối phó. Đây là lần tấn công thứ ba của quân giải phóng vào Châu Đốc với một lực lượng lớn chưa từng có, địch bị động để Châu Đốc trở thành một trong hai nơi bị thiệt hại nặng nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long.



Phát biểu định hướng tuyên truyền thời gian tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Hồng Khâm đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung tuyên truyền: khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ trong đường lối cách mạng Việt Nam; tuyên truyền về thắng lợi, ý nghĩa cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, trong đó có sự đóng góp to lớn của quân và dân ta. Khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng, lòng tự hào dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới đất nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Các địa phương, đơn vị để tổ chức các hoạt động phù hợp, như: hội thảo, tọa đàm, gặp mặt truyền thống, chăm lo Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng… gắn với các hoạt động hướng tới kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng, mừng Xuân Mậu Tuất và các ngày lễ, sự kiện chính trị.

Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, tuyên truyền kỳ họp lần thứ 6, Hội đồng nhân dân tỉnh. Tuyên truyền về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018.

Tuyên truyền việc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, trên cơ sở Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Hướng dẫn của Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, các địa phương, đơn vị chuẩn bị các văn bản để việc học tập, triển khai các Nghị quyết được thiết thực, hiệu quả.

Các cơ quan báo chí trong tỉnh cần xây dựng chuyên mục, chương trình, kế hoạch để tổ chức tuyên truyền nhằm thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các phong trào thi đua yêu nước./.

Quốc Hùng
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40407387