Truy cập hiện tại

Đang có 239 khách và không thành viên đang online

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Thay đổi nhận thức người tiêu dùng

(TUAG)- Hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt trên nhiều phân khúc của thị trường, len lõi vào siêu thị, các trung tâm thương mại, các tiệm tạm hóa, điểm bán lẻ, trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa... Thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, tạm giữ, tịch thu rất nhiều mặt hàng giả như: thực phẩm, mỹ phẩm, trong đó chủ yếu là hàng thời trang, thuốc bảo vệ thực vật giả. Để hạn chế tình trạng này, mỗi người hãy là người tiêu dùng thông thái để trước hết là bảo vệ quyền lợi của mình và có thể góp phần đấu tranh chống lại tệ nạn hàng giả, hàng kém chất lượng.



Bà Nguyễn Thị Lan Đài, Phó Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Cục Quản lý thị trường tỉnh: "Một bộ phận người tiêu dùng thường chỉ quan tâm tính bắt mắt của sản phẩm, ưa chuộng những loại hàng hóa giá rẻ, không chú trọng đến nguồn gốc sản phẩm, hạn sử dụng. Theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, người tiêu dùng có 8 quyền được pháp luật bảo vệ, được pháp luật quy định, nhưng đa số người tiêu dùng hiện nay không nắm được quyền của mình, không quan tâm đến việc khi mua hàng phải lấy hóa đơn, chứng từ kèm theo để chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, để đủ cơ sở khi cơ quan chức năng xem xét, xử lý".

Theo Sở Công thương An Giang, những năm qua công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được các cấp và các ngành, chỉ đạo thực thi có hiệu quả, góp phần giúp người tiêu dùng từng bước nhận thức đầy đủ về quyền lợi chính đáng của mình. Tuy nhiên, kết quả hoạt động của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian qua chưa đạt được như mong muốn. Rất nhiều người tiêu dùng ưa thích mua sắm trong các trung tâm thương mại hoặc các siêu thị, cửa hàng tiện ích... Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số người tiêu dùng do thu nhập ít, họ ưa chuộng những sản phẩm giá rẻ, hoặc không chú trọng tới hình thức của sản phẩm và mẫu mã của sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Lan Đài, Phó Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: "Bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống, xu hướng thương mại điện tử ngày càng phát triển, khiến công tác quản lý nhà nước về hoạt động thương mại khó khăn. Vì lợi nhuận, một số cơ sở, tổ chức, cá nhân cố tình cung ứng ra thị trường hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng. Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện và tạm giữ rất nhiều hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Như trong năm 2019, qua kiểm tra chống hàng giả đã phát hiện 39 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa tịch thu khoảng 600 triệu đồng, thu phạt vi phạm hành chính gần 200 triệu đồng".

Khi mua nhằm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng nên sử dụng quyền của mình, trong đó có quyền khiếu nại. Khiếu nại trực tiếp đến cơ sở sản xuất kinh doanh đã bán cho mình; khiếu nại thông qua Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; khiếu nại lên các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền như Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm... Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể khởi kiện tại các cơ quan Tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại cho mình trong trường hợp người tiêu dùng có đủ cơ sở chứng minh quyền lợi chính đáng của mình bị xâm phạm, giữ nguyên hiện trạng hàng hóa và kèm theo những hóa đơn, chứng từ để liên hệ trực tiếp với nhà sản xuất, người kinh doanh đổi hàng, trả hàng hoặc hoàn tiền, hoặc yêu cầu bồi thường, nếu những yêu cầu này không được chấp nhận giải quyết thì người tiêu dùng có thể làm đơn phản ánh, kèm theo chuyển toàn bộ tang vật, hóa đơn, chứng từ đến cơ quan quản lý thị trường hoặc cơ quan Công an gần nhất.
    
Cùng với kiểm soát của các cơ quan nhà nước, các lực lượng chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng chính là kênh kiểm soát chặt chẽ nhất và sâu rộng nhất để ngăn chặn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc. Nhưng thời gian qua Cục Quản lý thị trường nhận rất ít đơn khiếu nại từ phía người tiêu dùng, do tâm lý e ngại khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng; tâm lý không quan tâm đến hóa đơn, chứng từ kèm theo hàng hóa, cho nên cơ quan chức năng không đủ cơ sở để xem xét xử lý.

Để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Nhà nước bảo vệ người tiêu dùng mỗi người dân hãy làm người tiêu dùng thông thái. Điều chỉnh hành vi tiêu dùng thông thái, trước khi mua bất cứ sản phẩm nào phải tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, từ công dụng, hướng dẫn cách sử dụng.


Hiện nay thông qua vai trò Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh An Giang, nhiều vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng trong tỉnh đã được giải quyết kịp thời, tạo lòng tin cho người dân. Ông Tạ Minh Sơn, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh An Giang chia sẻ: "Nếu người tiêu dùng luôn luôn cân nhắc, xem xét thật kỹ thấu đáo trước khi mua hoặc sử dụng 1 dịch vụ nào đó thì nó sẽ hạn chế, bớt đi hành vi mua bán thiếu sự công bằng giữa người mua và người bán. Do vậy, hãy là người tiêu dùng thông thái theo khuyến cáo của Bộ Công thương và Bộ Y tế. Đây là giải pháp bảo vệ cho mình và bảo vệ cho nhà sản xuất, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh".

Để khắc phục tình trạng này, nhà quản lý cần nâng cao, đẩy mạnh tuyên truyền trên nhiều phương tiện, đa dạng hóa về hình thức, để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng đòi hỏi phải có sự góp sức của 4 bên: nhà sản xuất, nhà kinh doanh, nhà quản lý và người tiêu dùng. Vì vậy, khi chọn phải sản phẩm kém chất lượng thì tùy vào kết quả thanh kiểm tra, kết luận như thế nào thì sẽ có hướng xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật. Như vậy trong quá trình đấu tranh chống lại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không chỉ của riêng 1 cá nhân, của riêng một cơ quan, tổ chức nào mà là công việc chung của toàn xã hội và người tiêu dùng cần phải là thông thái hơn trong sự lựa chọn thực phẩm.

Bài, ảnh: THIỆN TÂM
Tiến tới đại hội đảng
Số lần xem các bài viết
37036152