Truy cập hiện tại

Đang có 132 khách và không thành viên đang online

Nhịp cầu Tuyên giáo

An Giang dự Hội nghị trực tuyến Báo cáo viên Trung ương tháng 3/2021

(TUAG)- Sáng 11/3/2021, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên tháng 3 bằng hình thức trực tuyến. Đồng chí Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu An Giang có khoảng 70 đồng chí là lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh liên quan; các đơn vị lực lượng vũ trang; đại diện lãnh đạo ban tuyên giáo, tuyên huấn các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, Mặt trận, đoàn thể tỉnh. Đồng chí Trình Lam Sinh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo cáo viên Trung ương chủ trì.


Đại biểu điểm cầu tỉnh An Giang tham dự hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin chuyên đề “Công tác phòng, chống dịch COVID-19 và triển khai chủ trương của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19”. Theo đó, tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam đến nay có thể chia làm 03 giai đoạn; tính đến 6 giờ ngày 11/3, Việt Nam có 2.529 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.004 đã được công bố khỏi bệnh; ngành y tế và các địa phương rất khẩn trương, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh.

Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ quy định đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí gồm: Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch (thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ COVID dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên…); Quân đội; Công an. Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh. Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: Hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước. Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người. Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi. Người sinh sống tại các vùng có dịch. Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội. Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài. Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.

Về địa bàn, ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng nêu trên ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có dịch; trong tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch. Căn cứ khả năng cung ứng vắc xin, ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh, đối tượng ở vùng có dịch.

Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo chuyên đề “Chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới”. Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mang lại, ngày 27/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tầm nhìn 10 năm sẽ thay đổi toàn diện đất nước, đặt ra các mục tiêu: Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, Kinh tế số đóng góp 30% GDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%; mọi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu thông minh, không ai bị bỏ lại phía sau. Để đạt được mục tiêu đó, cần có quyết tâm và đột phá với cách làm mới, phù hợp với bối cảnh và thực tiễn, đó là: Phải làm chủ các nền tảng số; làm chủ không gian mạng quốc gia hướng tới phát triển không gian mạng quốc gia an toàn, lành mạnh, nhân văn và rộng khắp; làm chủ công nghệ sản xuất “Make in Viet Nam”, hướng tới mục tiêu hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Phát biểu định hướng tuyên truyền thời gian tới đồng chí Phan Xuân Thủy - Phó Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu tập trung một số nội dung sau: Kết quả Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và triển khai chủ trương của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19”; chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số; tiếp tục tuyên truyền kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa  XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; tuyên truyền kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2021); tuyên truyền kết quả “Đối thoại 2045”; Một số nội dung quan trọng khác như: Tuyên truyền Nghị định số 13/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 của Chính phủ quy định về đối thoại với thanh niên, cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; tuyên truyền Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.

Nguyễn Lam
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36732095