Truy cập hiện tại

Đang có 30 khách và không thành viên đang online

Nhịp cầu Tuyên giáo

Công tác tư tưởng xây dựng niềm tin trong Nhân dân và sự đồng thuận trong xã hội

(TUAG)- Nội dung của công tác tư tưởng được đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh đến xây dựng niềm tin trong Nhân dân và sự đồng thuận xã hội.

Cụ thể, trong nhiệm vụ, giải pháp cơ bản cho nhiệm kỳ 2021-2025, ở nhiệm vụ thứ 3, Văn kiện nêu rõ: “Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam”.  Dẫn chứng này cho thấy, trong nhiệm kỳ này, Đảng ta đã nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, sức mạnh niềm tin của Nhân dân và sự đồng thuận trong xã hội. Để thực hiện được mục tiêu nêu này, công tác tư tưởng giữ vai trò vô cùng quan trọng.



Bởi chỉ trên cơ sở nhận thức đầy đủ, sâu sắc và tin tưởng tuyệt đối vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì Nhân dân mới có sự kiên định trong mọi hoàn cảnh, cùng đất nước vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu vươn lên và đấu tranh ngăn chặn hiệu quả mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.    

Đồng chí Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) đã từng khẳng định “Quần chúng tiến hành cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng chỉ trên cơ sở đã có sự nhận thức rõ với một ý chí, niềm tin và tình cảm sâu sắc; từ đó tự nguyện, tự giác hoạt động tích cực, sáng tạo vì lý tưởng, mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Nếu chỉ hiểu biết đường lối, chính sách nhưng không có niềm tin, tình cảm, thì sẽ không có sự tự nguyện”.

Thực tế đã cho thấy, bất cứ một chủ trương, chính sách nào được đưa ra mà không có sự tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể, không được quần chúng đồng tình, ủng hộ thì những chủ trương, chính sách đó không thể đi vào cuộc sống và sẽ thất bại.

Công tác tư tưởng là sự kết hợp biện chứng của ba hình thái, đó là: công tác lý luận, công tác tuyên truyền, công tác cổ động. Nếu công tác lý luận là cơ sở, nền tảng của công tác tư tưởng thì tuyên truyền, cổ động là hoạt động nhằm xây dựng nhận thức mới, hình thành niềm tin mới và bồi dưỡng ý chí mới trong quần chúng, tác động vào nhận thức và tình cảm của quần chúng, cổ vũ họ đi tới hành động trực tiếp, tự nguyện thực hiện những chủ trương, chính sách và nhiệm vụ cách mạng đề ra.

Vì vậy, cần nhận thức đúng về vị trí và tầm quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng của Đảng, như Mác đã nói, “Một khi lý luận thâm nhập vào quần chúng sẽ trở thành sức mạnh vĩ đại”. Vai trò của công tác tư tưởng, sức mạnh của công tác tư tưởng chính là như thế. Khi con người được giáo dục, được rèn luyện một cách tích cực thì con người sẽ có tình cảm, kỹ năng, ý chí đúng đắn.

Cũng chính những lý do trên, mục tiêu “đi trước, đi cùng” trở thành phương châm quan trọng trong công tác tư tưởng trong giai đoạn hiện nay. Với nội hàm và ý nghĩa lớn lao này, người lính trên mặt trận  tư tưởng phải đi tiên phong trong mọi tình huống và đưa ra các dự báo, các đề xuất chiến lược trong công tác tư tưởng. Có nghĩa là công tác tư tưởng phải “lo trước cái lo của thiên hạ”, nhất là những vấn đề liên quan thiết thực đến đời sống của Nhân dân. Công tác tư tưởng phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, bám sát thực tiễn cuộc sống, phản ánh chân thực và luôn song hành cùng mọi hoạt động của đời sống xã hội; phải thường xuyên tổng kết thực tiễn, nhất là thực tiễn từ cơ sở; nhạy bén với những chuyển biến, thay đổi nhanh chóng và phức tạp của tình hình, để kịp thời tham mưu, đề xuất cấp ủy lãnh đạo, xử lý các tình huống nảy sinh, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, đảm bảo tính thuyết phục và đáp ứng nhu cầu thông tin của Nhân dân. Đặc biệt, phải quan tâm tham mưu giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc của địa phương, nguyện vọng chính đáng của người dân, kiên quyết không để xảy ra điểm nóng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội; đây chính là chìa khóa để giải quyết các vấn đề tư tưởng, là thực hiện công tác tư tưởng từ gốc rễ.

Kế đến là phải thực hiện mục tiêu “đi cùng”, bởi công tác tư tưởng không chỉ là “đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm”, mà phải nói cho “dân tin”, gây “thiện cảm với Nhân dân”, để xây dựng niềm tin trong Nhân dân, từ việc có niềm tin, người dân mới tự nguyện làm theo.  Để làm được điều này phải đổi mới mạnh mẽ phương thức tiến hành công tác tư tưởng theo hướng dân chủ hóa, hiện đại hóa, tăng cường lắng nghe, chia sẻ, đối thoại với Nhân dân. Nội dung công tác tư tưởng phải cụ thể, thiết thực, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với từng đối tượng, không kêu gọi, hô hào chung chung. Cần chú ý tác động đối tượng cả về lý trí và tình cảm, nhất là tình cảm để hình thành niềm tin trong Nhân dân.

Nếu công tác tư tưởng không “đi trước”, “đi cùng”, sẽ không hiểu được tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, không hiểu được nội dung và các biến cố của phong trào quần chúng, nhất là không hiểu được những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, những tư tưởng phản động nảy sinh trong quần chúng nhân dân để phòng ngừa và ứng phó kịp thời, dẫn đến các hoạt động công tác tư tưởng không chỉ thiếu sức thuyết phục mà còn làm ảnh hưởng uy tín và chất lượng hoạt động của Đảng và Nhà nước cả hệ thống chính trị, và nhất là không thể xây dựng niềm tin trong  Nhân dân và tạo sự đồng thuận trong xã hội./.

NGỌC HÂN
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40593807