Truy cập hiện tại

Đang có 33 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Nhà báo Nguyễn Văn Lợi

(TGAG)- Hướng đến Kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6).
Trong số báo cách mạng công khai xuất hiện từ năm 1937 ở Nam kỳ, gây được tiếng vang phải kể đến báo Dân chúng, lấy danh nghĩa là cơ quan ngôn luận của lao động và dân chúng Đông Dương nhưng thực chất là cơ quan ngôn luận chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đóng tại Sài Gòn.

Báo Dân chúng đăng tải rất nhiều bài viết tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng; kêu gọi và tổ chức quần chúng đấu tranh đòi tự do, dân chủ, dân sinh, hòa bình; lên tiếng đòi tự do báo chí, tự do lập hội và nghiệp đoàn, tự do hội họp và biểu tình, đòi thả tù chính trị và cải thiện đời sống nhân dân... Hoạt động xông xáo của phóng viên Dân chúng, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Lợi đã góp phần tập hợp, thu hút dư luận, tạo thành làn sóng ủng hộ, cổ vũ phong trào đấu tranh của quần chúng các nơi, giúp các cuộc đấu tranh  gây được tiếng vang và hiệu ứng lan tỏa rộng rãi.

Nguyễn Văn Lợi (còn có tên là Nguyễn Tiến Hồng) bí danh là Dương Bạch Yến, sinh năm 1908 tại xã Mỹ Hội Đông, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên (nay là huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương vào khoảng cuối năm 1930, sau đó ít lâu thì thoát ly gia đình tham gia hoạt động cách mạng.

Trong phong trào đấu tranh dân chủ giai đoạn 1936 - 1939, với vai trò là phóng viên của báo Dân chúng, đồng chí Nguyễn Văn Lợi đã tích cực hoạt động, viết bài đưa tin các cuộc đấu tranh sôi nổi của quần chúng các nơi, nhất là vùng Long Xuyên - Châu Đốc. Trong đó Chợ Mới là nơi phong trào diễn ra đặc biệt sôi sục với nhiều tin tức đấu tranh được đăng tải trên báo chí. Dấu ấn lớn nhất của đồng chí Nguyễn Văn Lợi gắn liền với sự kiện “đón tiếp” Honel, đảng viên Đảng Cộng sản, Nghị sĩ Quốc hội Pháp, đi điều tra tình hình Đông Dương.

Sự kiện diễn ra trong năm 1937, khi phái đoàn Nghị sĩ Quốc hội Pháp tới Sài Gòn, Honel cùng đi trong đoàn đã nhờ đồng chí Nguyễn Văn Lợi hướng dẫn về quận Chợ Mới để nắm tình hình. Cuộc đón tiếp Honel tại chợ Mỹ Luông và quận lỵ Chợ Mới trong ngày 3-7-1937 đã gây được tiếng vang khắp các vùng lân cận. Qua sự giới thiệu của đồng chí Nguyễn Văn Lợi, biết Honel là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp nên quần chúng có mặt trong cuộc đón tiếp hết sức phấn khởi, thẳng thắn nêu lên cảnh sống cùng khổ của mình dưới chính sách cai trị hà khắc của chính quyền thực dân; đồng thời, qua sự hướng dẫn của đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Honel đã có dịp tận mắt chứng kiến, trực tiếp lắng nghe những tội ác của thực dân Pháp và tay sai đã gây ra đối với nhân dân Việt Nam. Honel ghi nhận sự thật, tỏ ý thông cảm và hứa sẽ báo cáo lên chính phủ Pháp tất cả những gì được biết.

Cuộc viếng thăm của Honel qua sự hướng dẫn của đồng chí Nguyễn Văn Lợi trong tinh thần đoàn kết quốc tế cao đẹp; có tác dụng cổ vũ, động viên tinh thần đấu tranh của nhân dân Chợ Mới nói riêng, phong trào cách mạng ở Long Xuyên - Châu Đốc nói chung.

Sau khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 bất thành, cơ sở cách mạng bị đánh phá ác liệt, đồng chí Nguyễn Văn Lợi phải chuyển vùng hoạt động về nông thôn để “điều lắng”, nhưng sau đó đã bị địch bắt.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Nguyễn Văn Lợi tiếp tục hoạt động năng nổ, đem hiểu biết và nhiệt huyết cách mạng góp phần vào việc xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng non trẻ vừa thành lập. Kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nổ ra, thời gian đầu, đồng chí Nguyễn Văn Lợi tham gia vào lực lượng vũ trang, rồi sau đó chuyển sang công tác ở Ban Kinh tài Nam Bộ.

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Hiệp định Genève được ký kết và có hiệu lực, lực lượng cách mạng tiến hành chuyển quân tập kết, những đồng chí có năng lực hoạt động và bản lĩnh vững vàng được phân công ở lại miền Nam tiếp tục công tác, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Lợi. Đồng chí được tổ chức phân công trở lại Sài Gòn hoạt động trong phong trào đấu tranh công khai bảo vệ hòa bình, thuộc Đặc khu Sài Gòn - Gia Định.

Hoạt động hết sức hăng hái nên đồng chí Nguyễn Văn Lợi bị mật thám theo dõi. Mùng 4 Tết âm lịch năm 1956, đồng chí bị địch bắt tại nhà ở Chợ Thiếc. Không khai thác được bất cứ thông tin gì từ người đảng viên cộng sản kiên trung, địch đã thủ tiêu đồng chí Nguyễn Văn Lợi tại Tổng nha cảnh sát Sài Gòn.

Ghi nhớ, tri ân sự hy sinh thầm lặng, công lao đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, ngày 19-3-1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười truy tặng đồng chí Nguyễn Văn Lợi bằng Tổ quốc ghi công. Ngày 8-2-1996, Chủ tịch nước Lê Đức Anh quyết định truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho đồng chí Nguyễn Văn Lợi với thành tích “Đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”./.

Lê Mậu Thân


Tài liệu tham khảo:
- Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang (2002), Lịch sử Đảng bộ tỉnh An Giang - tập 1 (1927 - 1954), An Giang.
- Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chợ Mới (2010), Lịch sử Đảng bộ huyện Chợ Mới 1927 - 2010, An Giang.
- Đảng bộ xã Mỹ Hội Đông (2015), Truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Mỹ Hội Đông 1930 - 2015, An Giang.
- Phạm Thị Huệ (2013), Phong trào dân tộc dân chủ ở Nam Kỳ 1930 - 1945, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40049234