Truy cập hiện tại

Đang có 174 khách và không thành viên đang online

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

An Giang cảnh giác các mặt hàng dầu nhờn động cơ đốt trong nghi vấn giả và không đảm bảo chất lượng

(TUAG)- Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng An Giang Hứa Hoàng Thảo cho biết: Vừa có văn bản gửi các tổ chức kinh doanh xăng dầu và dầu nhờn động cơ đốt trong trên địa bàn tỉnh cảnh giác đối với các mặt hàng dầu nhờn động cơ đốt trong nghi vấn giả và không đảm bảo chất lượng.

Theo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng An Giang: Thời gian qua, bên cạnh các tổ chức/cá nhân kinh doanh mặt hàng dầu nhờn động cơ đốt trong (dầu nhờn) đảm bảo đúng các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và nhãn hàng hóa thì trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số tổ chức/cá nhân lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa để bán mặt hàng dầu nhờn giả các nhãn hiệu nổi tiếng, mặt hàng dầu nhờn có pha tạp chất hoặc bị chế loãng khiến cho thị trường sản phẩm dầu nhờn đang bị loạn giá và không đảm bảo chất lượng.


Các mẫu dầu nhờn động cơ đốt trong không phù hợp theo quy định qua thử tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Cần Thơ

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa phương đối với hàng hoá thuộc danh mục sản phẩm, hàng hoá nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong năm 2020, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh An Giang (Chi cục) đã tổ chức 1 cuộc khảo sát chất lượng đối với mặt hàng dầu nhờn lưu thông thị trường và phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý về chất lượng và nhãn hàng hoá đối với mặt hàng này.
    
Qua kết quả khảo sát của Chi cục và thông tin trên Báo, Đài thời gian gần đây cho thấy các loại dầu nhờn có chất lượng không phù hợp theo quy định với giá thành chỉ từ 30.000-45.000 đồng/chai thể tích 1 lít với các nhãn hiệu như: PETROTEX, ALPHA, OTIS, POWER OIL, VANELLINE, PROLUBE, BEST và một số sản phẩm dầu nhờn nghi vấn giả nhãn hiệu CASTROL POWER1, CASTROL VISTRA, CASTROL ACTIV, KUBOTA.

Từ nhận định trên, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị các tổ chức kinh doanh xăng dầu có kinh doanh mặt hàng dầu nhờn và các tổ chức/cá nhân kinh doanh dầu nhờn trên địa bàn tỉnh nâng cao ý thức cảnh giác đối với các mặt hàng dầu nhờn không đảm bảo chất lượng; lựa chọn nhà sản xuất, phân phối chính hãng, có uy tín, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có hóa đơn, chứng từ hợp pháp để đưa ra thị trường các sản phẩm đảm bảo chất lượng, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản và quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Tuân thủ các quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật như: Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14-4-2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa; Thông tư số 06/2018/TT-BKHCN ngày 15-5-2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ về vệc ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về dầu nhờn động cơ đốt trong; Thông tư số 10/2018/TT-BKHCN ngày 1-7-2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 06/2018/TT-BKHCN và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng An Giang Hứa Hoàng Thảo cho biết: thời gian tới, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ thực hiện công tác kiểm tra, khảo sát về chất lượng và nhãn hàng hoá đối với mặt hàng dầu nhờn động cơ đốt trong lưu thông thị trường nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi vi phạm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của ngành tại địa phương, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.

HẠNH CHÂU
Tiến tới đại hội đảng
Số lần xem các bài viết
40733918