Truy cập hiện tại

Đang có 67 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

Phân hội Sân khấu An Giang một nhiệm kỳ nhìn lại

(TGAG)- Phân hội Sân khấu thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật An Giang có 57 hội viên, trong đó có 16 hội viên đã được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Phân hội Sân khấu An Giang đã mở 4 trại sáng tác ở các huyện: Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú và viết về lực lượng vũ trang An Giang. Mỗi trại có 30 tác giả trong và ngoài tỉnh tham gia; qua mỗi trại sáng tác, Ban Tổ chức thu được trên 40 tác phẩm và xuất bản 01 tập bài ca cổ, số lượng 500 quyển. Đó là các tuyển tập: VỀ THĂM ĐẤT THOẠI ANH HÙNG, CHÂU THÀNH KHÚC HÁT YÊU THƯƠNG, CHÂU PHÚ CUNG BẬC HỒN QUÊ, TRÁI TIM NGƯỜI LÍNH đã phát hành rộng rãi trên địa bàn tỉnh, được nhiều Trung tâm văn hóa, Câu lạc bộ đờn ca tài tử chọn dàn dựng tiết mục hội thi, hội diễn với nội dung ngợi ca mảnh đất con người quê hương An Giang.


Bên cạnh đó, Phân hội Sân khấu An Giang rất chú trọng đầu tư vào việc in ấn xuất bản tác phẩm cho hội viên, qua một nhiệm kỳ, dù kinh phí còn hạn hẹp, Phân hội cũng đã xuất bản được 17 tập sách, trong đó có 3 đầu sách là in chung nhiều tác giả như: Tập kịch ngắn, ca cảnh cải lương CHUYỆN AO BÔNG SÚNG; và các tập bài ca cổ: KHÚC TÌNH CA QUÊ HƯƠNG và tập AN GIANG, KHÚC HÁT TỰ HÀO.

Nhiệm kỳ qua, Phân hội Sân khấu An Giang đã đầu tư in cho 10 tác giả tuyển tập riêng của mình, đây là nguồn khích lệ rất lớn để hội viên nỗ lực phấn đấu. Trong đó có thể kể ra là: Soạn giả Phong Quang với tập kịch bản cải lương ĐƯỜNG VỀ LỖI GIANG và MÁU THẮM TỔNG ĐỊNH HÒA, soạn giả Hà Nam Quang với tập kịch bản ĐIỀU VÔ GIÁ và VUA HAI NGÔI, soạn giả Như Nguyễn với tập bài ca cổ CHIẾC ĐỆM BÀNG KIM, soạn giả Trần Dương với tập TÌNH ĐỒNG ĐỘI, tác giả Hoàng Yến với tập bài ca cổ ĐỜI SEN, tác giả Tùng Chương với tập KHÚC HÁT ĐỒNG BẰNG, tác giả Thành Trung với tập bài ca cổ SỨC SỐNG MIỀN QUÊ, tác giả Trần Kim Hằng với tập bài ca cổ VỀ MIỀN THƯƠNG NHỚ, tác giả Hoài Nhật Thanh với tập bài ca cổ ĐIỆP KHÚC TÌNH QUÊ, và tác giả Diệp Hoài Lâm với tập HÁT MÃI KHÚC TRI ÂM…

Trong nhiệm kỳ, nhiều hội viên tham gia viết, dự thi các cuộc phát động của các địa phương trong cả nước đã đạt được nhiều giải thưởng cao và được các đài truyền hình dàn dựng thu phát sóng. Thành công nhất là soạn giả Hà Nam Quang với nhiều kịch bản đoạt giải Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và được Đoàn cải lương Trần Hữu Trang dàn dựng, biểu diễn. Tiếp đến là các tác giả: Hoài Nhật Thanh, Trần Kim Hằng, Quang Chính… đoạt rất nhiều giải thưởng các cuộc thi sáng tác trong và ngoài tỉnh, của khu vực và toàn quốc. Đặc biệt, có tác giả Nguyễn Đình Chiến, từ lâu hoạt động ở Phân hội Văn học, nay tham gia hoạt động sân khấu đã liên tiếp đoạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi sáng tác của Khu vực, của thành phố Hồ Chí Minh, và các tỉnh bạn, nhất là viết bài bản Đờn ca tài tử…


Ở lĩnh vực hoạt động đạo diễn chủ yếu là hội viên Phân hội tham gia dàn dựng tiết mục cho các Trung tâm Văn hóa của các huyện, thị, thành; các cơ ngành tham gia các cuộc thi trong và ngoài tỉnh. Bình quân mỗi năm đã dàn dựng 20 kịch bản ngắn, tiểu phẩm, chập cải lương… Tính cả nhiệm kỳ, công tác đạo diễn đã dàn dựng gần 100 kịch bản, tiểu phẩm, cải lương,… phục vụ cho các cuộc liên hoan văn nghệ của các cơ quan ban ngành trong tỉnh, khu vực và đạt được nhiều giải thưởng cao.

Các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử phục vụ rất tốt cho các ngày lễ lớn trong năm, tham gia 4 cuộc Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ do các tỉnh và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức. Qua đó, đạt được 2 giải nhất chương trình, một số cá nhân đạt Huy chương vàng, Huy chương bạc,…

Hội viên Sân khấu tích cực và là lực lượng nòng cốt tham gia biểu diễn các tiết mục hội thi, hội diễn của các Trung tâm văn hóa huyện, thị, thành và của tỉnh; các chương trình phục vụ công chúng trong những ngày lễ lớn; đặc biệt tích cực tập dợt biểu diễn phổ biến tác phẩm mới của lực lượng sáng với những tiết mục hát về quê hương An Giang.

Ngoài ra, phong trào Đờn ca tài tử phát triển lan tỏa trong cộng đồng dân cư có sự đóng góp rất lớn của anh chị em hội viên trên từng địa bàn cư trú, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Hội viên Phân hội tham gia sưu tầm, thu âm tư liệu Âm nhạc tài tử Nam bộ, phối hợp với khu vực và cả nước lập hồ sơ trình Unesco công nhận Đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.

Trong 5 năm qua, Phân hội Sân khấu phối hợp với các Hội Văn học Nghệ thuật huyện, thị, thành trong nhiệm kỳ đã mở được 9 lớp tập huấn bài bản của Đờn ca tài tử trong toàn tỉnh và được sự tham gia của hơn 200 nghệ nhân ở các huyện, thị, thành tham dự. Ngoài các hoạt động đã nêu trên các hội viên Phân hội Sân khấu tỉnh An Giang còn tham gia vào vị trí Ban giám khảo của các hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh.

Một nhiệm kỳ chưa tròn năm năm, với nguồn kinh phí hạn hẹp, đạt được những thành quả kể trên xuất phát từ sự đam mê lao động sáng tạo nghệ thuật của từng hội viên, sự nỗ lực của Ban Chấp hành Phân hội Sân khấu trong việc tập hợp lực lượng hội viên, tổ chức các hoạt động hiệu quả. Phân hội Sân khấu là lực lượng đáng tự hào và đã góp phần không nhỏ trong thành tích của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang trong nhiệm kỳ qua, với 2 năm liên tục nhận Cờ thi đua đơn vị xuất sắc của Ủy ban nhân dân tỉnh; Cờ Đơn vị thi đua xuất sắc 3 năm liên tục (2012, 2013, 2014) của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.../.

MAI HOÀNG
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
38367263