Truy cập hiện tại

Đang có 133 khách và không thành viên đang online

Nhịp cầu Tuyên giáo

Đổi mới công tác tuyên giáo cần thực hiện từ trên xuống

Đảng ta luôn khẳng định công tác tuyên giáo là một bộ phận cấu thành rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng.

1. Đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo cần bắt đầu từ trên xuống.

Công tác tuyên giáo là hoạt động có mục đích của một giai cấp, một chính đảng, nhằm hình thành, phát triển, truyền bá hệ tư tưởng của giai cấp trong quần chúng, thúc đẩy quần chúng đi tới hành động. Đảng ta luôn khẳng định công tác tuyên giáo là một bộ phận cấu thành rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Đó là hoạt động truyền bá, bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm xây dựng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cộng sản, truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tính chủ động sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Theo lý luận của các nhà kinh điển Mác-Lênin gồm 3 bộ phận: công tác lý luận, công tác tuyên truyền và công tác cổ động, công tác tuyên giáo hướng tới đối tượng là con người, có đặc điểm khác nhau về trình độ, địa vị chính trị, kinh tế, văn hóa trong xã hội; nội dung công tác tuyên giáo mang tính chính trị sâu sắc. Thực hiện công tác tuyên giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là các cấp ủy đảng, nòng cốt là ngành Tuyên giáo. Tuyên giáo là một ngành, một lĩnh vực công tác của Đảng, có hệ thống tổ chức thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Trong đó, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (viết tắt là Ban) là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chính trị, tư tưởng, về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực lý luận, tuyên truyền, báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại, dư luận xã hội, văn hoá, văn nghệ, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế và một số lĩnh vực khác… đồng thời, là cơ quan chuyên môn - nghiệp vụ về các lĩnh vực công tác này của Đảng. Đổi mới công tác tuyên giáo trước hết cần đổi mới nội dung, phương thức công tác và cần bắt đầu từ trên xuống.

Trước hết, về nội dung công tác tuyên giáo, có thể xác định là sự cụ thể hóa nội dung các nhiệm vụ mà chủ thể công tác tuyên giáo tiến hành, nhằm thực hiện mục đích đặt ra, bao gồm: phát triển, truyền bá hệ tư tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng; hình thành phát triển cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong từng giai đoạn cách mạng; xây dựng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan, lý tưởng, lẽ sống và niềm tin của nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng và sự lãnh đạo của Đảng; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân chủ động, tự giác, tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong mỗi giai đoạn; xây dựng nền văn hóa, xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng con người mới;  trực tiếp xây dựng Đảng, để đảm bảo cho Đảng luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Các vấn đề này vừa là nội dung, vừa là nhiệm vụ của công tác tuyên giáo, tuy các lĩnh vực tương đối ổn định, nhưng nội dung luôn có tính kế thừa, phát triển phù hợp với nhiệm vụ chính trị và bối cảnh lịch sử mỗi giai đoạn. Đổi mới nội dung công tác tuyên giáo trước hết căn cứ đặc điểm đối tượng và yêu cầu của từng nhiệm vụ, diễn ra thường xuyên, liên tục, nội dung công tác tuyên giáo do cấp ủy lãnh đạo thực hiện từ trên xuống. Đổi mới nội dung, phương thức công tác ảnh hưởng quyết định đến hiệu quả, tính thuyết phục của hoạt động tuyên giáo.

Phương thức công tác tuyên giáo, được hiểu là phương pháp và hình thức tiến hành hoặc cách thức và biện pháp thực hiện. Do vậy, phương thức công tác tuyên giáo là tổng hợp các biện pháp, con đường, cách thức mà chủ thể sử dụng để thực hiện triển khai công tác tuyên giáo một cách phù hợp, kịp thời và có hiệu quả nhất. Thực tiễn cho thấy, phương thức công tác tuyên giáo là một khái niệm rộng, bao hàm nhiều loại hình, cách thức và ngày càng phát triển nhờ những kinh nghiệm, sức sáng tạo và thành tựu văn minh của nhân loại do tác động của khoa học, công nghệ. Có phương thức công tác chung cho các nhiệm vụ, nội dung tuyên giáo và có cách thức, biện pháp riêng, đặc thù cho từng nhiệm vụ cụ thể, phụ thuộc vào đối tượng hướng tới. Phương thức công tác hay cách thức, biện pháp thực hiện nội dung, nhiệm vụ tuyên giáo gắn liền với lực lượng, công cụ, điều kiện thực hiện... Một số lĩnh vực thuộc về chức năng, nghiệp vụ, cũng được coi là cách thức, phương pháp, biện pháp chung tổ chức thực hiện trong lĩnh vực tuyên giáo, như tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra… Ngoài ra, có thể liệt kê nhiều cách thức, biện pháp cụ thể hay thực hiện như: hội nghị, hội thảo, tọa đàm, học tập quán triệt, bồi dưỡng, tập huấn, giao ban công việc, thông tin, truyền thông, phối hợp liên ngành, tổ công tác, đối thoại, phát huy dân chủ, giáo dục, nêu gương, vận động thuyết phục, phát ngôn, đấu tranh phê phán, xây dựng ban hành quy định, quy chế, chế tài kiểm soát, kỹ thuật nghiệp vụ, tài liệu tuyên truyền, tờ rơi, xây dựng trang web, tổ chức sự kiện, thăm dò dư luận, định hướng dư luận, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra...

Căn cứ theo nội dung, nhiệm vụ, đối tượng thực hiện mà lựa chọn các nhóm biện pháp, hình thức phù hợp. Đổi mới phương thức công tác tuyên giáo vừa mang tính kế thừa, vừa bám sát yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, đảm bảo quá trình thực hiện có hiệu quả. Do vậy, việc lựa chọn các hình thức, biện pháp phải căn cứ theo yêu cầu nhiệm vụ, theo đối tượng tác động, và cơ bản theo hình thức từ trên xuống gắn với sự thay đổi, sáng tạo ở cơ sở.

Phương châm công tác tuyên giáo, được hiểu là phương hướng và mục tiêu phấn đấu, hành động hoặc tư tưởng chỉ đạo hành động, thường được diễn đạt bằng câu ngắn gọn. Do vậy, phương châm công tác tuyên giáo là những định hướng có tính chỉ đạo trong hoạt động tuyên giáo ở các cấp, các ngành. Nhìn lại thực tiễn hoạt động của ngành tuyên giáo qua các thời kỳ, thể hiện trong các văn bản nghiên cứu, tổng kết, chỉ đạo, đã có nhiều cách diễn đạt phương châm công tác tuyên giáo, như: hát vang giai điệu chính; công tác tuyên giáo đi trước, đi cùng, đi sau các hoạt động thực tiễn; lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực; hướng về cơ sở; xây đi đôi với chống… Có phương châm công tác chung và phương châm công tác cho từng nhiệm vụ cụ thể. Trong điều kiện mới, cần khẳng định, phương châm công tác tuyên giáo, bao gồm 4 thành tố là: nhanh nhạy-hiệu quả-thuyết phục-bám sát thực tiễn. Các thành tố đó có mối quan hệ chặt chẽ, bổ trợ cho nhau, trong đó:

Nhanh nhạy, là đòi hỏi chung của thời kỳ mới, khi tình hình thế giới, trong nước biến đổi nhanh chóng. Thực hiện công tác tuyên giáo không chỉ nhanh chóng, thích ứng với diễn biến tình hình, còn phải nhạy bén ứng phó, dự báo từ xa.

Hiệu quả, là yêu cầu về chất lượng, chiều sâu các hoạt động tuyên giáo. Trong điều kiện mới, hiệu quả luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu trong mọi hoạt động, trong đó công tác tuyên giáo càng phải quan tâm.

Thuyết phục, đây là đặc điểm ưu tiên của công tác tuyên giáo, chi phối nội dung, phương thức công tác hướng tới các đối tượng phù hợp.

 Bám sát thực tiễn, thực tiễn cuộc sống luôn phong phú, nhiệm vụ chính trị của đất nước, địa phương, cơ sở từng thời kỳ khác nhau, để công tác tuyên giáo đi trước, đi cùng, đi sau; gắn xây và chống; sáng tạo trong hoạt động đòi hỏi phải bám sát thực tiễn. Phương châm công tác chỉ đạo cho tư tưởng hành động của công tác tuyên giáo, mang dấu ấn xuyên suốt để các nhiệm vụ tuyên giáo hướng tới. Giữa phương châm, nội dung, phương thức công tác có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, phương châm công tác là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của nội dung, phương thức công tác tuyên giáo. Trong đó, nội dung và đối tượng quyết định lựa chọn phương thức, lực lượng, công cụ thực hiện. Đổi mới công tác tuyên giáo trước hết phải đổi mới nội dung, phương thức thực hiện với phương châm công tác tuyên giáo phù hợp và được thực hiện từ trên xuống.

2. Một số giải pháp chủ yếu đổi mới công tác tuyên giáo cần tiến hành ngay từ đầu nhiệm kỳ mới.

Căn cứ theo bối cảnh tình hình trong nước, thế giới trong thời kỳ mới, công tác tuyên giáo cần đổi mới cả về nội dung, phương thức, phương châm thực hiện. Do đó, cần có những giải pháp phù hợp, thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ, bên cạnh các giải pháp thông thường, cần chú ý một số giải pháp cơ bản như sau:

Một là, đổi mới chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy. Trong đó cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ cơ chế hoạt động của Ban, các vụ, đơn vị, đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII bổ sung:

Xác định trách nhiệm, tư cách là cơ quan chủ trì, trong tham mưu với Trung ương, đặc biệt là các đề án, các chủ trương lớn của Đảng trên lĩnh vực khoa giáo (hiện nay một số việc giao cho ban cán sự Đảng chính phủ).

 Xác định rõ chức năng chỉ đạo, định hướng xây dựng hệ thống chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu lý luận giai đoạn 2016-2021 và tiếp theo.

Cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Hội đồng khoa học các Ban Đảng Trung ương, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương trong mối quan hệ với vụ, đơn vị chức năng của Ban, cũng như các cơ quan tham mưu khác.

Quy định cụ thể hơn vai trò lãnh đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương trong hiệp y bổ nhiệm trưởng ban tuyên giáo các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương.

Rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của một số vụ, đơn vị để tránh trùng lắp.

Thực hiện công tác luân chuyển cán bộ trong nội bộ và trong hệ thống tuyên giáo.

Về cơ chế hoạt động, bên cạnh các hình thức truyền thống vẫn phát huy tốt hiệu quả hoạt động, thời gian tới cần chú ý:

Giao ban khối các cơ quan tư tưởng, khối các cơ quan khoa giáo; giao ban với cấp ủy địa phương, định kỳ 3 tháng, 6 tháng.

Cần có nhóm chuyên gia, cố vấn trên một số lĩnh vực, tuy nhiên cần sớm cụ thể hóa quy chế làm việc.

Đổi mới nội dung, hình thức giao ban công việc nội bộ cơ quan: giao ban tuần, tháng, quý, sơ kết 6 tháng, tổng kết cơ quan. Nâng cao chất lượng, hiệu quả sự phối hợp giữa các đơn vị, nhất là các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, khảo sát.

Hai là, đổi mới nội dung, phương thức công tác một số nhiệm vụ cơ bản. Về đổi mới nội dung và quy trình trong xây dựng nghị quyết, tổ chức quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng:

Kiến nghị với Trung ương phân loại, phân cấp vấn đề, thẩm quyền, mức độ ban hành các văn kiện theo hướng giảm bớt về số lượng, gọn về nội dung, cụ thể về giải pháp và điều kiện thực hiện.

Về quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng, như: đổi mới quy trình biên soạn tài liệu học tập nghị quyết. Quy trình tổ chức, học tập quán triệt nghị quyết của Đảng theo hướng ngắn gọn, sát đối tượng, một hội nghị trực tuyến chung cho cán bộ chủ chốt.

Đổi mới quy trình triển khai thực hiện các đề án, xây dựng, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết, kết luận và các văn bản quan trọng khác của Trung ương.

Đổi mới nội dung, phương thức tham mưu trên lĩnh vực khoa giáo.

Ba là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, cổ động thực hiện các nhiệm vụ chính trị:

Về tuyên truyền, cổ động chính trị, đề án đã nêu nội dung đổi mới theo hướng đa dạng, sinh động, phù hợp đối tượng. Nội dung ngắn gọn, bám sát nhiệm vụ chính trị. Coi trọng các nội dung về xây dựng Đảng, nhiệm vụ chính trị ở Trung ương và địa phương.

Công tác tuyên truyền, cổ động kinh tế - xã hội, với nội dung thời gian tới là: cụ thể hóa các quan điểm lớn, các nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Những thông tin kinh tế thế giới, mô hình hay, hiệu quả trong phát triển kinh tế ở trong và ngoài nước... Lựa chọn các phương thức, lực lượng phù hợp, đặc biệt là sử dụng công nghệ, trực tuyến.

Đổi mới công tác tuyên truyền về an ninh - quốc phòng, đối ngoại: cụ thể hóa nội dung các quan điểm lớn về quốc phòng, an ninh, đối ngoại được nêu trong các Văn kiện Đại hội XII, các hội nghị Trung ương trong nhiệm kỳ. Chú trọng thông tin thời sự quốc tế về an ninh, các vấn đề về Biển Đông. Trong thực hiện, cần ưu tiên các hình thức, phương thức giao ban, tài liệu, tổ công tác đặc biệt.

Bốn là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động một số lĩnh vực cụ thể:

Nâng cao hiệu quả đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch, giải quyết các vấn đề bức xúc nổi cộm. Về phương thức thực hiện, chú ý sử dụng các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ, khoa học-công nghệ, nhất là mạng xã hội, thành lập các tổ công tác đặc biệt xử lý các vấn đề phát sinh...

Tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí - xuất bản, chỉ đạo thực hiện tốt quy hoạch hệ thống báo chí, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ quản báo chí, tổng biên tập, đề cao việc lãnh đạo, quản lý bằng pháp luật, hành chính và kinh tế.

Đổi mới hoạt động nghiên cứu dư luận xã hội, nhất là lựa chọn vấn đề, các quy trình thực hiện, các bước xử lý kết quả điều tra.

Về công tác tuyên truyền miệng, trên cơ sở xác định rõ nội dung, hướng tập trung vào các sự kiện chính trị, những vấn đề bức xúc nổi cộm trong và ngoài nước, phương thức thực hiện cần phát huy vai trò của công nghệ thông tin, vai trò định hướng của cấp ủy các cấp.

Về xây dựng, truyền bá các giá trị văn hóa, con người mới, trong thời gian tới, nội dung tập trung cụ thể hóa Nghị quyết 33, khóa XI.

Về nội dung, phương thức học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cần đổi mới nội dung cho phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ chính trị nhiệm kỳ tới, tiếp tục trú trọng làm theo và đi vào chiều sâu, gắn với các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá cán bộ.

Năm là, hoàn thiện cơ chế cung cấp thông tin, sự phối hợp giữa các cơ quan, các binh chủng làm công tác tuyên giáo, đầu tư phương tiện, cơ sở vật chất phù hợp.

Về cơ chế cung cấp thông tin, làm rõ các cấp độ thông tin: tối mật, mật, nội bộ, phổ thông gắn với trách nhiệm cơ quan cung cấp thông tin, đầu mối tiếp nhận và thẩm quyền công bố, các hình thức đảm bảo sự phối hợp, nhanh, hiệu quả.

Sáu là, đổi mới công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác tuyên giáo, các vấn đề về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng gắn với công tác tổ chức cán bộ được nêu cả về nội dung, hình thức đổi mới. Khắc phục tình trạng khép kín, hẫng hụt cán bộ

PGS. TS. PHẠM VĂN LINH
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37116703