Truy cập hiện tại

Đang có 132 khách và không thành viên đang online

Anh hùng lao động Nguyễn Văn Hưởng

(TGAG)- Trong cách mạng và kháng chiến chống Pháp, giữa hàng triệu và hàng triệu quần chúng ở Tây Nam Bộ, đã xuất hiện nhiều gương mặt tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, sự dấn thân, trí thông minh, gan dạ, tài năng, sáng kiến, những thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp chung.

Giáo sư, Bác sỹ Nguyễn Văn Hưởng là một trong 36 khuôn mặt tiêu biểu của miền Tây Nam Bộ thời kỳ đó1.

Bác sỹ Nguyễn Văn Hưởng có tên là Nguyễn Thành Tâm, sinh ngày 22/12/1906, quê quán tại làng Mỹ Chánh, (nay là xã Mỹ Hiệp), huyện Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên (nay là An Giang).

Những năm 1927 - 1930, ông học trường Đại học Y khoa Hà Nội. Năm 1931 - 1932, sang Pháp học và tốt nghiệp bác sỹ tại Paris. Năm 1933, ông về nước làm việc tại Viện Pasteur Sài Gòn trong 5 năm. Nơi đây, ông đã chứng kiến sự phân biệt đối xử giữa bác sỹ người Pháp và bác sỹ người Việt, cảnh người nghèo không được cứu chữa tốt trên đất Sài thành. Năm 1939, ông xin thôi việc và mở phòng mạch, phòng xét nghiệm đầu tiên tại Sài Gòn. Tâm huyết với nghề, hết lòng phục vụ người nghèo nên được nhiều người quý mến.

Sau Cách mạng tháng Tám, ông là thành viên Hội đồng Cố vấn Ủy ban nhân dân Nam Bộ. Khi Pháp trở lại tái chiếm Nam Bộ, hưởng ứng lời kêu gọi chuẩn bị kháng chiến của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, ông tản cư về quê nhà.

Ngày 24/10/1945, theo lệnh Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, ông về Mỹ Tho tham gia công tác y tế ở vùng kháng chiến.

Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta vào ngày 06/01/1946, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I của tỉnh Long Xuyên.
Sau Hiệp định sơ bộ 06/3/1946, ông trở về Sài Gòn mở lại phòng mạch và tiếp tục tiếp tế thuốc men, dụng cụ y tế và cứu chữa thương binh cho Chiến khu.

Đầu năm 1947, ông cùng một số trí thức tiêu biểu ở Sài Gòn như Nhà Bác vật Lưu Văn Lang, Giáo sư Đặng Minh Trứ... ký tên và mang bản Tuyên ngôn trí thức năm 1947 đi gặp Cao ủy Bollaert đòi Pháp phải chấm dứt chiến tranh bằng cách ngưng bắn và thương lượng với Chính phủ Hồ Chí Minh.

Giữa năm 1947, ông trở ra khu tham gia kháng chiến, là Ủy viên Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ kiêm Giám đốc Sở Y tế Quân dân Nam Bộ. Ông được kết nạp Đảng vào tháng 7/1953. 

Từ bưng biền, với vốn kiến thức y học tiến bộ cùng với sự cần mẫn, sáng tạo bác sỹ Nguyễn Văn Hưởng cùng đồng nghiệp chế tạo thành công huyết thanh chống uốn ván và nhiều loại vắc xin phòng bệnh khác như đậu mùa, dịch tả.

Bác sỹ Nguyễn Văn Hưởng tuy là một bác sỹ đào tạo theo Tây y nhưng lại có thái độ trân trọng với y học cổ truyền. Ông đã kết hợp hài hòa phương pháp y học phương Tây và y học cổ truyền phương Đông làm nên những bài thuốc nổi tiếng và lưu truyền cho đến ngày nay như “Toa căn bản, Kháng sinh thảo mộc”. Thành tích ấy đã mở ra một trang mới cho nền y học Việt Nam.

Ngoài ra, ông là người có công đầu trong việc tuyên truyền lối sống văn minh, ăn ở vệ sinh trong nhân dân. Với tư cách Giám đốc Sở Y tế, ông đã có hàng loạt sáng kiến cải tiến môi trường sống cho dân cư như vận động nhân dân xây dựng hố xí, xây dựng nhà chống muỗi, nốp cải tiến Nguyễn Văn Hưởng...

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, lần lượt giữ các chức vụ: Giám đốc Bệnh viện 303, Viện trưởng Viện vi trùng học, Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội, Vụ trưởng Vụ Đông y. Từ tháng 3/1969 - 4/1974 là Bộ trưởng Bộ Y tế. Năm 1975, là Viện trưởng Viện Y học Cổ truyền dân tộc thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1983, là Cố vấn Bộ trưởng Bộ Y tế về y học cổ truyền dân tộc. Trong công tác quản lý lẫn nghiên cứu, ông luôn đề cao việc kết hợp Đông Tây y là phương hướng xây dựng nền y học dân tộc. Ông chủ trì biên soạn cuốn Phương pháp dưỡng sinh với 72 động tác cơ bản và đã được tái bản ít nhất 12 lần. Ông cũng là tác giả nhiều ý tưởng độc đáo như đề nghị Chính phủ lập bệnh viện Đông y, mở trường dạy Đông y, bào chế, nghiên cứu thuốc Nam, phương pháp trị bệnh tai biến mạch máu não bằng tập luyện, dùng thuốc Nam, thuốc Bắc và thuốc Tây, bấm huyệt...

Với công lao to lớn trên, ông đã được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, Huân chương Độc lập hạng Nhất... Năm 1996, ông được trao giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I với công trình Toa căn bản, Kháng sinh thảo mộc, Phương pháp dưỡng sinh. Những tháng cuối cùng của mình trên giường bệnh, ông trích 40 triệu đồng, số tiền tích góp cả đời thanh bạch của mình tặng Quỹ từ thiện Báo Sài Gòn Giải phóng để góp phần giúp đỡ cho những sinh viên nghèo vượt khó học giỏi, cán bộ y tế tình nguyện phục vụ vùng sâu, vùng xa theo đuổi ước mơ ngành Y. Tên ông được đặt cho quỹ học bổng trong lĩnh vực y học của Báo Sài Gòn Giải phóng mang tên Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng. Từ đó, học bổng Bác sỹ Hưởng góp phần chắp cánh ước mơ cho những sinh viên nghèo, hiếu học vươn tới những hoài bão ngành y và ngày nay có không ít những bác sỹ thành đạt, noi theo tấm gương tài năng và y đức của bác sỹ Hưởng để trị bệnh, cứu người.

Ngày 06/8/1998, ông mất tại thành phố Hồ Chí Minh để lại niềm tiếc thương vô hạn cho bạn bè, đồng chí, đồng đội. Anh hùng lao động, Giáo sư, Bác sỹ Nguyễn Văn Hưởng là niềm tự hào, là biểu tượng tài năng và y đức của nền y học Việt Nam.

                                                                                                                            Phòng Lịch sử Đảng

_________________________
1. Lịch sử Tây Nam bộ kháng chiến, tập 1 (1945 - 1954), NXB Chính trị Quốc gia.


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40416175