Truy cập hiện tại

Đang có 168 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Cách mạng Tháng Mười Nga

(TGAG)- Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-1980) mà nhân dân ta quen gọi là Bác Tôn, một chiến sĩ lão thành cách mạng, từng bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Côn Đảo 15, 16 năm trời (1929 đến 1945) và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cho đến khi qua đời, đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Chính phủ và nhà nước, là người Việt Nam đầu tiên đến với Cách mạng Tháng Mười Nga.

Vốn là công nhân thợ máy đóng tàu Sài Gòn, năm 1916, Bác Tôn bị động viên vào Hải quân Pháp. Ngày 7-11-1917, Cách mạng vô sản Nga thành công. Các nước đế quốc câu kết nhau can thiệp vũ trang, hòng bóp chết nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Ngày 16-4-1919, một hạm đội Pháp gồm 5 chiến hạm: Phờ-răng-xơ, Phơ-rô-tôr, Grăng-ba, Giuýt-xtít, và Van đếch Rút-xô tiến vào biển Đen, bắn phá hải cảng Xê-va-xtô-pôn. Lúc này, Bác Tôn là một thợ máy trên chiến hạm Phờ-răng-xơ. Bác đã cùng anh em binh sĩ Pháp dũng cảm đứng lên phản chiến. Ngày 18-4, cuộc phản chiến nổ ra trên tàu Phờ-răng-xơ. Toàn thể binh lính và công nhân đã cử đại biểu đến gặp Ban chỉ huy đòi đình chỉ cuộc can thiệp chống nước Nga Xô viết và từ chối thi hành mệnh lệnh tiến công. Được đồng đội phân công, Bác Tôn đã kéo cờ đỏ trên chiến hạm để chào mừng nhà nước vô sản đầu tiên trong lịch sử loài người. Sau này Bác Tôn kể lại:

“Chiến hạm Pháp sắp qua eo biển Đác-đa-nen, không khí trên tàu sôi sục, kỷ luật quân sự hầu như không còn tác dụng nữa. Đây đó từng tốp năm ba người họp bàn đòi chấm dứt chiến tranh, chấm dứt cuộc xâm lược bẩn thỉu chống nước Nga Xô viết. Sau đó, thủy thủ họp mít tinh để đấu tranh chống bọn chỉ huy và họ bảo tôi: Trước khi mít tinh, anh ra kéo cờ nhé. Kéo cờ lên để cho chiến hạm của Hồng quân biết chúng ta là bạn chứ không phải là thù”. Vào khoảng gần sáng, chiến hạm đã vào Biển Đen. Khi tiếng kèn tập hợp vừa nổi lên thì ngọn cờ đỏ đã tung bay trên cột cờ. Trong giây phút lịch sử đó, Bác Tôn suy nghĩ:

“Chúng tôi chào các bạn bằng lá cờ đỏ được giương lên ở biển Đen. Tôi mơ ước cũng lá cờ đỏ này, tuần dương hạm sẽ cặp bến Nga. Tôi sẽ lên bờ và được dịp tham gia cuộc cách mạng và học tập các bạn Nga, để trở về Tổ quốc giúp đỡ dân tộc tôi vứt bỏ ách nô lệ... Tôi tin rằng ở đó nhân dân lao động đã vùng lên để quét sạch mọi áp bức, bất công và tôi, một công nhân của dân tộc thuộc địa da màu đã từng phải chịu đựng. Tôi tin rằng ở đó người ta đang xây dựng một thế giới đẹp đẽ, thật sự công bằng”.

Đấy là một niềm tin sắt đá xuất phát từ trái tim một chiến sĩ cách mạng đã từng đấu tranh trong hàng ngũ giai cấp công nhân, cả trong nước lẫn ở hải ngoại. Mặc dù lúc này, còn lâu Đảng ta mới ra đời nhưng rõ ràng, Tôn Đức Thắng đã ý thức được tinh thần quốc tế vô sản cao cả.

Trong các ngày 23-4, 28-4 và 30-4, toàn bộ tàu chiến của Pháp rút khỏi Biển Đen, mà đi đầu là chiến hạm Phờ-răng-xơ trên đó có người thủy thủ Việt Nam dũng cảm Tôn Đức Thắng. Âm mưu tấn công nước Nga Xô viết của đế quốc Pháp bị thất bại. Cũng sau này, Bác Tôn nói một cách khiêm tốn:

“Tôi tin rằng bất kỳ người Việt Nam yêu nước nào, nhất là công nhân, được tham gia vào những giờ phút lịch sử đó tại Biển Đen, không thể hành động khác tôi, bởi vì yêu tổ quốc và căm thù đế quốc, cũng có nghĩa là yêu cách mạng Tháng Mười và căm thù những kẻ chống lại Cách mạng Tháng Mười”.

Tháng 11-1967, nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, nhà nước Liên Xô đã tặng Bác Tôn Huân chương Lê-nin, huân chương cao nhất của Liên Xô, để ghi nhận công lao của Bác trong sự nghiệp bảo vệ Cách mạng Tháng Mười Nga và xây dựng tình hữu nghị Xô - Việt.

T.Quỳnh

Nguồn: Lịch Sử Việt Nam

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39989365