Truy cập hiện tại

Đang có 283 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Về Hòn Đất thăm Chị Sứ

(TGAG)- Trong 3 ngày 7,8,9/1/2016 Khu di tích lịch sử văn hóa Hòn Đất long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 54 năm Ngày Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng (Chị Sứ, Tư Phùng) hy sinh (9/1/1962-9/1/2016). Đến dự có lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, huyện Hòn Đất và đại diện các các sở ban ngành trong tỉnh và địa phương. Đặc biệt có khoảng 30 người là thân tộc gia đình Chị Sứ về dự.

Từ Long Xuyên theo hướng Thoại Sơn đến cầu Mớp Văn - Ba Thê rẻ trái là đến xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất. Theo quốc lộ 80 qua khỏi thị trấn Hòn Đất một lúc, rẽ trái khoảng 13km sẽ đến khu Di tích lịch sử văn hóa Hòn Đất thuộc xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang). Hòn Đất là căn cứ cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ và là một trong những trạm dừng chân của con đường 1C huyền thoại do lực lượng thanh niên xung phong khu Tây Nam bộ đảm trách.

Hòn Đất trong kháng chiến chống Pháp có tên gọi là Châu Thành, Giang Châu thuộc tỉnh Long Châu Hà, Long Châu Hậu cùng với Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn có chung vùng căn cứ cách mạng là Mỹ Hiệp Sơn, Vàm Rầy, Lình Quỳnh. Những năm đánh Mỹ Hòn Đất có tên gọi là Châu Thành, Châu Thành A thuộc tỉnh Châu Hà, Long Châu Hà. Sau giải phóng, có tên gọi là huyện Hòn Đất thuộc tỉnh Kiên Giang đến ngày nay.

 
Hòn Đất được cả nước biết đến gắn liền với tên “Chị Sứ”, một nhân vật trong tác phẩm Hòn Đất của nhà văn Anh Đức và bộ phim cùng tên của đạo diễn Hồng Sến. Nhân vật chị Sứ được xây dựng dựa trên hình ảnh của nữ liệt sĩ bất khuất, thủy chung Phan Thị Ràng đã sống và chiến đấu anh dũng trên vùng đất này vào những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX. Sinh năm 1937 ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang), Phan Thị Ràng tham gia cách mạng lúc 13 tuổi và hy sinh vào rạng sáng ngày 9/1/1962 khi mới 25 tuổi ngay dưới chân núi Hòn Đất.

Hòn Đất lưu giữ quá khứ và hiện tại

Vượt qua cổng chào hoành tráng vào trong khu di tích, chúng ta nhìn thấy hai tấm đá hoa cương có khắc tên tuổi của 967 liệt sĩ huyện Hòn Đất. Từ đó bước xuống 37 bậc đá sẽ gặp mộ của anh hùng Phan Thị Ràng. Ngôi mộ có mái ngói giả cổ uốn cong như ngôi miếu nhỏ và được đỡ bởi 12 cây cột trụ bề thế, uy nghi. Gần mộ chị Sứ hiện nay là quần thể phù điêu, tượng đài, nhà trưng bày hiện vật lịch sử.


Nằm trong khuôn viên rộng 22.000m2 dưới chân Hòn Me, khu trưng bày chứng tích chiến tranh có các hiện vật như xác máy bay A.37, trực thăng, xe tăng M.47, pháo 105 li, vỏ bom, súng cối và các loại khí tài, quân dụng khác mà kẻ địch đã sử dụng tại vùng đất Ba Hòn. Khu di tích Hòn Đất lưu trữ nhiều hình ảnh, tư liệu, phản ánh  lịch sử đấu tranh anh hùng của quân dân huyện Hòn Đất và tỉnh Kiên Giang, cùng các lực lượng thanh niên xung phong đường 1C, các lực lượng vũ trang khu 9. Đặc biệt là trận quyết chiến xảy ra vào tháng 1/1962, lúc ấy địch tập trung hơn 2.000 quân đánh vào vùng căn cứ Ba Hòn (Hòn Đất, Hòn Me, Hòn Sóc). Chị Phan Thị Ràng  đã tổ chức nhân dân đấu tranh chính trị, phối hợp với các hoạt động vũ trang buộc địch phải rút lui. Đêm 8 rạng ngày 9/1, trên đường công tác, chị Tư Phùng bị địch phục bắt, chúng tra tấn chị rất dã man nhưng vẫn bất lực không khai thác được gì và đã hành quyết chị. Dã man hơn, khi chị chết chúng treo ngược 2 tay lên nhánh cây xoài, thân hình lơ lửng trên không, dùng dao lóc từng thớ thịt. Chúng treo thi thể của chị trên cây qua 4 ngày đêm nhằm phục kích tóm gọn quân giải phóng đến lấy xác chị. Ngày 20/12/1994, Chủ tịch nước đã truy tặng cho chị Tư Phùng - Phan Thị Ràng - chị Sứ danh hiệu cao quý: anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1989, Hòn Đất được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Ngày nay khu di tích lịch sử Hòn Đất là địa chỉ du lịch hấp dẫn bởi non nước hữu tình và những câu chuyện thời chiến tranh đã trở thành huyền thoại đầy tự hào của người Hòn Đất. Đến thăm Khu di tích, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan viết:

Đến Hòn Đất những ngày này không chỉ có khách du lịch tham quan khu di tích Ba Hòn nổi tiếng một thời máu lửa mà còn có cán bộ hưu trí, các cô chú cựu chiến binh, lực lượng thanh niên xung phong mái tóc bạc phơ được con cháu đưa về thăm đồng đội, chiến trường cũ…ôn lại quãng đời đẹp nhất của tuổi thanh niên đã cống hiến cho Tổ Quốc này được hòa bình độc lập. Xin được thắp nén nhang tưởng nhớ, ghi nhận công lao các liệt sĩ./.
Bài: Kim Huê; ảnh: Thanh Tân
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39946594