Truy cập hiện tại

Đang có 342 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Nam bộ kháng chiến giữ lời thề “Độc lập hay là chết!”

(TGAG)- Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thực tế lịch sử lúc bấy giờ, Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh Nam bộ phải đối diện với tình hình hết sức khó khăn, căng thẳng. Lực lượng quân đội phát xít Nhật ở Nam bộ vốn đông và mạnh nhất so với các địa phương khác trong cả nước. Tuy đã tuyên bố đầu hàng quân đội Đồng minh, song quân đội Nhật ở miền Nam vẫn nắm giữ những vị trí quan trọng cùng với một lượng lớn vũ khí trang bị. Tình hình càng trở lên khó khăn hơn khi cùng với 20 vạn quân Tưởng ở miền Bắc, là quân Pháp với sự hậu thuẫn của quân đội Anh cũng tiến vào Nam bộ dưới danh nghĩa giải giáp vũ khí phát xít Nhật nhưng thực chất là thực hiện mưu đồ tái xâm lược. Điểm chung nhất của các lực lượng này là dã tâm tiêu diệt chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới được thành lập sau Cách mạng Tháng Tám của Nhân dân ta.

Ngay từ ngày 06/9/1945, phái bộ quân sự Anh đã tới Sài Gòn kéo theo phía sau là lực lượng binh lính Pháp. Cấu kết chặt chẽ với các lực lượng phản động, chúng vu cáo chính quyền cách mạng không giữ được trật tự trị an; ngang ngược yêu cầu chúng ta giải tán các đội tự vệ; ngăn cấm người dân tham gia các hoạt động ủng hộ chính quyền cách mạng... Phái bộ quân sự Anh còn trang bị vũ khí cho trên 1.400 lính Pháp bị quân Nhật bắt giữ trước đó. Ngày 21/9, quân Anh chiếm đóng trụ sở cảnh sát quận 3 và thực hiện thiết quân luật. Tối 22/9, chúng chiếm Đài Phát thanh của chính quyền cách mạng. Đến ngày 23/9, được quân Anh giúp đỡ và hỗ trợ của tàn quân Nhật, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta lần thứ 2, đánh chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân Nam bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn.

Trước tình thế cách mạng cấp bách, khắc sâu lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”, phát huy truyền thống yêu nước và khí thế của Cách mạng Tháng Tám, quân dân Nam bộ đã nhất tề đứng dậy cầm vũ khí chống lại các thế lực xâm lược. Đêm 22 rạng ngày 23/9/1945, các đơn vị vũ trang của cách mạng đã anh dũng đánh trả trong cuộc đụng đầu với quân xâm lược Pháp. Giữa lúc tiếng súng còn đang nổ ran nhiều nơi trong thành phố, vào sáng sớm ngày 23/9/1945, Xứ ủy, Ủy ban nhân dân và Ủy ban kháng chiến Nam bộ triệu tập cuộc họp liên tịch tại nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5). Nhận định tình hình quân Pháp đã bắt đầu xâm lược nước ta một lần nữa, định chiếm Sài Gòn, sau đó đánh lan ra Nam bộ rồi cả nước, như trước đây chúng đã làm, Hội nghị đi đến quyết định “vừa đánh điện báo cáo và xin chỉ thị của Trung ương, vừa phát động kháng chiến ngay lập tức”. Hội nghị thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam bộ” do đồng chí Trần Văn Giàu vừa soạn trong đêm. Sau khi nhắc lại lời thề “Độc lập hay là chết!” trong Lễ Độc lập tại Sài Gòn ngày 2/9/1945, Ủy ban kháng chiến Nam bộ xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng” và kết thúc Lời kêu gọi bằng câu: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”. Lời kêu gọi được tán phát trong dân, dán lên tường, lên thân cây... khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, tỉnh Tân Bình, tỉnh Gia Định và được cấp tốc chuyển đến khắp các tỉnh Nam bộ.

Thực hiện Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Nam bộ đã “muôn người như một” anh dũng đứng lên với tinh thần quyết chiến và ý chí quyết tâm bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Ngay chiều 23/9, cả Sài Gòn - Chợ Lớn ngập tràn trong khí thế chiến đấu tiêu diệt quân thù. Các công sở, xí nghiệp, hãng buôn đều đóng cửa. Đêm 23/9, công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn bãi công cắt toàn bộ điện, nước. Trong nội thành, chiến lũy được dựng lên ở khắp các phố phường để cản bước tiến của quân địch. Các đội tự vệ chiến đấu nhanh chóng được thành lập tại các nhà máy, xí nghiệp, công sở, trường học. Chỉ sau thời gian ngắn, ta đã tổ chức được 320 đội tự vệ chiến đấu, bố trí tại 16 khu vực tác chiến trọng điểm. Ở các tỉnh Nam bộ, Ủy ban Kháng chiến cũng chỉ đạo thành lập những đội du kích, đội tự vệ chiến đấu làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự xã hội và bảo vệ chính quyền. Với tinh thần đó, chỉ trong trận mở đầu ở Tân Định, ta đã tiêu diệt gần 200 tên địch. 23/9/1945 trở thành ngày lịch sử đặc biệt quan trọng, mở ra một trang sử oanh liệt, hào hùng “Ngày Nam bộ kháng chiến”.

Nhận được điện báo cáo của Nam bộ, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra ngay Huấn lệnh: “Hỡi đồng bào Nam bộ! Lòng cương quyết dũng cảm của nhân dân Nam bộ chống lại quân đội xâm lăng của Pháp... làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục... Đồng bào phải kiên quyết, phải giữ vững sự tin tưởng ở tương lai và lập tức thi hành triệt để những lời thề quả quyết trong Ngày Độc lập”.

Ngày 26/9/1945, qua làn sóng Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi “lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ” và khẳng định “Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”. Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Huấn lệnh của Chính phủ cổ vũ mạnh mẽ lớp lớp quân dân Nam bộ xốc tới thực hiện lời thề “Độc lập hay là chết!” trong suốt 30 năm ròng rã (1945 - 1975) kiên cường, bền bỉ chiến đấu, lập nên nhiều chiến công, đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975 - giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc./.

NGUYỄN THÀNH NHÂN
Trưởng phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40181924