Truy cập hiện tại

Đang có 97 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Những điều cần quan tâm trong công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng

(TGAG)- Năm 2015 là năm diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp nên cấp ủy quan tâm chỉ đạo hoàn thành Lịch sử Đảng bộ địa phương làm công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, theo đó công tác Lịch sử Đảng đạt được nhiều kết quả khả quan.

Trong năm có 21 ấn phẩm được xuất bản, trong đó 02 ấn phẩm cấp tỉnh, 02 ấn phẩm huyện tái bản và bổ sung (huyện Thoại Sơn, Tri Tôn), còn lại là 17 xã. Đến nay, toàn tỉnh đã xuất bản 32/34 xã được công nhận danh hiệu xã anh hùng (còn 2 xã Nhơn Hội và Vĩnh Lộc của huyện An Phú), đạt tỷ lệ 94,1%. Có 80/156 ấn phẩm Lịch sử Đảng bộ xã, phường, thị trấn (tỷ lệ 51,3 %). Cụ thể: Châu Đốc đạt tỷ lệ 100%, Tịnh Biên đạt tỷ lệ 92,8%, Thoại Sơn đạt tỷ lệ 70,6%, Châu Phú đạt tỷ lệ 69,2%...

Các ấn phẩm có nhiều cố gắng sưu tầm tư liệu, giới thiệu về vùng đất và con người cũng như các sự kiện lịch sử xảy ra tại địa phương; cách thể hiện khách quan, chặt chẽ nhưng cách viết vẫn chưa hấp dẫn, chưa thu hút mọi người, nhất là giới trẻ. Để ấn phẩm lịch sử thực hiện đúng tiến độ đề ra và đạt chất lượng, địa phương cần quan tâm những vấn đề chính sau:

Thứ nhất, Địa phương lập dự trù kinh phí (thực chi, khoán chi) theo từng công việc, từng giai đoạn thực hiện công trình; chi theo tiến độ thực hiện, tránh khoán chi trước nhưng đến thời gian quy định không có sản phẩm theo đúng tiến độ hoàn thành, làm chậm trễ thời gian xuất bản.

Thứ hai, Thành lập Ban biên soạn (là người trực tiếp viết) cần nhất là người có khả năng viết được, người có chuyên môn và nhiệt tình, đam mê công việc; sau đó thống nhất đề cương (đề cương khái quát và chi tiết) cũng như bố cục của cuốn sách. Nếu được, thống nhất cách phân kỳ lịch sử, phân chia từng giai đoạn, tránh tình trạng sao y một cuốn sử của một địa phương nào đó vì khi phân kỳ hoặc đặt tên cho tiêu đề  thì phải căn cứ vào sử liệu của địa phương mình.

Về thể loại: Chọn cách viết Lịch sử đảng bộ hay Truyền thống đấu tranh cách mạng….

Về mốc thời gian: Địa phương chọn mốc thời gian dựa trên cơ sở chi bộ ra đời vào năm nào hoặc ít nhất là có đảng viên đến địa phương đó hoạt động, tạo dựng được phong trào (nếu là Lịch sử Đảng). Ví như: Lịch sử Đảng bộ thị trấn Phú Hòa 1954 – 2015 (Thoại Sơn); Lịch sử Đảng bộ xã Nhơn Hưng 1930 – 2015 (Tịnh Biên)…

Về phân kỳ lịch sử: Đặc biệt là những thành tựu sau đổi mới. Có hai cách thể hiện: Theo nhiệm kỳ Đại hội: Đại hội V nhiệm kỳ… Những chỉ tiêu chủ yếu. Những thành tựu kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng… Theo thành tựu 10, 20 năm: Giai đoạn từ sau đổi mới đến năm 2000.  Xã… qua 3 lần đại hội.  Đại hội lần V, VI, VII Các chỉ tiêu, mục tiêu chủ yếu; Thành tựu 15 năm về kinh tế, văn hóa xã hội, xây dựng Đảng… (có thể viết theo chuyên đề sẽ làm nổi bật thành tựu của địa phương đạt được. Như phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đường giao thông nông thôn, thủy lợi…) 

Thứ ba, Tọa đàm với mục đích là thống nhất những tư liệu còn có sự chênh lệch nhau về thời gian, con người, diễn biến… nên không mời tham dự quá đông (có thể chia nhỏ từng sự kiện, theo từng chuyên đề để tọa đàm nhóm trước) và có sự chuẩn bị nội dung cần trao đổi cũng như quy định thời gian phát biểu, tránh kể lại những sự kiện đã cung cấp cho ban biên soạn khi đi khai thác…

Thứ tư, Ban biên tập đọc lại bản thảo và góp ý để ban biên soạn hoàn chỉnh (Tùy theo chất lượng sản phẩm mà góp ý bao nhiêu lần). Ban Tuyên giáo huyện, thị, thành xin ý kiến Ban Thường vụ và có ý kiến nhận xét bản thảo trước khi gửi về phòng chuyên môn thẩm định và xin phép xuất bản.

Một số địa phương đã chủ động thành lập Tổ Thẩm định hoặc Thường trực Huyện ủy giao cho Trưởng ban Tuyên giáo chịu trách nhiệm về nội dung trước khi gởi về phòng Lịch sử Đảng tỉnh thẩm định. Nhất thiết địa phương đọc trước (Bí thư xã và Lãnh đạo Ban Tuyên giáo) vì các đồng chí ấy nắm chắc được tư liệu, địa danh nhằm góp phần đảm bảo tính chính xác (không thể giao khoán cho ban biên tập).

Thứ năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có kho lưu trữ tài liệu khá phong phú, đa dạng bao gồm: tài liệu thành văn, tài liệu sống, các ấn phẩm lịch sử các ngành, danh sách tù nhân Côn Đảo, tiểu sử tóm tắt các đồng chí tặng thưởng Huân chương bậc cao, các đồng chí cao niên tuổi đảng, gương phụ nữ trong kháng chiến… nên huyện cử người đến khai thác chung cho các xã rồi phân chia theo địa bàn sẽ nhanh hơn. Các địa phương đến khai thác tư liệu nên cử 3 – 4 đồng chí, trang bị máy ảnh, Laptop… để khai thác hiệu quả và tiết kiệm thời gian đi lại.

Thời gian qua công tác lưu trữ hồ sơ, tài liệu bị thất thoát nhiều nên khi khai thác, tìm kiếm tư liệu rất khó khăn, kể cả Văn kiện Đại hội tại cơ sở gần nhất cũng không còn! 

Khi quyển sách in ấn xong, xã cần giới thiệu sản phẩm đến bạn đọc bằng các hình thức như tổ chức lễ công bố nhằm giới thiệu với dân địa phương và bạn đọc gần xa quan tâm tìm hiểu về lịch sử vùng đất và con người đang sinh sống để qua đó cổ vũ, động viên mọi người sống tốt hơn, xứng đáng với thế hệ cha ông đã dày công tạo thành; Tổ chức cuộc Thi tìm hiểu lịch sử địa phương cho các em học sinh trong các trường học; Có thể tóm tắt Lịch sử Đảng bộ công bố trên đài truyền thanh địa phương.

Ngoài ra cấp ủy cần đặt ra tiêu chí được ghi tên Nhà bia như: quê quán, có thời gian tham gia chiến đấu tại địa phương... Hiện tại Nhà bia ở các địa phương còn thiếu tên những người có công hoạt động kháng chiến do xưa kia gia đình có người hoạt động cách mạng khi bị bắt, hy sinh là “tan nhà nát cửa” nên gia đình phải lánh nạn chỗ khác, sau giải phóng có gia đình định cư chỗ ở mới. Vậy  làm cách nào không để thiếu sót sự ghi nhận công lao của các liệt sĩ trong kháng chiến?.

Trên đây là những điều cần quan tâm khi nghiên cứu, biên soạn lịch sử địa phương và tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng. Địa phương cần khai thác những đặc điểm riêng, thế mạnh của địa phương mình để thể hiện lịch sử phong phú, đa dạng và hấp dẫn. /.

Nguyễn Thị Kim Huê
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37166608