Truy cập hiện tại

Đang có 132 khách và không thành viên đang online

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Hàng Việt vẫn chiếm vị thế trong lòng người dân

(TGAG)- Có thể khẳng định, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (CVĐ) của Bộ Chính trị được thực hiện đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi của người dân ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; nhất là trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng cá nhân. CVĐ đã góp phần thay đổi nhận thức và tạo thói quen dùng hàng Việt của người dân trên địa bàn An Giang.

Hàng Việt chiếm lĩnh lòng tin người tiêu dùng

Là người Việt Nam, ai mà không yêu hàng Việt. Vấn đề là dòng hàng hóa có đa dạng, phong phú, mà phải hợp túi tiền nữa. Hiện, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các kênh phân phối hiện ở mức tương đối cao. Đơn cử, tại các hệ thống siêu thị Tứ Sơn, VinMart, Co.op mart… tỷ lệ hàng Việt chiếm 90%. Tại siêu thị Tứ Sơn còn hình thành khu hàng đặc sản các vùng miền cả nước với trên 400 mặt hàng của 16 tỉnh, thành phố có mặt ở Tứ Sơn và sản phẩm của trên 70 doanh nghiệp ở An Giang có tại siêu thị.. Con số này không thể đạt được nếu hàng Việt Nam không chinh phục tốt người tiêu dùng và được người tiêu dùng chọn lựa.

Mốc quan trọng đánh dấu thành công của CVĐ sau chặng đường 10 năm triển khai. Cùng với việc kêu gọi mọi người ưu tiên dùng hàng nội, CVĐ còn kích thích doanh nghiệp Việt đầu tư nghiên cứu để sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao phân phối và tiêu thụ mạnh ở thị trường nội địa, xuất khẩu thành công ra nước ngoài. Điển hình như các đặc sản mùa nước nổi như cá linh kho mía, sản phẩm nông sản đóng hộp của Công ty Antesco, gạo của Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, thủy sản của Công ty Agifish...

Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh cho biết, sau 10 năm triển khai CVĐ có sức lan tỏa và tác động tích cực đến toàn xã hội, đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của người tiêu dùng về việc mua sắm hàng Việt đã được nâng lên đáng kể. Việc so sánh sản phẩm là hàng nội địa với hàng nước ngoài về chất lượng, giá cả đã xuất hiện nhiều trong tâm lý của người tiêu dùng khi mua sắm; việc đề cao hàng ngoại đã có bước chuyển biến và giảm hơn trước; nhận thức về ưu tiên mua sắm hàng trong nước sản xuất đã được đông đảo người tiêu dùng quan tâm. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở có ý thức hơn, thể hiện tính gương mẫu trong việc dùng hàng Việt, đồng thời tích cực tuyên truyền trong gia đình và nhân dân cùng thực hiện. Hầu hết các cơ quan nhà nước thực hiện nghiêm túc ưu tiên sử dụng hàng nội địa trong mua sắm. Hiệu ứng của CVĐ đã tác động đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc sản xuất, tiêu dùng hàng hóa Việt Nam.

Người tiêu dùng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc ưu tiên dùng hàng Việt. Thể hiện qua thói quen ưu tiên trong mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt, xem đó là thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam.

Nhiều giải pháp hưởng ứng CVĐ     
    
Để đạt kết quả trên, ngay sau khi Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ triển khai, Tỉnh ủy An Giang đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo cấp tỉnh và 11 huyện, thị xã, thành phố; thành lập Bộ phận thường trực giúp việc; phát hành “Sổ tay người tiêu dùng”, vừa tuyên truyền, giới thiệu đến người tiêu dùng những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chất lượng; cảnh giác với các sản phẩm hàng giả được bày bán trên thị trường. Xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện CVĐ bằng hành động thiết thực, thay đổi dần thói quen trong việc mua sắm, tiêu dùng hàng hóa cá nhân cũng như của đơn vị. Từ đó tạo nên kết quả toàn diện CVĐ trên các mặt của đời sống kinh tế-xã hội...

Bà Nguyệt cho biết: "Các ngành, địa phương đã thực hiện chính sách hỗ trợ đơn vị sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh và sản phẩm ra thị trường; hình thành 11 mô hình Điểm bán hàng Việt Nam chất lượng cao. 14 doanh nghiệp An Giang giữ vững danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn. Hiệu quả qua các hội chợ, phiên chợ, các doanh nghiệp quảng bá được thương hiệu, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng để xây dựng chiến lược kinh doanh, phù hợp với thị trường từng vùng, tìm thị trường cho sản phẩm".


UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Từ năm 2009 đến nay, Sở Công thương tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp và các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 43 phiên chợ, 205 chuyến bán hàng Việt về nông thôn, biên giới; thu hút gần 600.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm; doanh số bán hàng đạt trên 300 tỷ đồng, giúp người tiêu dùng có cơ hội được tiếp cận và sử dụng nguồn hàng hóa thuần Việt với chất lượng tốt, giá cả phù hợp với thu nhập của người dân. Từ đó giúp cho hàng hóa Việt Nam đứng vững trên thị trường nội địa. Doanh số bán hàng và số lượt khách tham quan và mua sắm mỗi năm ngày càng tăng cho thấy tín hiệu tích cực của chương trình, đặc biệt là tổ chức phiên chợ theo hình thức siêu thị di động của siêu thị Tứ Sơn được người dân nhiệt tình ủng hộ.

Có mặt tại các chuyến đưa hàng về nông thôn cho thấy, sức mua của bà con khá ổn định, người dân An Giang luôn ưu tiên dùng hàng Việt; kể cả hành động người dân mua sắm hàng Việt bằng thái độ hết sức trân trọng. Trong khi trên thị trường quá nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì các phiên chợ chuyến đưa hàng Việt về nông thôn được bà con đánh giá là lựa chọn mua sắm tốt nhất với hàng hóa chất lượng tốt nhất, giá cả hợp lý. Đưa hàng về tận nông thôn  còn góp phần thay đổi cách nghĩ của người dân tiếp cận với phong cách mua sắm hiện đại, văn minh; ưu tiên lựa chọn tiêu dùng hàng hóa đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả gia đình. Ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc siêu thị Tứ Sơn cho biết: "10 năm đưa hàng Việt về nông thôn có trên 150 doanh nghiệp luôn đồng hành cùng hàng Việt và doanh số bán hàng hơn 300 tỷ đồng, thể hiện qua sức mua bà con tin dùng hàng Việt".
       
Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo vệ thương hiệu cho hàng Việt, công tác đấu tranh ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quy định an toàn thực phẩm cũng được Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh đẩy mạnh. 10 năm qua, các lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra và xử lý gần 13.000 vụ vi phạm; tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước trên 76,5 tỷ đồng.
 
10 năm triển khai, với hàng loạt các giải pháp, từ tuyên truyền ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; đến kết nối cung - cầu, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa. CVĐ đã khẳng định vai trò quan trọng trong thương mại nội địa phát triển bứt phá thị trường trong nước.

Tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp và định hướng người tiêu dùng. Hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Các hội nghị giao thương tổ chức thành công, gắn kết được các nhà phân phối, kinh doanh nông sản trong và ngoài nước với các doanh nghiệp, Hợp tác xã, bà con nông dân sản xuất nông sản. Từ đó, tạo điều kiện cho việc tiêu thụ nông sản thuận lợi, hiệu quả, tránh tình trạng dư thừa nông sản như các năm trước.

Để người dân ưu tiên hàng Việt

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh nhấn mạnh :"Dùng hàng Việt Nam cũng thể hiện lòng yêu nước; do đó cần tác động tư tưởng, giáo dục lòng yêu nước để CVĐ len lỏi thấm đậm trong lòng dân, ưu tiên dùng hàng Việt Nam, khi đi mua sắm hàng hóa. Đối với doanh nghiệp, đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Vì vậy, doanh nghiệp cần đổi mới tư duy sản xuất, cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm, giá cả. Các địa phương cần tạo mọi điều kiện, hạn chế thủ tục cho doanh nghiệp đưa hàng Việt về phục vụ người dân nông thôn".


Hàng Việt được người dân ưu tiên lựa chọn tại các kỳ hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn.

Để người tiêu dùng ưu tiên chọn mua, hàng hóa đó phải có chất lượng. Do đó, cùng với các giải pháp hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động sản xuất các sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý để chinh phục lòng tin của người tiêu dùng.

Và để CVĐ thực sự đi vào cuộc sống, tỉnh cần tăng cường sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy các cấp; nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền, phát huy vai trò tham mưu, đề xuất của Ban chỉ đạo CVĐ các cấp; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong thực hiện CVĐ; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường; tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng…

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU
Tiến tới đại hội đảng
Số lần xem các bài viết
37177871