Truy cập hiện tại

Đang có 40 khách và không thành viên đang online

Bác Sáu Dân trong lòng nhân dân An Giang

(TGAG)- Bác Sáu Dân - Võ Văn Kiệt lúc nhỏ tên là Phan Văn Hòa (chín Hòa), sinh ngày 23/11/1922, là con thứ 9 của một gia đình nông dân nghèo. Cha là Phan Văn Dựa, một nông dân lam lũ, chất phác, khẳng khái và yêu nước. Mẹ là Võ Thị Quế, một nữ nông dân hiền lương, chịu đựng và thương người. Ông Dựa và bà Quế lần lượt sinh ra 8 người con, 6 trai và 2 gái, Chín Hòa là con út.

 
Trong xóm có người chú họ tên Phan Văn Chi (Hai Chi), không vợ con. Hai Chi thấy chị dâu vất vả, một phần cũng lo nghĩ tới tuổi già, nên xin Chín Hòa về nuôi. Ông Dựa và bà Quế cũng bấm bụng đồng ý. Mỗi khi Chín Hòa khát sữa, ông Hai Chi phải ẵm lòng vòng khắp xóm tìm người cho bú thép. Lên sáu, bảy tuổi, Chín Hòa thường theo cha nuôi đi gặt mướn cho các địa chủ dọc sông Tiền, sông Hậu. Công việc của Chín Hòa là giữ ghe hoặc mót lúa. Năm 8 tuổi, Chín Hòa được đi học. Chín Hòa học rất thông minh và ăn nói lễ độ. Tuy nhiên, việc học của Chín Hòa không được lâu vì là con nông dân nghèo, trường học ở nông thôn thời thuộc Pháp chỉ dạy đến hết lớp ba.

Năm Chín Hòa 13 tuổi, ông Phan Văn Dựa thuê được 2 con trâu, ông kêu Chín Hòa về chăn, coi thêm cả trâu cho 2 ông anh ruột. Chín Hòa chỉ đưa trâu ra đồng và cuối ngày thì dắt trâu về chuồng, những việc khó hơn thì ông Dựa làm thay cho con nhưng vẫn trả công cho ông Hai Chi đầy đủ. Ông Dựa muốn giúp con trả nghĩa cho người cha nuôi.

Đến năm 16 tuổi Chín Hòa chịu tang mẹ. Qua đám tang, Chín Hòa gặp Hà Văn Út, rể của một người bà con cô cậu. Ông Út nói với mấy người lớn chuyện bình đẳng, chuyện áp bức, chuyện đấu tranh... Chín Hòa nghe cứ như nuốt từng lời. Hà văn Út thấy, lần sau về tìm cậu. Sau vài lần gặp, Chín Hòa được giao việc, có khi đi vài ngày, không còn mấy thời gian để giúp đỡ ông Hai Chi. Một lần ông nói: “Tao lớn tuổi rồi, mong mày đỡ đần, mày đi thế, tao không biết làm sao”. Chín Hòa thương quá, quyết định nói thật với cha nuôi. Hai Chi nói: “Con đi với anh em là phải”. Chín Hòa thưa: “Chú cho đi ở một mùa, đỡ đần chú. Sau đó con đi làm việc”.



Năm 18 tuổi, Chín Hòa được đồng chí Tạ Uyên kết nạp Đảng rồi tham gia Nam Kỳ khởi nghĩa. Nam Kỳ khởi nghĩa thất bại, ông được Tỉnh ủy đưa vào rừng U Minh. Chín Hòa tích cực góp phần xây dựng cơ sở Đảng, lập Tỉnh ủy lâm thời Rạch Giá và cướp chính quyền thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trong những cuộc họp của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, nghe những bậc trí thức như Nguyễn Văn Hưởng, Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuần... nói, ông thấy có một khoảng cách rất rõ giữa mình và những bậc trí thức đó. Ông đã cố công học tập trong thực tế. Năm 1951, Võ Văn Kiệt ra Việt Bắc cùng Đoàn đại biểu Nam Bộ dự Đại hội II. Lúc đó ông là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. Sau đại hội, ông ở lại để dự lớp Hoa Nam tại trường Nguyễn Ái Quốc trong 6 tháng. Lớp này do Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh trực tiếp giảng dạy. Đây là một cơ hội để Võ Văn Kiệt học hành nghiêm túc. Năm 1952, Võ Văn Kiệt đi bộ trở về Nam.

Sau Hiệp định Gienève, Võ Văn Kiệt là đang là Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu được bố trí bí mật ở lại cùng với đồng chí Lê Duẩn. Năm 1957, Lê Duẩn ra Bắc, tạm giao quyền lãnh đạo xứ ủy cho Nguyễn Văn Linh, từ miền Tây, Võ Văn Kiệt lên thay ông Linh làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Năm 1970, Võ Văn Kiệt được điều trở lại miền Tây làm Bí thư Khu ủy khu 9 với tên mới là Tám Thuận. Khu 9 dưới sự lãnh đạo của ông đã nhanh chóng khôi phục sức chiến đấu. Đến Hiệp định Paris tháng 01/1973, Tám Thuận cương quyết chống lại chiến dịch lấn đất, giành dân của Nguyễn Văn Thiệu. Thực tế chiến trường buộc Bộ Chính trị xác định lại: Tiếp tục con đường bạo lực cách mạng để dẫn tới kết quả có ngày 30/4/1975. Qua đó, Võ Văn Kiệt nổi tiếng “tướng xé rào”.

Từ sau 30/4/1975, lúc đó đã 53 tuổi, ông trở thành Chủ tịch UBND rồi Bí thư Thành ủy Tp Hồ Chí Minh, một thành phố năng động, ông trở thành chỗ dựa cho các doanh nghiệp “xé rào”, vượt qua cơ chế quan liêu bao cấp để phát triển. Tháng 12/1981, ông được điều ra Trung ương làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch. Sau đó, ông trở thành Chủ tịch HĐBT, người đứng đầu Chính Phủ (theo Hiến pháp 1980). Tên tuổi của Võ Văn Kiệt đã gắn liền với những công trình có ý nghĩa then chốt như Thủy điện Trị An, Thủy điện Thác Mơ, Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, Đường điện 500 KV Bắc Nam, Đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, Đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, Khu công nghiệp Dầu khí Dung Quất...



Đối với nhân dân An Giang, Bác Sáu Dân đã để lại trong lòng người dân An Giang những dấu ấn sâu đậm bằng chương trình khai thác tứ giác Long Xuyên năm 1988, chương trình thủy lợi, giao thông, nhà ở - dân cư, đặc biệt là chương trình thoát lũ ra biển Tây. Khi quyết định chương trình khai thác tứ giác Long Xuyên, công trình thoát lũ ra biển Tây, Bác Sáu Dân phải vượt qua nhiều ý kiến phản biện và ông đã thành công. Nhờ chương trình khai thác tứ giác Long Xuyên, trong 5 năm dân An Giang đã khai hoang, phục hóa hơn 9 vạn hecta, sản lượng lúa tăng lên 3 triệu tấn. Nhờ công trình thoát lũ ra biển Tây, nhân dân không còn bị lụt đe dọa hàng năm... Cho nên khi con kênh T5 thoát lũ ra biển Tây vừa mới hoàn thành, người dân đã gọi là “Kinh ông Kiệt”.

Theo nguyện vọng của nhân dân, UBND tỉnh chính thức đã đặt tên con kinh T5 là kinh Võ Văn Kiệt và làm một phù điêu bán thân Bác Sáu Dân ở đầu kinh. Và hằng năm vào ngày mất của Bác Sáu Dân, 11/6, đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Khánh đã thay mặt nhân dân An Giang tổ chức lễ giỗ của ông, với sự tham dự của nhiều cán bộ và nhân dân để tưởng nhớ đến ông.

ĐẶNG HOÀI DŨNG
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40821105