Công tác Lịch sử Đảng
Trận chống càn tại xã Khánh Hòa
- Được đăng: Thứ ba, 04 Tháng 10 2016 14:40
- Lượt xem: 3731
(TGAG)- Năm 1969, chấp hành Chỉ thị của Tỉnh ủy, Tỉnh Đội quyết định mở đợt võ trang tuyên truyền, phát động quần chúng lần thứ 3 xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng đồng bào có đạo Hòa Hảo (vùng O), đồng thời căng kéo địch ra khỏi chiến trường Bảy Núi, giúp cho đại bộ phận lực lượng ở hướng chính từ Tân Châu xuống Phú Tân hoạt động thuận lợi. Tỉnh đội giao nhiệm vụ cho Đại đội bộ binh 1 kết hợp với bộ đội địa phương huyện Châu Phú đứng chân tại Khánh Hòa chặn đánh, căng kéo không cho địch vượt qua cù lao KaTamBong đến tiếp viện vùng O.
Ngày 17/3/1969, Ban Chỉ huy Đại đội 1 nhận được điện từ Sở chỉ huy báo tin địch chuẩn bị phản kích, càn vào Khánh Hòa với lực lượng gồm 01 thiết đoàn 52 xe M113 - M118, 01 tiểu đoàn biệt động quân, 02 đại đội Bảo an tỉnh Châu Đốc được yểm trợ của trận địa pháo Núi Sam (2 khẩu), Châu Đốc (2 khẩu), 6 tàu, trực thăng võ trang, phản lực ném bom.
Đại đội bộ binh 1 là đơn vị chủ công của Tiểu đoàn 512 biên chế gồm 02 trung đội bộ binh, 01 trung đội hỏa lực, 29 cán bộ chiến sĩ do đồng chí Tư Thành làm Đại đội trưởng, đồng chí Tư Hờn làm Chính trị viên. Trong trận này, đồng chí Ninh, Chính trị viên Tiểu đoàn và đồng chí Ba Tùng cán bộ tác chiến của tỉnh phối hợp với 1 tổ trinh sát của tỉnh, một bộ phận bộ đội địa phương quân huyện Châu Phú.
Sau khi nhận nhiệm vụ, Đại đội bộ binh 1 hành quân đến vị trí tập kết tại ngả ba xóm Chùa (ấp Khánh Thuận), Ban Chỉ huy họp cán bộ chiến sĩ để phổ biến kế hoạch tác chiến: xây dựng công sự vững chắc, bí mật đợi địch đến thật gần, bất ngờ nổ súng tiêu diệt những xe đi đầu, bộ binh bắn tiêu diệt bọn lính đi theo xe, kiên quyết giữ vững trận địa, nếu có thời cơ sẽ xuất kích truy đuổi khi có lệnh của chỉ huy.
Kế hoạch chống càn tại xã Khánh Hòa được vạch ra cụ thể: Trung đội 1 do đồng chí Thành, Trung đội trưởng chỉ huy, bố trí lực lượng từ công sự hướng chính diện tới bờ Đông rạch Cây Sung đến ngả ba đường đất, chiều rộng 50 mét và một công sự nằm ở phía qua cầu rạch về phía Đông đường đất, nhiệm vụ đánh địch đi cặp bờ Đông rạch Cây Sung.
Trung đội 2 do đồng chí Danh, Trung đội trưởng chỉ huy, bố trí công sự nối tiếp Trung đội 1 khóa đuôi đội hình cách ngả ba đường đất về phía Đông Nam 60 mét, nhiệm vụ đánh địch từ hướng Nam, giữ sườn phía Đông Nam cho Trung đội 1, đồng thời đánh địch từ phía Đông Nam.
Khẩu cối 61 ly của Trung đội 3 nằm phía sau đội hình Đại đội bộ binh 1, cách ngả ba 100 mét về phía Bắc, nhiệm vụ bắn theo lệnh Ban Chỉ huy. Bộ phận trinh sát tỉnh và đồng chí chính trị viên tiểu đoàn, cán bộ tác chiến tỉnh đóng ở hai bờ vàm rạch Cây Sung.
Bộ đội địa phương huyện đóng cách ngả ba 1,2 km về phía Tây Bắc, nhiệm vụ đánh địch từ đầu ấp Khánh Thuận, chốt giữ đường cho lực lượng ta rút quân.
12 giờ ngày 17/3/1969, gần khu vực Sở chỉ huy, một toán dân vệ từ phía Đông Nam đi cặp bờ sông tới bến đò Thơm Rơm đụng bộ phận trinh sát của tỉnh, hai bên nổ súng, địch bỏ chạy. Cách đó 70 mét, một tổ tiền tiêu của Trung đội 2 xuống phía Đông Nam tấn công một toán dân vệ, địch bỏ chạy.
13 giờ 15 phút, pháo địch từ Châu Đốc, Núi Sam cùng hỏa lực của tàu địch chạy trên sông Hậu bắn lên trận địa của ta. Qua quan sát có rất nhiều thiết giáp, bộ binh của địch từ ngọn rạch Cây Sung chạy về phía Đông Nam. 13 giờ 20 phút địch chia làm 2 mũi tấn công bờ Đông rạch Cây Sung và theo đường đất vào hướng Trung đội 1 và Trung đội 2. Khẩu B41 nổ súng, chiếc thiết giáp bốc cháy. Toàn bộ trận địa B40, B41 đều nổ, khẩu đại liên bắn quét bọn lính chạy sau xe. Kết quả, 2 xe bị cháy, một xe bị đứt xích, những tên lính chạy ra khỏi xe đều bị tiêu diệt tại chỗ.
Bị đánh bất ngờ, địch hốt hoảng lùi xa khoảng 200 mét để củng cố lực lượng, chúng cho máy bay phản lực dội 4 phi vụ bom vào trận địa làm 2/3 công sự của ta bị hư hỏng, một số đồng chí bị thương nhẹ. Ngay sau khi dứt bom, toàn đơn vị nhanh chóng củng cố công sự chuẩn bị chiến đấu.
Gần 15 giờ, thiết giáp và bộ binh địch tiến công hướng về phía Trung đội 2, bộ binh cùng hỏa lực dưới tàu bắn vào trận địa. Các chiến sĩ dũng cảm bám vào công sự, từ cự ly 15 - 20 mét, trung đội đồng loạt nổ súng, khẩu cối 61 ly được lệnh bắn cấp tập vào đoàn xe ở cự ly 120 mét. Trước sức đánh trả quyết liệt của đại đội, một số xe bốc cháy, một vài xe khác bị hư. Hơn nửa giờ sau, địch di chuyển từ giữa đồng về phía Đông Nam cặp theo hai bên đường đất đánh lên khóa đuôi Trung đội 2 ở cuối đội hình. Xe và bộ binh địch cùng hỏa lực dưới tàu bắn tới tấp vào trận địa. Đại đội bộ binh 1 phải quần nhau với địch rất quyết liệt nhưng các chiến sĩ vẫn rất bình tĩnh phản công. Một xe bốc cháy, địch hốt hoảng chạy tràn ra đồng.
Trời sụp tối, địch không mở được hướng khác, tiếp tục hai lần tiến công vào trận địa, đều bị đại đội bắn cháy xe và tiêu diệt nhiều tên lính bộ binh.
19 giờ, địch cho máy bay trực thăng soi đường tiếp tục tiến công vào trận địa. Chờ xe đến thật gần, toàn trận địa nổ súng, trận địa mịt mù khói, sáng rực lửa thiết giáp cháy. Trung đội trưởng Trung đội 2 hết đạn B41 đợi xe đến gần (cách công sự 5 mét) ném 1 quả thủ pháo dù, tiêu diệt chiếc xe cuối cùng, địch không thể tiến lên phải lùi xa. Tranh thủ thời gian địch rút chạy, Ban Chỉ huy cho đơn vị rút quân theo hướng Tây Bắc về căn cứ.
Qua một ngày chiến đấu vô cùng ác liệt, Đại đội bộ binh 1 cùng địa phương quân huyện Châu Phú đã tiêu diệt gần 200 tên lính, bắn cháy 13 thiết giáp M113 và M118 (11 chiếc nằm tại chỗ). Với chiến thắng này, Đại đội bộ binh 1 được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng Hạng Nhì, 3 cán bộ chiến sĩ được tặng 3 Huân chương Chiến công giải phóng Hạng Ba.
Trận chống càn tại xã Khánh Hòa đã tạo được tiếng vang lớn, Đại đội bộ binh 1 đã tổ chức một trận đánh rất táo bạo làm cho địch ở Châu Đốc hết sức hoang mang, lo sợ. Qua trận đánh đã củng cố quyết tâm và trui rèn bản lĩnh, lòng dũng cảm của tập thể cán bộ, chiến sĩ Đại đội bộ binh 1, một đơn vị điển hình của lực lượng vũ trang tỉnh An Giang.
__________
* Tài liệu tham khảo: Những trận đánh trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc của lực lượng vũ trang tỉnh An Giang, tập II do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang, xuất bản 1993.
Ngày 17/3/1969, Ban Chỉ huy Đại đội 1 nhận được điện từ Sở chỉ huy báo tin địch chuẩn bị phản kích, càn vào Khánh Hòa với lực lượng gồm 01 thiết đoàn 52 xe M113 - M118, 01 tiểu đoàn biệt động quân, 02 đại đội Bảo an tỉnh Châu Đốc được yểm trợ của trận địa pháo Núi Sam (2 khẩu), Châu Đốc (2 khẩu), 6 tàu, trực thăng võ trang, phản lực ném bom.
Đại đội bộ binh 1 là đơn vị chủ công của Tiểu đoàn 512 biên chế gồm 02 trung đội bộ binh, 01 trung đội hỏa lực, 29 cán bộ chiến sĩ do đồng chí Tư Thành làm Đại đội trưởng, đồng chí Tư Hờn làm Chính trị viên. Trong trận này, đồng chí Ninh, Chính trị viên Tiểu đoàn và đồng chí Ba Tùng cán bộ tác chiến của tỉnh phối hợp với 1 tổ trinh sát của tỉnh, một bộ phận bộ đội địa phương quân huyện Châu Phú.
Sau khi nhận nhiệm vụ, Đại đội bộ binh 1 hành quân đến vị trí tập kết tại ngả ba xóm Chùa (ấp Khánh Thuận), Ban Chỉ huy họp cán bộ chiến sĩ để phổ biến kế hoạch tác chiến: xây dựng công sự vững chắc, bí mật đợi địch đến thật gần, bất ngờ nổ súng tiêu diệt những xe đi đầu, bộ binh bắn tiêu diệt bọn lính đi theo xe, kiên quyết giữ vững trận địa, nếu có thời cơ sẽ xuất kích truy đuổi khi có lệnh của chỉ huy.
Kế hoạch chống càn tại xã Khánh Hòa được vạch ra cụ thể: Trung đội 1 do đồng chí Thành, Trung đội trưởng chỉ huy, bố trí lực lượng từ công sự hướng chính diện tới bờ Đông rạch Cây Sung đến ngả ba đường đất, chiều rộng 50 mét và một công sự nằm ở phía qua cầu rạch về phía Đông đường đất, nhiệm vụ đánh địch đi cặp bờ Đông rạch Cây Sung.
Trung đội 2 do đồng chí Danh, Trung đội trưởng chỉ huy, bố trí công sự nối tiếp Trung đội 1 khóa đuôi đội hình cách ngả ba đường đất về phía Đông Nam 60 mét, nhiệm vụ đánh địch từ hướng Nam, giữ sườn phía Đông Nam cho Trung đội 1, đồng thời đánh địch từ phía Đông Nam.
Khẩu cối 61 ly của Trung đội 3 nằm phía sau đội hình Đại đội bộ binh 1, cách ngả ba 100 mét về phía Bắc, nhiệm vụ bắn theo lệnh Ban Chỉ huy. Bộ phận trinh sát tỉnh và đồng chí chính trị viên tiểu đoàn, cán bộ tác chiến tỉnh đóng ở hai bờ vàm rạch Cây Sung.
Bộ đội địa phương huyện đóng cách ngả ba 1,2 km về phía Tây Bắc, nhiệm vụ đánh địch từ đầu ấp Khánh Thuận, chốt giữ đường cho lực lượng ta rút quân.
12 giờ ngày 17/3/1969, gần khu vực Sở chỉ huy, một toán dân vệ từ phía Đông Nam đi cặp bờ sông tới bến đò Thơm Rơm đụng bộ phận trinh sát của tỉnh, hai bên nổ súng, địch bỏ chạy. Cách đó 70 mét, một tổ tiền tiêu của Trung đội 2 xuống phía Đông Nam tấn công một toán dân vệ, địch bỏ chạy.
13 giờ 15 phút, pháo địch từ Châu Đốc, Núi Sam cùng hỏa lực của tàu địch chạy trên sông Hậu bắn lên trận địa của ta. Qua quan sát có rất nhiều thiết giáp, bộ binh của địch từ ngọn rạch Cây Sung chạy về phía Đông Nam. 13 giờ 20 phút địch chia làm 2 mũi tấn công bờ Đông rạch Cây Sung và theo đường đất vào hướng Trung đội 1 và Trung đội 2. Khẩu B41 nổ súng, chiếc thiết giáp bốc cháy. Toàn bộ trận địa B40, B41 đều nổ, khẩu đại liên bắn quét bọn lính chạy sau xe. Kết quả, 2 xe bị cháy, một xe bị đứt xích, những tên lính chạy ra khỏi xe đều bị tiêu diệt tại chỗ.
Bị đánh bất ngờ, địch hốt hoảng lùi xa khoảng 200 mét để củng cố lực lượng, chúng cho máy bay phản lực dội 4 phi vụ bom vào trận địa làm 2/3 công sự của ta bị hư hỏng, một số đồng chí bị thương nhẹ. Ngay sau khi dứt bom, toàn đơn vị nhanh chóng củng cố công sự chuẩn bị chiến đấu.
Gần 15 giờ, thiết giáp và bộ binh địch tiến công hướng về phía Trung đội 2, bộ binh cùng hỏa lực dưới tàu bắn vào trận địa. Các chiến sĩ dũng cảm bám vào công sự, từ cự ly 15 - 20 mét, trung đội đồng loạt nổ súng, khẩu cối 61 ly được lệnh bắn cấp tập vào đoàn xe ở cự ly 120 mét. Trước sức đánh trả quyết liệt của đại đội, một số xe bốc cháy, một vài xe khác bị hư. Hơn nửa giờ sau, địch di chuyển từ giữa đồng về phía Đông Nam cặp theo hai bên đường đất đánh lên khóa đuôi Trung đội 2 ở cuối đội hình. Xe và bộ binh địch cùng hỏa lực dưới tàu bắn tới tấp vào trận địa. Đại đội bộ binh 1 phải quần nhau với địch rất quyết liệt nhưng các chiến sĩ vẫn rất bình tĩnh phản công. Một xe bốc cháy, địch hốt hoảng chạy tràn ra đồng.
Trời sụp tối, địch không mở được hướng khác, tiếp tục hai lần tiến công vào trận địa, đều bị đại đội bắn cháy xe và tiêu diệt nhiều tên lính bộ binh.
19 giờ, địch cho máy bay trực thăng soi đường tiếp tục tiến công vào trận địa. Chờ xe đến thật gần, toàn trận địa nổ súng, trận địa mịt mù khói, sáng rực lửa thiết giáp cháy. Trung đội trưởng Trung đội 2 hết đạn B41 đợi xe đến gần (cách công sự 5 mét) ném 1 quả thủ pháo dù, tiêu diệt chiếc xe cuối cùng, địch không thể tiến lên phải lùi xa. Tranh thủ thời gian địch rút chạy, Ban Chỉ huy cho đơn vị rút quân theo hướng Tây Bắc về căn cứ.
Qua một ngày chiến đấu vô cùng ác liệt, Đại đội bộ binh 1 cùng địa phương quân huyện Châu Phú đã tiêu diệt gần 200 tên lính, bắn cháy 13 thiết giáp M113 và M118 (11 chiếc nằm tại chỗ). Với chiến thắng này, Đại đội bộ binh 1 được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng Hạng Nhì, 3 cán bộ chiến sĩ được tặng 3 Huân chương Chiến công giải phóng Hạng Ba.
Trận chống càn tại xã Khánh Hòa đã tạo được tiếng vang lớn, Đại đội bộ binh 1 đã tổ chức một trận đánh rất táo bạo làm cho địch ở Châu Đốc hết sức hoang mang, lo sợ. Qua trận đánh đã củng cố quyết tâm và trui rèn bản lĩnh, lòng dũng cảm của tập thể cán bộ, chiến sĩ Đại đội bộ binh 1, một đơn vị điển hình của lực lượng vũ trang tỉnh An Giang.
__________
* Tài liệu tham khảo: Những trận đánh trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc của lực lượng vũ trang tỉnh An Giang, tập II do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang, xuất bản 1993.
TRÚC LINH