Truy cập hiện tại

Đang có 176 khách và không thành viên đang online

Nhịp cầu Tuyên giáo

Công tác tuyên giáo của Đảng - những câu chuyện bổ ích

(TGAG)- Kỷ niệm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930- 1/8/2017).
87 năm trước, ngày 01/8/1930, Ban Cổ động tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho xuất bản tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 1/8” nhân kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ liên bang Xô- viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với nhân dân, hưởng ứng cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc. Ngày 01-8 đã trở thành một mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sau đó được chọn làm Ngày truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng.

87 năm trôi qua, đã có biết bao thế hệ cán bộ làm công tác tuyên giáo từ những ngày gian khổ khó khăn khi Đảng ta còn hoạt động bí mật đến giai đoạn khốc liệt của các cuộc chiến tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong hòa bình. Từng ấy thời gian qua đi, có biết bao nhiêu những câu chuyện cảm động, bổ ích về công tác tuyên giáo đã và sẽ trở thành bài học quý cho hôm nay và mai sau.

Đồng chí Trần Trọng Tân, Nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương kể rằng khi đồng chí đi tuyên truyền cho đồng bào thiểu số ở Quảng Trị, lúc nói về tiêu chuẩn người đảng viên mà nói như Điều lệ đồng bào sẽ không hiểu nên dùng cách giải thích: Đảng viên của Đảng phải là người ba giỏi: sản xuất giỏi, đánh giặc giỏi và nói giỏi cho dân đoàn kết đánh Tây cứu làng. Khi giải thích tại sao chi bộ phải cần có 3 đảng viên. Đồng chí đã lấy 3 cục đá và một cái nồi và hỏi: Nếu một cục đá có đặt nồi nấu cơm được không? Không được. Nếu để 3 cục đá thì mới bắc được nồi cơm. Vì vậy, chi bộ đảng phải có ít nhất ba người mới thành một tổ chức vững.

Công tác tuyên giáo không phải công tác của riêng những người làm tuyên giáo mà đó là công tác của Đảng, của cả hệ thống chính trị, mỗi đảng viên phải có trách nhiệm làm công tác tuyên giáo. Đồng chí Hữu Thọ, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương kể lại có người hỏi ông làm tuyên giáo từ bao giờ, ông trả lời “Tôi làm công tác tư tưởng từ khi đứng trong hàng ngũ của Đảng…vì đã là đảng viên thì có trách nhiệm làm công tác tư tưởng, vận động quần chúng”. Đồng chí cũng kể rằng có lần đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách nông nghiệp khi ấy đã hỏi “Đi tìm và viết về tiên tiến thì các cậu thử thảo luận xem điển hình tiên tiến là gì?”. Và sau đó đồng chí rút ra kết luận, một việc thường làm nhưng lại không dễ hiểu kỹ nên đã có nhiều ý kiến khác nhau.

Công tác tuyên giáo có trách nhiệm liên hệ mật thiết với trí thức cũng như tập hợp và phát huy vai trò của trí thức. Bởi vậy, người làm công tác tuyên giáo trước hết phải là người có tâm, có tầm và biết trân trọng trí thức. Đồng chí Phạm Quang Nghị- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư thành ủy Hà Nội kể lại rằng khi phụ trách công tác tư tưởng của Đảng, đồng chí Đào Duy Tùng - Ủy viên Bộ Chính trị giao cho Viện Triết học dịch một số bài viết của Giáo sư Trần Đức Thảo ra tiếng Việt. Một vị lãnh đạo đáng kính của Viện Triết học đã nói rằng “Anh báo cáo với đồng chí Đào Duy Tùng là không nên mất thì giờ với những bài viết của ông Thảo”. Khi đồng chí về báo báo cáo lại nguyên văn cho đồng chí Đào Duy Tùng nghe, ông nhẹ nhàng nói “Nếu như đó là những bài viết của ông ấy, mà cũng bị ai đối xử như thế, thì ông ấy sẽ suy nghĩ ra sao”.

Đồng chí Đào Duy Quát, Nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa- Trung ương kể rằng khi cha ông, đồng chí Đào Duy Tùng được giao làm Tổ trưởng Tổ biên tập báo cáo chính trị Đại hội VI của Đảng, cha ông nhận thấy nội dung trong Báo cáo Chính trị có nhận định “Đường lối kinh tế Đại hội V đúng nhưng tổ chức thực hiện sai” nhưng khi đưa xuống lấy ý kiến các địa phương và ngành lại không được nhiều người đồng ý. Cha ông đã chuyển những nội dung đường lối kinh tế Đại hội V thành các câu hỏi và xin ý kiến đánh giá của 1000 cán bộ hợp tác xã, giám đốc các xí nghiệp và lãnh đạo địa phương (phiếu trả lời không phải ghi tên). Sau khi tổng kết được kết quả, Bộ Chính trị có được thông tin nên đã thống nhất đi đến nhận định: Có một số sai lầm trong các chủ trương chiến lược phát triển kinh tế của Đại hội V và đi đến quyết định lịch sử trong đường lối Đại hội VI: Đổi mới kinh tế là một trọng tâm. Và ông rút ra kết luận “Muốn nghiên cứu lý luận tốt, phải gắn chặt với tổng kết thực tiễn. Muốn tổng kết tốt thực tiễn, phải nhìn thẳng vào sự thật, mà đặc biệt phải lắng nghe, tổng hợp được trí tuệ của nhân dân”.

Đồng chí Sao Vàng, tức Nguyễn Chiến Thắng, Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long cho rằng đứng trước những vấn đề mới nảy sinh phức tạp, công tác tuyên giáo phải kịp thời tham mưu cho cấp ủy, phải có dự báo sớm những vấn đề và đề xuất, ngăn chặn, có giải pháp xử lý. Công tác tư tưởng phải gắn bó với thực tiễn. Trước mọi tình huống của cuộc sống, công tác tư tưởng phải xông vào nơi khó, nơi nhạy cảm để nắm bắt tình hình, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Đồng chí kể lại rằng khi mô hình tập đoàn làm ăn không hiệu quả, dân xã Quới Thiện (Vũng Liêm) thiếu gạo ăn nhưng huyện chỉ đạo tập đoàn kiên định trồng dừa. Nhân dân nhiều lần đưa đơn nhưng không ai giải quyết và chỉ trong một đêm dân đã tự động chặt bỏ 37.000 cây dừa và kéo nhau đi khiếu kiện ở nhiều cấp. Qua thực tế tình hình, các đồng chí đã đề xuất với lãnh đạo phải “sửa sai”.

Đồng chí Phạm Quang, Nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên huấn Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh kể lại. Khi làm Ủy viên tuyên truyền Quận bộ Việt Minh huyện Giá Rai (Bạc Liêu). Trong buổi nói chuyện trước nhân sĩ, trí thức, đồng chí hăng hái trình bày suốt một tiếng đồng hồ về lý luận và thực tế. Mọi người chăm chú lắng nghe nhưng khi đến khi họ đặt câu hỏi thì nhiều vấn đề đồng chí không trả lời được. Và đồng chí rút ra kết kết luận cho mình “Như vậy chính mình còn chưa thông làm sao cho người khác thông” Và “trước khi làm tuyên giáo quán triệt cho người khác thì phải làm tuyên giáo quán triệt cho mình”.

Những câu chuyện của các đồng chí từng làm công tác tuyên giáo qua các thời kỳ chính là những bài học bổ ích cho đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo hiện nay.

_____________
Trích nguồn: Những kỷ niệm sâu sắc về Công tác Tuyên giáo do Ban Tuyên giáo Trung ương xuất bản năm 2010.

Tuyết Ngọc
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36732648