Truy cập hiện tại

Đang có 156 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Nhơn Hưng - chốt thép anh hùng...

(TGAG)- Những ngày tháng Tư lịch sử, tôi về thăm lại “chốt thép Nhơn Hưng”, nơi được mệnh danh là “cái nôi cách mạng” của huyện biên giới Anh hùng Tịnh Biên (An Giang). Đi trên con đường tráng nhựa, dưới bóng mát của những hàng dừa, hàng thốt lốt, nhà cửa hai bên đường khang trang, những em học sinh đang tung tăng đến trường… Tôi cảm nhận được sự yên bình và sức sống mới trên vùng đất anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.  Nhơn Hưng hôm nay đang đổi thay từng ngày…
    
        Năm 2013, tôi tháp tùng cùng đoàn văn nghệ sĩ An Giang đi thực tế sáng tác tại huyện Tịnh Biên, đoàn có đến tìm hiểu về vùng đất Nhơn Hưng. Sau chuyến đi đó, tôi cứ suy nghĩ mãi về vùng đất anh hùng này và không ngừng thôi thúc mình làm một chuyến trở lại Nhơn Hưng để tìm hiểu kỹ hơn và để trả lời cho câu hỏi: Tại sao vùng đất biên giới này lại kiên cường và anh dũng như thế? Đặc biệt là trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.


       Giữa cái nắng gắt hanh của những ngày mùa hạ đổ lửa như những chùm phượng vĩ rực đỏ trên đường vào xứ núi biên giới và tôi đã trở lại Nhơn Hưng.  Tôi đến Nhơn Hưng cũng là lúc những người nông dân chuẩn bị xuống giống lúa cho vụ Hè - Thu. Trên cánh đồng rộn ràng tiếng máy cày, máy xới, tiếng máy bơm nước, tiệt nhiên không còn hình ảnh “con trâu đi trước cái cày theo sau”, nhiều công đoạn chuẩn bị cho một vụ mùa mới đã được “máy móc hóa”. Hơn 80% dân số ở xã Nhơn Hưng sống chủ yếu bằng nông nghiệp, trồng lúa, trồng rẫy, cây màu và cây ăn trái. Cuộc sống yên bình đang hiển hiện dưới chân núi Trà Sư này.

       Tinh thần yêu nước của nhân dân Nhơn Hưng được hun đúc từ những năm XX của thế kỷ trước. Vào những năm 1921- 1923, trên bước đường hoạt động, cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đến chùa Hòa Thạnh (Nhơn Hưng) để hốt thuốc, dạy chữ và truyền bá tinh thần yêu nước cho nhân dân trong vùng. Trong những năm đấu tranh thành lập Đảng, xã Nhơn Hưng được mệnh danh là vùng đất cách mạng của huyện. Vùng đất này là nơi đã thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Tịnh Biên vào tháng 7-1930. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nhơn Hưng đã kiên cường kháng chiến chống lại thực dân Pháp, đánh Mỹ- Ngụy và bọn diệt chủng Pôn Pốt tràn sang từ bên kia biên giới trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam ngay sau giải phóng năm 1975 và từ đó, vùng đất này gắn với nhiều giai thoại về sức chịu đựng, sự hy sinh và làm kẻ thù khiếp sợ.

       Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, tôi về lại Nhơn Hưng để lắng nghe các cô, chú cựu chiến binh kể những câu chuyện oai hùng một thời máu lửa trên những tuyến chốt biên giới của quân dân đánh lui bọn diệt chủng Pôn Pốt giữ vững Nhơn Hưng. Chú Lê Văn Be, nguyên Xã Đội trưởng Nhơn Hưng (1980 -1982) kể lại: Sau giải phóng miền Nam, niềm vui xum họp gia đình, hòa bình yên ổn làm ăn chưa lâu thì biên giới Tây Nam lại vang lên tiếng súng, những ngày đầu chỉ là đánh lẻ tẻ, pháo kích nhưng cũng làm cho tình hình biên giới luôn bất ổn. Đến ngày 30-4-1977, bọn diệt chủng Pôn Pốt bất ngờ đồng loạt nổ súng tấn công 14 xã biên giới của tỉnh. Bọn chúng đánh đến đâu là tàn phá, giết sạch, đốt sạch đến đó. Nhơn Hưng nhờ địa thế quân sự đặc biệt, và với sự mưu trí kiên cường của các chiến sĩ đã giữ vững trận địa.

       Mặc dù giữ được trận địa, nhưng hai bên trong thế giằng co, còn quân dân Nhơn Hưng thì chỉ đánh cầm cự và bị bao vây. Cô Phạm Thị Ánh, Bí thư Chi bộ Nhơn Hưng (1978 – 1980) nhớ lại: Trước tình hình chiến sự ác liệt, Chi bộ nhất trí di tản dân về tuyến sau an toàn, tăng cường du kích ấp giữ đồn Cây Mít, huy động những ai đủ khả năng chiến đấu ở lại bảo vệ quê hương. Cô Ánh kể: lúc đó tôi đang mang thai sắp sinh, nhưng cũng phải chạy đôn, chạy đáo vận động thanh niên trai tráng, vừa chiến đấu, vừa lao động… và quân dân du kích Nhơn Hưng với quyết tâm đã giữ vững được trận địa.

       Còn chú Lê Văn Cang, nguyên Xã Đội phó (1978-1980), bồi hồi nhớ lại những năm tháng hào hùng: Lúc đó chúng tôi chiến đấu chỉ với một điều duy nhất là ráng giữ Nhơn Hưng, chứ không có nghĩ xa hơn về thế trận, về ưu thế trong cuộc phản công và làm bàn đạp để tiến công, đẩy lùi bọn giặc ra khỏi biên giới. Nhơn Hưng cầm cự được là nhờ địa hình của căn cứ và hệ thống lô cốt đồn Cây Mít... Nhờ vậy, trong những năm 1960- 1965 phong trào cách mạng ở Nhơn Hưng phát triển mạnh mẽ, nhờ địa thế rừng rậm và hoang sơ, nhưng lại gần trung tâm, cho nên Huyện ủy Tịnh Biên đã đặt căn cứ ở đây trong một thời gian để chỉ đạo cuộc kháng chiến và nhờ chính quyền Nhơn Hưng lúc đó là “cơ sở” do cách mạng cài cắm vào nên rất an toàn. Vào những năm 1970, Mỹ- Nguỵ ra sức càn quét và bắn phá dữ dội vào các căn cứ của cách mạng ở Nhơn Hưng. Bọn chúng xây dựng tại đây một đồn bót kiên cố, chắc chắn, với hệ thống hào và lô-cốt vững vàng để triệt phá cách mạng vùng này. Trước tình hình khó khăn như thế, Huyện ủy đành phải rút khỏi Nhơn Hưng về đóng tại mép núi Dài. Chú Lê Văn Cang kể tiếp cho tôi nghe về không khí ngày giải phóng: Tôi còn nhớ, ở Nhơn Hưng này đến sáng mùng 1-5-1975, quân cách mạng mới vào tiếp quản, cô Tám Cam cầm cờ và được hai chiến sĩ đi sau hộ tống, dân làng đổ ra đường hò reo, vui mừng, còn lính chế độ cũ thì cũng chờ sẵn quân ta vào để bàn giao vũ khí về quê làm ruộng…  Sau khi tiếp quản, phía ta cũng sử dụng lại đồn Cây Mít làm căn cứ Xã Đội, và nhờ căn cứ này mà giữ vững được Nhơn Hưng trong chiến tranh biên giới Tây Nam.
       Anh Nguyễn Văn Nê, Chỉ huy trưởng BCH Quân sự xã Nhơn Hưng dẫn tôi đến căn cứ đồn Cây Mít năm xưa, hiện giờ là trụ sở của Ban chỉ huy Quân sự xã. Anh Nê vừa chỉ dẫn, vừa giới thiệu hệ thống lô-cốt còn lại đến giờ. Với vị thế một mặt giáp kinh Vĩnh Tế, một mặt trông ra ngã ba phía trước như cái hàm ếch, căn cứ trở thành nơi “dễ phòng, khó công”. Dọc theo tuyến biên giới thuộc địa bàn xã khi đó, dân quân và du kích đã đào nhiều công sự, chiến hào, bố trí nhiều chốt phục kích. Phía ngoài khu vực chốt ta gài mìn, chông, hàng rào kẽm gai, khi địch lọt vào, ta bấm mìn nổ, rồi bắn hỏa lực và xung phong truy địch... Anh Nê nói thêm, bây giờ khấm khá lên thì đường sá mới được mở mang rộng rãi và đông đúc như thế, chứ ngày xưa như mấy chú kể, nơi đây hoang sơ lắm.

       Trong những ngày tháng Tư, về Nhơn Hưng nghe các chú kể về một thời chiến tranh hào hùng, kiên cường cũng hết sức gian khổ, hy sinh. Giữa cái sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Chiều nay còn ngồi ăn chung mâm cơm, đến tối giặc tràn sang có thể hy sinh, thế là vĩnh viễn không gặp nhau… Trong những câu chuyện các cô chú kể, có câu chuyện về sự anh dũng chiến đấu và chỉ huy anh em chiến đấu giữ căn cứ của Anh hùng LLVT Xã đội trưởng Huỳnh Vũ Hùng hoặc câu chuyện về sự quả cảm, mưu trí và luôn xung phong của liệt sĩ Xã đội phó Trần Văn Nuôi và tấm gương chiến đấu ngoan cường không lùi bước của liệt sĩ Nguyễn Văn Bình… Rất nhiều tấm gương tiêu biểu để tự hào và trân trọng về quá khứ. Cũng nhờ đó mà Nhơn Hưng là xã biên giới duy nhất của tình An Giang không bị bọn Pôn Pốt chiếm giữ. Và đầu năm 1979, quân chủ lực Quân khu 9 kết hợp với bộ đội địa phương đồng loạt phản công đẩy lui bọn diệt chủng Pôn Pốt ra khỏi bờ cõi, kết thúc cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.

       Với những chiến công vẻ vang như thế, quân và dân xã Nhơn Hưng đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân hai lần (vào năm 1979 và năm 2004). Đó là niềm danh dự lớn lao không riêng gì của xã Nhơn Hưng mà của cả tỉnh An Giang. Và khu di tích đồn Cây Mít ngày trước, bây giờ là BCH Quân sự xã Nhơn Hưng được xem là “Chốt thép Nhơn Hưng” giữ vững sự bình yên cho vùng biên cương của Tổ quốc bên bờ kinh Vĩnh Tế hiền hòa. Đến nay, UBND tỉnh An Giang đã công nhận “Chốt thép Nhơn Hưng” là di tích cách mạng cấp tỉnh.

       Năm tháng trôi qua, hòa bình trở lại trên quê hương đất nước, nhân dân xã Nhơn Hưng anh hùng đã thoát khỏi đói nghèo và nỗ lực xây dựng cuộc sống ấm no từ các Chương trình 135, 116 của Chính phủ. Cuộc sống yên bình và sung túc đã hiển hiện trong mỗi ngôi nhà, trên mỗi con đường ở các phum, sóc dưới chân ngọn núi Trà Sư. Nơi đây, thời chiến tranh là chiến trường khốc liệt, đã hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn của kẻ thù, ngày nay đã được thay thế bởi những cánh đồng lúa xanh tươi, những hàng cây thốt nốt đang vươn mình giữa một vùng đất khô cằn, mang đến cho đời hương vị ngọt ngào, mát mẻ… Theo Bí thư Đảng uỷ xã Cao Quang Minh, để tưởng nhớ công ơn của những người đã hy sinh, góp phần đem lại bình yên cho vùng đất này, chính quyền địa phương đã xây dựng Nhà bia liệt sĩ, phục dựng lại Căn cứ Huyện ủy, Chốt thép Nhơn Hưng… đồng thời kết hợp xây dựng nhà truyền thống, khai thác hai di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh và một di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia để giáo dục truyền thống anh hùng của quê hương cho các em biết được những chiến công và sự hy sinh của cô chú ngày trước để các em sống tốt hơn, có trách nhiệm với gia đình và xã hội…

       Dòng kinh Vĩnh Tế chảy qua xã Nhơn Hưng hơn 5 km được đào từ thời Thoại Ngọc Hầu năm 1819, luôn mang theo những luồng gió mát thổi vào. Ở đó chứa đựng biết bao huyền thoại của một thời khai hoang mở cõi và những chiến công giữ nước của ông cha. Vang vọng trong tôi giữa trưa hè tháng Tư lịch sử, tiếng hò reo của những em nhỏ học sinh của Trường THCS Nguyễn Sinh Sắc trong giờ tan trường, đang tung tăng trên đường về. Và tôi biết thêm một thế hệ con em Nhơn Hưng sẽ lớn lên trong hòa bình no ấm, sẽ dựng xây vùng đất biên cương ngày thêm trù phú, xứng đáng với sự hy sinh của lớp lớp cha anh đi trước./.

TRẦN SANG
Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40092380