Truy cập hiện tại

Đang có 143 khách và không thành viên đang online

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt

(TUAG)- Thời gian qua, thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (Cuộc vận động) do Bộ Chính trị phát động, An Giang đã tích cực thông qua tuyên truyền, làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân và mọi thành phần kinh tế. Người tiêu dùng đã nhận thức được tầm quan trọng, ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Việt. Từ đó, mang lại giá trị kinh tế thiết thực cho đất nước, cho doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước, giúp DN có cơ hội phát huy thế mạnh trong sản xuất -kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa, mở rộng thị trường nội địa, xuất khẩu.

Nhiều kết quả nổi bật

Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, tỉnh đã tăng cường công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ, kết nối hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm chủ lực trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế. Tạo điều kiện hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Công tác quản lý thị trường được đẩy mạnh, đã góp phần ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tiêu dùng.
    

Tuyên truyền, vận động ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, hàng sản xuất trong tỉnh, sản phẩm OCOP của địa phương

Năm 2023, các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh và cấp huyện tổ chức tuyên truyền triển khai thực hiện Cuộc vận động được 875 cuộc, gần 67.530 lượt người tham dự, góp phần làm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước trong Nhân dân ưu tiên sử dụng hàng Việt. Đặc biệt, tỉnh tăng cường hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm.
    
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu cho biết: Đã phối hợp Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương, UBND TX. Tịnh Biên tổ chức Hội chợ Công Thương vùng ĐBSCL-An Giang; tổ chức sự kiện Sản phẩm OCOP đồng hành cùng người tiêu dùng; Ngày hội sản phẩm đặc trưng-nổi tiếng An Giang và các vùng miền tại Châu Đốc. Triển khai thực hiện 5 phiên chợ, 4 chương trình quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng OCOP tỉnh tại các địa phương.
    
Ngành chức năng tỉnh tăng cường công tác triển khai thực hiện Chương trình OCOP và kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP các điểm dừng chân du lịch; tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các Hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế. Đồng thời, đưa sản phẩm sản phẩm OCOP An Giang lên các sàn thương mại điện tử; hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP tham gia đăng ký thông tin, bán hàng qua các trang thương mại điện tử, tham gia các kênh bán hàng thương mại điện tử trên các ứng dụng mua sắm trực tuyến...
    
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước và hoạt động của các DN. Xác định thành công của DN là thành công của tỉnh, UBND tỉnh đã cụ thể hóa, kịp thời triển khai đưa vào thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cho DN thông qua các kế hoạch, đề án: Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, phát triển kinh tế tư nhân, ban hành chương trình xúc tiến đầu tư, đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử “Hỗ trợ DNvà Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang”-dautuangiang.vn. Thực hiện công khai, minh bạch các danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài; các danh mục dự án đầu tư, tiềm năng cơ hội đầu tư, cũng như chính sách ưu đãi đầu tư. Môi trường đầu tư của tỉnh luôn được các nhà đầu tư đánh giá cao. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới và trong nước đã quyết định đầu tư vào An Giang như: Tập đoàn T&T, Tập đoàn THACO, Tập đoàn SAMHO (Hàn Quốc), Tập đoàn Kitoku-Shinryo (Nhật Bản)… sản xuất ra những sản phẩm chủ lực của tỉnh, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, tăng thu ngân sách, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
    
Sở Công Thương cho biết: Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Quản lý thị trường, Thanh tra các Sở, ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động quảng cáo trên lĩnh vực báo chí, truyền hình, internet, mạng xã hội. Kịp thời phối hợp, kiên quyết xử lý những hoạt động quảng cáo sai sự thật, không đảm bảo chất lượng, giúp người tiêu dùng an tâm đối với chất lượng các sản phẩm của Việt Nam được quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
    

Hàng Việt chiếm vị trí cao trong lòng người tiêu dùng

Bên cạnh đó, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn của tỉnh được Bộ Công Thương, UBND tỉnh đánh giá rất cao về hiệu ứng và hiệu quả. Để chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đạt hiệu quả, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh phối hợp Sở Công thương và UBND TX. Tịnh Biên tổ chức lễ phát động Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chương trình 100 chuyến hàng Việt về nông thôn năm 2023. Qua đó, Sở Công thương đã chủ trì, phối hợp các siêu thị Tứ Sơn, Co.opmart Thoại Sơn, Win Mart và MM Mega Market Long Xuyên triển khai chương trình. Đến cuối tháng 11/2023, đã hoàn thành 100 chuyến hàng Việt về nông thôn, doanh số ước đạt 760 triệu đồng, trên 98.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm. Đến nay, người dân ở các vùng nông thôn đã khá quen thuộc với chương trình này. Các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt được bày bán bắt mắt, thông tin sản phẩm đầy đủ, phong phú, đa dạng, giá cả thấp hơn thị trường 5-10%, chất lượng sản phẩm tốt, phù hợp thị hiếu..., đây chính là những ưu điểm nổi bật, thu hút được người tiêu dùng ở nông thôn. Với người tiêu dùng nông thôn thì được tiếp cận nhiều hơn với những sản phẩm mang thương hiệu Việt chất lượng cao, giá cả phù hợp. Hiện nay, hàng Việt đã chiếm hơn 80% số lượng sản phẩm được bày bán tại chợ ở nông thôn, tập trung chủ yếu ở các nhóm hàng: Lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm...
    

Tăng cường thanh tra, kiểm tra bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Tiếp tục ưu tiên sử dụng hàng Việt

Năm 2024, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh đã triển khai kế hoạch thực hiện Cuộc vận động với 5 nội dung chính tập trung thực hiện. Trong đó, ưu tiên tăng cường thông tin, tuyên truyền để Cuộc vận động đi vào cuộc sống; hoàn thiện chính sách pháp luật, thúc đẩy mạnh mẽ vai trò các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam. Thúc đẩy ngày càng nhiều hàng hóa, dịch vụ Việt Nam có chất lượng tốt; quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam và các DN, cơ sở sản xuất trong nước có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được người tiêu dùng ưa thích. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động sản xuất-kinh doanh, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo lòng tin cho người tiêu dùng.
    
Ban Chỉ đạo Cuộc vận động yêu cầu phát huy vai trò, trách nhiệm từng thành viên Ban Chỉ đạo trong điều hành, triển khai thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức. Tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức người lao động và Nhân dân ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, hàng sản xuất trong tỉnh, sản phẩm OCOP của địa phương.

Hạnh Châu
Tiến tới đại hội đảng
Số lần xem các bài viết
40556851