Truy cập hiện tại

Đang có 61 khách và không thành viên đang online

Anh hùng lao động Lư Đình

Lư Đình (Lư Đức Triều) sinh ngày 05/5/1930 tại xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc (nay là thành phố Châu Đốc) tỉnh An Giang. Ông tham gia cách mạng năm 1948.
Ông là bác sỹ, có thời gian công tác lâu năm trong ngành y. Quá trình công tác ông trải qua các chức vụ: Đại úy, Trưởng ban Quân y Tỉnh đội An Giang; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh; Giám đốc Trung tâm Tim mạch An Giang. Ông là người có khởi xướng thành lập Bệnh viện Tim mạch ở An Giang.
Những năm trước đây, ở An Giang có rất nhiều người bị mắc bệnh về tim mạch, đây là bệnh có tỷ lệ tử vong cao, gây tàn phế và trở thành vấn nạn trong xã hội. Điều kiện chăm sóc sức khỏe gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém, nhất là đối với những bệnh về tim mạch, huyết áp, tai biến mạch máu não... Là cán bộ lãnh đạo ngành y tế, xuất thân từ bác sỹ chuyên khoa I về lão khoa, lại có bề dày kinh nghiệm trong khám chữa bệnh lão khoa, bác sỹ Lư Đình rất trăn trở trước thực trạng trên... lúc nào trong ông cũng có một hoài bão là phải xây dựng cho bằng được một Bệnh viện “chuyên khoa về tim mạch” để phục vụ tốt việc khám và chữa bệnh cho nhân dân, giúp người bệnh có nơi điều trị bệnh tốt nhất, giảm bớt những gánh nặng về kinh tế.
Với truyền thống, bản chất tốt đẹp của ngành y; với lòng yêu nghề say đắm, dù trong hoàn cảnh hết sức khó khăn về ngân sách, ông đã đưa ra sáng kiến mà trước đây chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ngành Y tế Việt Nam đó là thành lập một bệnh viện chuyên khoa sâu. Ông mạnh dạn đề xuất với Sở Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh về yêu cầu phải có một “Bệnh viện Tim mạch” tại tỉnh để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân và giảm tải cho tuyến trên. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành chức năng đồng ý và ủng hộ đề xuất này của ông. Bệnh viện chuyên khoa tim mạch được xây dựng bằng nguồn vốn vay. Bệnh viện Tim mạch ra đời thực hiện tốt chương trình dự phòng bệnh tim mạch có trọng điểm, đáp ứng được lợi ích lâu dài là phòng chống có hiệu quả căn bệnh nguy hiểm này.
Xác định hoàn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, trong khi Nhà nước chưa tự cân đối được nhưng nhu cầu xây dựng Bệnh viện chuyên khoa tim mạch là hết sức bức xúc nên khi có nguồn tài chính thực hiện mục đích trên, ông đã cùng với tập thể Ban Giám đốc, Chi ủy và cán bộ, công nhân viên bàn bạc đi đến thống nhất cao, quyết tâm vượt khó khăn, đề xuất thực hiện phương án vay tiền xây dựng Trung tâm Tim mạch, với quy mô 100 giường và trang bị khá đầy đủ những trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho chẩn đoán và điều trị có hiệu quả. Tổng vốn đầu tư hai giai đoạn là 5.936.115.500 đồng VN/lãi suất 1 tỷ 200 triệu. Đây là phương án táo bạo mà trước đó chưa ai dám làm vì sợ không chịu nỗi lãi suất!. Đây cũng được xem là bước đột phá ngành y tỉnh nhà tạo ra hướng đi mới nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn.
Xác định nhân tố con người có ý nghĩa quyết định, quan trọng hàng đầu, ngay từ khi mới thành lập bệnh viện ông đã không ngần ngại cử đội ngũ y, bác sỹ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ dưới mọi hình thức trong nước và ngoài nước, qua đó từng bước đã xây dựng được lực lượng y, bác sỹ giỏi có đủ khả năng và trình độ trong chẩn đoán, khám và điều trị bệnh cho nhân dân. Nếu như năm 1991, chưa có cán bộ trình độ sau đại học, thì năm 1995 có 01 tiến sỹ y khoa, 03 bác sỹ chuyên khoa I, 03 bác sỹ được đào tạo ở Cộng hòa Liên bang Đức.
Trên cương vị là người lãnh đạo, ông luôn quan tâm đến chất lượng và hiệu quả công tác khám chữa bệnh, chú trọng phát triển bệnh viện kiện toàn về mọi mặt: đội ngũ cán bộ, trang thiết bị kỹ thuật, cơ sở vật chất, thái độ phục vụ chu đáo, tận tình... Trong vòng 6 năm khi bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1991 đến năm 1996, tổng số lượng khám ngoại trú và điều trị dự phòng lên đến 103.986 lượt người, giảm tỷ lệ nhồi máu cơ tim từ 26,31% còn 23,34%, giảm chuyển tuyến trên (điều trị tại tỉnh 3.135 cas năm 1996 chiếm 36%) tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân lên đến 2,1 tỷ đồng. Điều quan trọng là giảm được tử vong, tỷ lệ người được sống và phục hồi sau khi điều trị ngày càng tăng. Yếu tố này giúp cho bệnh viện ngày càng được tin yêu và trở thành một cơ sở khám và điều trị có uy tín, kể cả các khu vực lân cận như Thốt Nốt (Cần Thơ), Lấp Vò (Đồng Tháp), cả nhân dân và Việt kiều Campuchia biết đến.
Sau khi về hưu, ngọn lửa đam mê với nghề vẫn cứ thôi thúc trong con người ông. Bác sỹ Lư Đình tiếp tục vận động thành lập và xây dựng một bệnh viện ngoài công lập. Và một bệnh viện ngoài công lập mang tên Hạnh Phúc ra đời. Thầy thuốc ưu tú - bác sỹ Lư Đình lại là người tiên phong trong việc xây dựng mô hình bệnh viện tư nhân ở An Giang. Hiện nay, bệnh viện Hạnh Phúc ngày càng phát triển về quy mô và khẳng định thương hiệu trong khám và điều trị bệnh.
Kế thừa lý tưởng đó, các con ông đang phấn đấu xây dựng bệnh viện ngày càng quy mô, chất lượng, nơi điều trị bệnh tiện nghi, phù hợp với mọi đối tượng, là địa chỉ đáng tin cậy của nhân dân trong tỉnh và các vùng phụ cận.
Với những thành tích trên, theo Quyết định số 552 KT/CTN, ngày 7/11/2000, ông được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Phòng Lịch sử Đảng

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39850553