Truy cập hiện tại

Đang có 41 khách và không thành viên đang online

Nồi bánh tét ngày Tết của Mẹ

(TUAG)- Chẳng biết tự bao giờ món Bánh tét luôn được xuất hiện trong mâm cỗ ngày Tết của người dân Nam Bộ. Tôi nhớ hồi còn tung tăng cặp sách thời trung học, chờ mỗi dịp tết đến, xuân về mới được xem Mẹ gói bánh tét để cúng ông bà và biếu họ hàng gần xa. Ngày nay, có điều kiện hơn nên món ăn này không cần chờ đến ngày Tết mới được ăn, mà chỉ cần cầm điện thoại lên và gọi: “Mẹ ơi, con thèm ăn bánh tét…”. Mấy hôm sau sẽ được thỏa cơn thèm ngay với đòn bánh to béo ú ụ đặc trưng của Mẹ…


Mẹ tôi… là một người phụ nữ có gương mặt hiền dịu, thích sự sạch sẽ và gọn gàng của gian bếp. Mẹ luôn luôn tất bật với công việc quanh căn bếp của mình, hết dọn dẹp thì đến nấu ăn cho cả nhà, thời gian của mẹ ở căn bếp chiếm khá nhiều trong ngày, niềm đam mê ấy đã dần nâng cao tay nghề nấu ăn của Mẹ.

Gia đình tôi có ba anh em, chúng tôi đều đã lập gia đình và có nhà ở ổn định. Ba tôi là cán bộ về hưu, sau bao năm vất vả giờ Ba Mẹ tôi vẫn gắn bó bên nhau, điều đó thật đáng trân quý... Tôi may mắn là khi lập gia đình ra ở riêng vẫn được ở gần nhà Mẹ, vậy nên tôi thường xuyên được Mẹ nấu cho mấy món khoái khẩu… Thật không gì bằng khi còn Mẹ ở bên!…

Các món ăn đặc biệt của mẹ dù tôi có vận dụng đúng công thức mẹ truyền nhưng hương vị đặc biệt từ bàn tay mẹ làm vẫn tròn vị, đậm đà khó quên, như món thịt ba rọi kho trứng cút, cứ Mẹ nấu là miếng thịt cứ thơm ngon đến lạ, vừa mềm vừa béo. Món bánh xèo thì ta nói dòn dòn béo béo chấm với nước mắm chua ngọt của Mẹ thì không còn gì để tả. Rồi tới món bánh ích trần mặn yêu thích của tôi cũng được Mẹ chế biến cùng tình yêu thương con bao la vô tận… đặc biệt nhất trong các món mẹ nấu là món Bánh tét và người nhóm ngọn lửa hừng hực nấu chín những chiếc bánh to ú ụ của Mẹ đó là Ba tôi…


Ngoài những dịp giỗ ông bà Nội Ngoại, cứ thèm ăn là bà tiên mang tên Mẹ không ngại nắng mưa hay ngày đêm cũng tất bật chuẩn bị cho con cho cháu những chiếc bánh thơm ngon béo ú, mỗi đòn bánh nặng cả kilogam, ăn một lần cho đã vài tháng rồi gọi mẹ à mẹ ơi… Vậy đó, mà cứ đến ngày Tết, thì Mẹ cũng cứ phấn khởi chuẩn bị tươm tất nồi bánh tét cho các con kịp cúng đêm 30, rồi là biếu tặng mấy cô dì, chú bác… tuy vất vả nhưng mẹ đã có trợ thủ đắc lực là Ba, người tiên phong cột bánh và canh lửa cho đến khi bánh chín. Như hàng năm, năm nay vẫn là ngày 30 tết, mẹ đã chuẩn bị sẵn mớ lá chuối, loại vật liệu không thể thiếu khi làm món bánh tét. Công đoạn lau sạch lá chuối cũng rất cần sự tỉ mỉ, vì phải cắt lá vừa chiếc bánh Mẹ dự định gói, rồi nào là lá gối hai đầu bánh cho nước không thấm được vào trong… lá phải được lau sạch cả hai mặt, lau nhẹ nhàng tránh làm rách lá. Ngoài ra thì cần có dây bàng để nịt lại khoảng 10 vòng mới thành chiếc bánh Tét Nam bộ.

 Đến phần nhân, tôi thấy mẹ ngâm, nấu đậu xanh cho chín, sau đó nêm nếm gia vị rồi để nguội bớt nắn thành một cây nhân vừa tròn vừa dài dài theo đòn bánh tét. Còn nếp thì mẹ ngâm trước đó vài tiếng đồng hồ, sau đó vớt ra gút khô nước rồi cho lên bếp xào với nước cốt dừa cùng nước cốt lá dứa cho hạt nếp thấm vị và se lại, khi thành phẩm chiếc bánh vừa dẻo vừa béo, có màu xanh và thơm. Mỗi đòn bánh tét ngoài nếp, một cây nhân đậu xanh, còn có thịt ba chỉ heo được nêm nếm vừa khẩu vị gia đình với các loại gia vị riêng của Mẹ, phần nhân bánh mẹ thường cho nhiều nên đòn bánh tét khi thành phẩm nó to ú ụ, tròn béo và ăn kèm với dưa kiệu của mẹ làm nữa thì ngon tuyệt cú mèo. Nảy giờ theo chân mẹ để tìm ra bí kíp ướp phần nhân thịt tại sao vừa thơm mà vị cũng vừa ăn, phần thịt sống nên không nêm nếm gì được, vậy mà cứ ăn là vị vừa ngon, phải xin bí kíp mới được. Mẹ mẹ ơi, nêm nếm gia vị gì cho con coi với… “cái con nhỏ này, coi bao nhiêu lần rồi mà vẫn chưa nhớ à, phải chú ý muốn ướp thịt thơm ngon thì bầm hành tím, ướp chung cùng với gia vị và hạt tiêu, như vậy thịt sẽ thấm vị và thơm ngon hơn, do cả nhà mình đều thích vị như vậy nên mẹ cứ như vậy mà làm, còn tùy mỗi gia đình thì sẽ có cách nêm nếm gia vị riêng…”.


Khi đã chuẩn bị xong phần nguyên liệu, mẹ bắt tay vào gói bánh. Đến công đoạn cột bánh, nhiệm vụ này được ba đảm nhận trong suốt nhiều năm qua, cứ mỗi dịp mẹ gói bánh tét là ba có dịp cột bánh bằng dây bàng, đôi bàn tay của một cán bộ về hưu cứ thoăn thoắt cột, rồi nắn ra đòn bánh tét béo ú, vừa vặn để không cho bánh bị vỡ ra trong quá trình nấu trên lửa lớn sôi sùng sục suốt 5 đến 6 tiếng đồng hồ. Trong lúc mẹ loay hoay chuẩn bị phần nhân bánh thì lúc đó ba cũng đã thiết kế xong một cái bếp để nấu bánh. Đó là đào một cái hố nhỏ, tìm mấy ba cục đá kê thành một cái bếp phía sau nhà và tìm một mớ gốc củi khô để nấu bánh và thức canh châm nước vào nồi bánh tét đến tận khuya.

Khi hoàn thành cột bánh là cho bánh vào luôn nồi nước đang sôi để bánh không bị nông nước. Tranh thủ lúc ba nghỉ tay ra chụm lửa cho nồi nước sôi, tôi theo sau xin phỏng vấn kinh nghiệm canh lửa xuất sắc của ba, không khi nào bánh bị nín hay bị quá lửa. Ba ba ơi, muốn nấu bánh vừa chín không bị quá mềm thì cần canh lửa như thế nào vậy ba... “Muốn cho bánh chín ngon thì lúc đầu nên nấu lửa mạnh cho nước sôi khoảng hai tiếng đồng hồ đầu, cho đều lửa cho nếp nở, sau đó nấu lửa vừa từ từ, khoảng 5 tiếng thì ngưng lửa, còn than vẫn để hầm đó chờ từ 30 phút đến 1 tiếng sau thì hãy vớt ra…”.

Thời gian nấu bánh còn tùy thuộc vào chiếc bánh to hay nhỏ để canh thời gian, không nấu quá lâu sẽ làm vỡ bánh, bánh bị nông nước sẽ mau thiêu. Đòn bánh bự của Mẹ thì Ba sẽ canh lửa khoảng hơn 5 tiếng, sau đó vớt ra rồi treo lên cho bánh dẻ lại, như vậy bánh ăn mới dẻo ngon.


Vậy là một năm mới nữa đã về trước sân nhà, thật vui khi Ba Mẹ vẫn bên chúng con, gia đình cùng nhau sum vầy bên bếp lửa nồi bánh Tét ngày Tết của Mẹ thật bình dị, ấm áp và đầy tình yêu thương. Nhân dịp trước thềm năm mới, Giáp Thìn 2024. Kính chúc mọi người, mọi nhà một năm mới nhiều sức khỏe và tài lộc đầy nhà, ai ai cũng sum vầy, hạnh phúc và bình an...

Chiếc Bánh tét hay còn gọi là Bánh Tết nhìn giản đơn nhưng thấm đẫm nhiều ý nghĩa mong muốn gia đình luôn sum vầy, ấm no. Vì vậy theo phong tục ngày Tết, cứ tối 29, 30 Tết cả gia đình cùng thức khuya canh lửa nồi bánh, vừa nâng ly cùng nhau đón giao thừa, tạo nên không khí ấm cúng, sung túc của ngày Tết Việt Nam.

Hồng Đăng
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40407301